Theo Cẩm Nang Lãnh Đạo, nội dung gồm đổi phiên họp không chỉ thu gọn trong phần tường thuật mà còn phải bao gồm đối thoại, hoạch định để giúp nhau thăng tiến.
Chính vì vậy mà những chia sẻ về cả ba phương diện Học Đạo, Sùng Đạo và Hành Đạo cần được mọi người lắng nghe. Có lắng nghe ta mới có thể đi vào phần thảo luận và hoạch định một cách phong phú.
Đối thoại và hoạch định còn là cơ hội để các thành viên trong nhóm thảo luận về các công tác chung. Những công tác này giữ vai trò quan trọng để giúp các thành viên trung thành hội nhóm.
- Ta phải lắng nghe những chia sẻ về học đạo để biết được những cách thức học đạo mà người đang chia sẻ đã áp dụng. Đồng thời ta có thể đóng góp ý kiến về những tài liệu bổ ích đã giúp ta trong việc học đạo. Các nhóm viên cũng có thể bàn thảo về những ý kiến, những phương thức học đạo đã giúp họ thăng tiến để việc học đạo của mọi người trong nhóm ngày càng sốt sắng và hữu hiệu hơn.
- Cũng phải áp dụng như vậy cho việc sùng đạo. Lắng nghe và học hỏi nơi những hình thức tôn thờ đã giúp người bạn của ta đi sâu hơn vào trong tình thân với Chúa Kitô – Thầy Chí Thánh. Những việc sùng kính đã giúp người bạn đang chia sẻ đến gần Chúa hơn cũng có thể là những gợi hứng giúp cho chúng ta thăng tiến trên con đường thánh thiện. Những cảm nghiệm được sống gần Chúa khi được đem chia sẻ, học hỏi sẽ giúp cả nhóm cùng nắm tay nhau, nâng đỡ nhau trong cuộc hành trình của niềm tin. Và như vậy, cả nhóm sẽ cùng nhau ngày càng đi xa hơn trong tương quan mật thiết với Thầy Chí Thánh.
- Việc thảo luận và hoạch định còn quan trọng hơn nữa trong lãnh vực hành đạo, vì hành đạo không còn thu gọn trong lãnh vực cá nhân mà là những công tác hoạt động liên quan đến người khác.
Thảo luận để rút ưu khuyết điểm về công tác loan truyền Tin Mừng trong gia đình. Thí dụ như những trở ngại nào ta đã gặp phải khi mới khởi xướng việc cầu nguyện, đọc kinh chung hay chia sẻ Lời Chúa trong gia đình. Quan trọng hơn nữa là chia sẻ về những thành công khi một người bạn khác trong nhóm đã vượt qua được những trở ngại đó ra sao.
Thảo luận về cách thức nào hữu hiệu nhất để mời gọi một người bạn không cùng một niềm tin đón nhận Tin Mừng Phúc Âm. Nhất là khi người này đang trong tình trạng bệnh tật hiểm nghèo. Thảo luận về những người mà ta quen biết đang ở trong tình trạng tâm hồn có thể dễ đón nhận Tin Mừng, và bàn luận về kế hoạch cũng như phân chia công tác để đem Tin Mừng cho họ.
Thảo luận và hoạch định những phương thế để cùng nhau loan báo Tin Mừng dưới những hình thức khác biệt trong mọi môi trường sống. Với những đối tượng thuộc thành phần trí thức, đặc biệt cần đòi hỏi sự kiên trì, tế nhị và thận trọng của người làm công tác rao giảng.
Lời Thánh Phaolô: Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng (1 Cr 9:16).
Đọc tiếp: Chia Sẻ Tin Mừng Trong Phiên Họp
[mục lục] Cuộc Hành Trình Ngày Thứ Tư