
3 chìa khoá cho hành trình Mùa Chay theo Sứ điệp Mùa Chay 2025
Mùa Chay là thời gian giúp chúng ta trở về với Thiên Chúa, thanh lọc tâm hồn và sừa đổi cuộc sống. Trong Sứ điệp Mùa Chay 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy định hướng và sống trọn vẹn hành trình Mùa Chay theo ba chìa khóa quan trọng: “Bước đi – Cùng nhau – Trong hy vọng”.
Mùa Chay là thời gian giúp chúng ta trở về với Thiên Chúa, thanh lọc tâm hồn và sừa đổi cuộc sống. Trong Sứ điệp Mùa Chay 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy định hướng và sống trọn vẹn hành trình Mùa Chay theo ba chìa khóa quan trọng: “Bước đi – Cùng nhau – Trong hy vọng”.
1. Bước đi
Hành trình đức tin là một cuộc Xuất Hành, giống như cuộc hành trình của dân Israel rời bỏ Ai Cập để tiến về Đất Hứa. Họ ra đi không chỉ để thoát khỏi kiếp nô lệ thể xác mà còn để tìm về tự do đích thực trong Thiên Chúa. Cũng vậy, bước đường hoán cải của mỗi người Kitô hữu không đơn thuần là một sự thay đổi bề ngoài, mà là một cuộc canh tân tận căn từ tâm hồn – một hành trình từ bóng tối đến ánh sáng, từ tội lỗi đến ân sủng, từ nô lệ của dục vọng đến tự do trong tình yêu Thiên Chúa.
Xã hội hôm nay tưởng chừng văn minh, phát triển, nhưng lại đầy rẫy những tâm hồn “lưu lạc” – những con người lạc lõng giữa dòng đời, chênh vênh trước những cơn lốc xoáy của thời đại. Có những người mải miết chạy theo danh vọng, tiền tài, quyền lực, mà không nhận ra mình đang dần đánh mất chính mình. Có những người bị cuốn vào vòng xoáy của hưởng thụ, dục vọng, để rồi cuối cùng chỉ còn lại một tâm hồn hoang vu, cằn cỗi. Lại có những người lạc đường trong sự vô cảm, ích kỷ, không còn khả năng mở lòng ra để yêu thương. Họ có thể thành công rực rỡ, được người đời ngưỡng mộ, nhưng sâu thẳm bên trong lại là sự trống rỗng, mất phương hướng. Như dân Israel ngày xưa dù đã thoát khỏi Ai Cập nhưng vẫn nhiều lần hoài niệm về nồi thịt, củ hành củ tỏi của kiếp nô lệ, con người hôm nay cũng dễ dàng bị cám dỗ quay về với những điều cũ kỹ, những thói quen tội lỗi mà họ tưởng rằng đã từ bỏ. Chính vì thế, Mùa Chay vang lên như một hồi chuông thức tỉnh: Tôi đang bước đi hay đang chìm đắm trong sợ hãi, lười biếng và tuyệt vọng?
Nhiều người lầm tưởng rằng hoán cải chỉ đơn thuần là một sự thay đổi trong tâm hồn, một cảm giác xúc động thoáng qua, một chút hối tiếc về quá khứ, hay một quyết tâm mơ hồ cho tương lai. Nhưng hoán cải thực sự là một sự lựa chọn cụ thể, một sự quyết tâm dấn thân vào con đường mới, lối sống mới. Giống như người con hoang đàng trong Tin Mừng: nếu anh ta chỉ ngồi đó mà hối hận về những lỗi lầm của mình, anh ta vẫn sẽ chìm trong đói khát, khổ đau. Nhưng anh đã đứng lên và trở về nhà cha, đó là một bước ngoặt thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh. Cũng vậy, để bước đi trên hành trình hoán cải, chúng ta cần từ bỏ những gì đang trói buộc mình: nếu ta đang bị nô lệ bởi lòng tham, hãy học sống quảng đại; nếu ta đang bị cuốn vào vòng xoáy của hưởng thụ, hãy tập sống khổ chế; nếu ta đang lạc lối trong sự vô cảm, hãy bắt đầu bằng những hành động yêu thương nhỏ bé; nếu ta đang sợ hãi trước thử thách, hãy tin rằng Chúa luôn nắm chặt tay ta. Giống như một người lữ hành băng qua sa mạc để tìm về ốc đảo, hoán cải là một hành trình mà mỗi bước đi đều có thể là một thách thức, nhưng cũng là một bước đến gần hơn với sự sống đích thực. Mùa Chay không phải chỉ là 40 ngày tạm thời thay đổi, mà là cơ hội để ta bước vào một cuộc Xuất Hành nội tâm thực sự, rời khỏi vùng tối của tội lỗi để tìm về ánh sáng của Chúa. Đó là hành trình mà ta không thể mãi đứng yên. Hãy dám bước đi, bởi chỉ khi dám bước, ta mới có thể tìm thấy chính mình trong ánh sáng của Ngài.
