Lịch sử ơn cứu độ là lịch sử Thiên Chúa đi tìm con người. Đó là lịch sử cầu chuyện tình giữa Thiên Chúa và nhân loại. Con người không có khả năng để nhận biết Thiên Chúa. Thiên Chúa, do tình yêu nhưng không của Ngài đã đi bước trước tìm đến với con người. Thiên Chúa đã mạc khải, tỏ mình ra với con người. Thiên Chúa đã diễn tả nội tâm của Ngài, tình yêu của Ngài bằng một Lời duy nhất, một Lời trọn vẹn. Lời Toàn Hảo đó chính là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngôi Lời Nhập Thể.

Chúa Giêsu là trung tâm điểm của lịch sử nhân loại và lịch sử ơn cứu độ. Ngài là biểu lộ hữu hình của Thiên Chúa vô hình. Nơi Ngài, tình thương yêu vô bờ của Thiên Chúa được mạc khải. Tình thương yêu đó là cốt lõi của Tin Mừng Chúa Giêsu đã đến để loan báo. Suy niệm, chia sẻ và sống sứ điệp của Tin Mừng phải là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của mọi Kitô hữu, những người đặt niềm tin và hi vọng nơi Chúa Giêsu. 

Đi vào trong thực tế của cuộc sống, một trong những khó khăn làm ta không kiên trì trong việc đọc và suy niệm Tin Mừng là sự kiện ta đọc nhưng không cảm nghiệm được tâm tình sốt mến. Có thể là vì ta đọc Tin Mừng như đọc một cuốn truyện hay một sách lịch sử. Những câu chuyện ta nghe đã nhiều lần nên không còn gì mới lạ. Cả những dụ ngôn tuyệt vời như dụ ngôn Người Con Phung Phá cũng không còn làm tâm hồn ta xúc động trước tình thương vô biên của Thiên Chúa nữa vì ta đã nghe nhiều lần và đã biết trước hồi kết cuộc.

Nhưng Tin Mừng đâu phải là một cuốn sách như những cuốn sách khác của địa cầu. Tin Mừng là chính Lời Chúa. Lời sâu nhiệm vô biên được mạc khải qua ngôn ngữ hạn hẹp của nhân loại. Ta cần đón nhận Lời Chúa trong tâm tình khiêm tốn và đầy lòng cảm mến. Đặt con người tội lỗi và còn thiếu vắng tình yêu của ta đối diện với Lời Ngài. Nhận ra vị trí của ta: một thụ tạo trước Thiên Chúa Hằng Sống. Lắng nghe Lời Ngài trong tâm tình khiêm tốn, tạ ơn và mở rộng đón chờ.

1. Lời Chúa Là Lời Hằng Sống.

Chân lý này là nền tảng cho việc suy niệm Tin Mừng. Chúa Giêsu nói rõ: Thiên Chúa là Chúa của người sống (Lc 28:38). Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ, tin tưởng và hi vọng: Ngài hằng sống, đang sống và có mặt trong cuộc đời. Thiên Chúa của chúng ta không phải chỉ là một sức mạnh huyền bí nào đó nhưng là một Thiên Chúa ngôi vị: Ngài là chính Tình Yêu. Vì Thiên Chúa hiện đang có mặt và đang sống trong cuộc đời nên Lời Ngài phán trong Tin Mừng là lời sống động, lời của ngày hôm nay. Lời Chúa nói trực tiếp với tâm hồn ta giữa bao nhiêu nỗi buồn vui, âu lo và hi vọng, bao nhiêu vấn đề của cuộc sống.

Mỗi khi ta tin tưởng lắng nghe và suy niệm Tin Mừng trong tâm tình đón nhận, chờ mong; ngay lúc đó Thiên Chúa hiện diện và đang nói trong thẳm sâu của tâm hồn ta. Ngài không nói một cách tổng quát về những nguyên tắc điều hành vũ trụ nhưng nói chuyện với ta như bạn tâm tình: Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu thân tình (Ga 15:15). Phải, cho dù ta có tin được sự thật choáng váng này hay không, Tin Mừng cũng đã nói quá rõ ràng: Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật đã nhận ta là bạn thân. Chúng ta được là bạn của Chúa và là người được Chúa yêu thương.

Vì Lời Chúa là lời hằng sống nên có liên quan cuộc đời của ta ngay trong hiện tại, giữa môi trường ta đang sống. Lời Chúa muốn chiếu vào trong đêm đen muộn phiền và xao lãng của cuộc đời ta một tia ánh sáng, một niềm hi vọng, một sứ điệp yêu thương. Mỗi khi mở đọc Tin Mừng, xin nhớ mời Thiên Chúa hiện diện để chính Ngài sẽ nói với lòng ta.

2. Lời Chúa Là Bức Thư Tình.

Lời Chúa là bức thư tình, là một sứ điệp của tình yêu và vì vậy phải được đọc và suy niệm bằng tâm hồn, bằng trái tim hơn là bằng lý trí.

Đôi khi ta có khuynh hướng đặt cho mình nhiều thắc mắc về những chi tiết liên quan đến khoa học, lịch sử… trong Tin Mừng và cảm thấy lòng mình bối rối. Điều này có lẽ thường xẩy ra cho các bạn trẻ nhiều hơn nhưng cũng có thể xẩy ra cho mỗi người trong chúng ta. Khi đọc và suy niệm Lời Chúa trong cuộc sống thường ngày, ta nên để những chi tiết này cho các nhà khảo cứu chuyên môn, phần ta hãy cứ đi tìm Chúa và sứ điệp yêu thương của Ngài. Dĩ nhiên việc học hỏi và khảo cứu Kinh Thánh để hiểu được rõ hơn và trung thực hơn sứ điệp Tin Mừng dấu ẩn trong ngôn ngữ con người, được viết ra trong một thời đại và nền văn hóa đặc thù là điều rất quan trọng. Điều chính là đừng để những thắc mắc ngoại vì làm lu mờ sứ điệp yêu thương và mời gọi của Tin Mừng.

Không ai đem thư của bạn tình đặt dưới kính hiển vi để phân tích xem loại giấy có tốt không, mực được bào chế ra sao, dùng bút loại gì, nét chữ có thẳng hàng…. Đọc thư bạn tình, ta không để ý những chi tiết lẩm cẩm đó mà chỉ muốn qua nét chữ đi thẳng vào trái tim, đón nhận tâm tình của bạn được gửi qua dòng chữ. Với tâm tình đó, ta sẽ không bối rối vì những chi tiết khó hiểu và đôi khi còn dường như mâu thuẫn trong Kinh Thánh mà chỉ chú tâm lắng nghe và đón nhận sứ điệp của Tình Thương dấu ẩn trong Lời Ngài.

Mầu nhiệm về Thiên Chúa thì vô biên vô tận mà ngôn ngữ của con người lại quá hạn hẹp. Mầu nhiệm vô biên được mạc khải cho nhân loại được ghi lại trong Kinh Thánh qua ngôn ngữ hạn hẹp của con người. Chuyện đương nhiên là có lúc ngôn ngữ của con người phải trở nên bất lực. Như vậy ta không nên nghi ngờ, bối rối khi thấy trong Kinh Thánh có những đoạn văn có vẻ tối nghĩa, khó hiểu hay mâu thuẫn.

Hơn nữa chính sự bất lực của ngôn ngữ trước mầu nhiệm mạc khải trong Kinh Thánh lại một cách nào đó làm ta thâm tín hơn về nguồn gốc siêu nhiên của mạc khải. Nếu lý trí của ta có khả năng am hiểu tường tận toàn bộ một pho sách thì điều đó minh chứng pho sách đó hoàn toàn là sản phẩm của trí óc nhân loại. Còn Kinh Thánh được Thánh Linh thần hứng, là một pho sách từ trời, nên lý trí con người không thể trọn vẹn am tường.