2. Cùng nhau
Giáo hội không phải là một tập hợp những cá nhân sống đức tin riêng lẻ, mà là một cộng đoàn cùng nhau tiến bước, được liên kết bởi tình yêu Thiên Chúa và sự hiệp thông với nhau. Tinh thần hiệp hành không đơn thuần là một khái niệm lý thuyết, mà là một lời mời gọi cụ thể để mỗi người Kitô hữu ý thức rằng mình không đi một mình, nhưng cùng với anh chị em trong Đức Tin. Trong thân thể Giáo hội, không ai bị lãng quên, không ai bị bỏ rơi, không ai bị loại trừ. Mỗi người đều có một chỗ đứng, một vai trò và một sứ mạng để góp phần xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Mùa Chay là thời gian thuận lợi để mỗi người nhìn lại mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Giữa một thế giới vội vã, cạnh tranh và chia rẽ, chúng ta dễ dàng khép mình lại trong vỏ bọc cá nhân, sống vì bản thân mà quên mất rằng xung quanh còn biết bao người đang cần đến sự quan tâm, sẻ chia. Có lẽ chúng ta cần tự hỏi: Tôi có đang sống quá ích kỷ, chỉ lo cho những kế hoạch, tham vọng của riêng mình mà quên mất nhu cầu của người khác không? Tôi có thực sự nhạy cảm trước nỗi đau của những người nghèo khổ, những ai đang bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội hay không?
Sự hiệp nhất không phải là một lựa chọn tùy ý, mà là điều Chúa Giê-su đã khẩn thiết mong muốn nơi mỗi người chúng ta. Trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn, Người đã tha thiết cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21). Người không muốn Giáo hội của Người chỉ là một tập hợp những nhóm riêng lẻ, mỗi người một hướng, nhưng là một cộng đoàn yêu thương, biết nâng đỡ nhau trong đức tin, cùng nhau phục vụ và làm chứng cho Tin Mừng. Chúng ta không thể chỉ lo sống đạo một cách cá nhân, nhưng phải mở lòng ra để gặp gỡ, lắng nghe, đồng hành cùng nhau trên hành trình tiến về Nước Trời.
Mỗi người đều có một vai trò trong thân thể Giáo hội, như thánh Phao-lô đã khẳng định: “Như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, và các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy, tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô” (Rm 12,4-5). Sự hiệp hành đòi hỏi chúng ta biết tôn trọng sự khác biệt, đón nhận nhau như những chi thể quý giá trong cùng một thân thể. Không ai quá nhỏ bé để bị lãng quên, không ai quá yếu đuối mà không có gì để đóng góp. Khi mỗi người sống tinh thần hiệp thông, lắng nghe và yêu thương nhau, Giáo hội sẽ thực sự trở thành một dấu chỉ sống động của Nước Trời giữa trần gian.
Mùa Chay là lời mời gọi canh tân đời sống hiệp thông, để mỗi bước chân chúng ta không chỉ là hành trình cá nhân, mà là một bước đi cùng Giáo hội, cùng nhau tiến về ánh sáng của Đức Kitô Phục Sinh.
3. Trong hy vọng
Hy vọng Kitô giáo không phải là một sự lạc quan vô định, mà là một xác tín vững chắc được xây nền trên lời hứa của Thiên Chúa. Chúng ta không hy vọng theo kiểu thế gian nơi mà niềm hy vọng có thể dễ dàng lung lay bởi những đổi thay của hoàn cảnh mà là hy vọng đặt trọn trong Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết. Biến cố Phục Sinh không phải là một sự kiện của quá khứ, mà là bảo chứng cho tương lai của chúng ta: nếu Người đã sống lại, thì không gì có thể chia cắt chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
Trong hành trình đức tin, sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy bấp bênh, bị bao trùm bởi bóng tối của đau khổ, thử thách và bất công. Có những khi chúng ta tự hỏi: Thiên Chúa đang ở đâu? Tại sao cuộc đời lại đầy những biến cố ngoài tầm kiểm soát? Cần xác tín rằng: Hy vọng không có nghĩa là không còn khó khăn, mà là ngay giữa thử thách, chúng ta vẫn bám chặt lấy Thiên Chúa và tin rằng Người đang đồng hành với mình. Vì thế, Hy vọng phải được nuôi dưỡng mỗi ngày. Hãy lắng nghe Lời Chúa, vì chính Lời Người củng cố niềm tin và thắp sáng hy vọng nơi tâm hồn. Hãy cầu nguyện, bởi vì một con tim kết hợp mật thiết với Chúa thì sẽ không bao giờ cảm thấy đơn độc. Hãy thực hành công lý, yêu thương, và liên đới với những người đau khổ, bởi vì mỗi hành động yêu thương đều là một dấu chỉ của hy vọng trong thế giới này.
Mùa Chay là một hành trình. Hãy bước đi cùng nhau trong hy vọng!
Mưa HẠ
Nguồn: daminhrosalima.net