Ngay cả về phương diện minh triết nhân loại; Trang Tử một hiền giả trên đường tìm chân lý cũng ý thức và diễn tả rất hay về sự bất lực của ngôn ngữ như sau:

“Có nơm là vì cá
Được cá phải quên nơm
Đặt dò là vì thỏ
Được thỏ phải quên dò
Nên lời là vì ý
Được ý phải quên lời
Ta tìm đâu được người biết quên lời để cùng nhau trò truyện”.

Kinh Thánh không đặt trọng tâm vào việc nói chính xác về những sự kiện liên quan đến khoa học, thiên văn, y khoa, lịch sử hay địa lý…như một số giáo phái Tin Lành chủ trương. Toàn bộ Kinh Thánh chỉ có một chủ đề duy nhất: Tình thương vô biên của Thiên Chúa dành cho con người xuyên qua bao ngàn năm lịch sử ơn cứu độ. Khi đọc Lời Chúa, xin nhớ đọc với tâm tình khiêm tốn, với trái tim rộng mở đón chờ và với niềm cậy trông hi vọng vô biên nơi sứ điệp đầy yêu thương và chan chứa niềm vui luôn dấu ẩn trong Lời Ngài. Xin nhớ đọc như ta đang đọc thư của bạn tình.

3. Lời Chúa Ban Sự Sống

Lời Chúa không phải chỉ để đọc, nghe và hiểu mà chính là để sống. Nếu ta không thực hành và sống Lời Chúa thì dù có đọc, nghe và hiểu được toàn pho Kinh Thánh như một chuyên viên về Kinh Thánh lỗi lạc nhất địa cầu thì cũng là vô ích. Kiến thức đó không giúp gì cho sự sống đời đời của ta. Lời Chúa là lời ban sự sống và ban sự sống đời đời nếu được nghe và được đem ra thực thi trong cuộc sống. Sự sống đời đời, sự sống sung mãn và vĩnh cửu đó là gì? Chính Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng: Sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa (Ga 17:3). Câu nói này của Chúa Giêsu thật bí nhiệm. Tại the la sao nhận biết Thiên Chúa lại có thể là sự sống đời đời? Thật không thể hiểu câu nói này của Chúa nếu ta quan niệm sự nhận biết như là một nhận biết bằng tri thức; như biết cách giải một hàm số toán học hay biết về một kiến thức y khoa. 

Con người không thể nhận biết Thiên Chúa bằng tri thức thông thường. Ta chỉ biết về Thiên Chúa qua mạc khải của Ngôi Lời – Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể. Chúa Giêsu nói: Không ai biết Cha trừ ra Con và những người Con muốn bày tỏ cho biết (Mt 11:17). Con người chỉ có thể hình dung ra được một Thiên Chúa uy nghi quyền phép, toàn năng thống trị. Con người hình dung Ngài qua sự hùng vĩ của thiên nhiên, của đại dương mênh mông, của núi cao rừng thẳm, của sóng gầm biển động, của giông bão hãi hùng…. Con người chỉ có thể run sợ trước một Thiên Chúa theo sự hình dung của họ, và muốn dâng lên Ngài những vật sát tế để mong được yên thân.

Nhưng Chúa Giêsu đã đến và mạc khải một Thiên Chúa bản vị. Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật: Ngài nói với môn đồ Philiphê trong Tiệc Ly: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14:9). Qua lời nói này của Chúa Giêsu ta thấy một diện mạo Thiên Chúa khác hẳn hình ảnh do con người đã hình dung: Qua Chúa Giêsu ta nhìn thấy một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn, khoan dung. Ngài không nỡ bẻ gẫy cây sậy dập, không nỡ dập tắt ngọn đèn tàn. Thiên Chúa khiêm tốn, Thiên Chúa trở nên yếu đuối, nghèo hèn, có thể bị khổ đau hành hạ như bất cứ ai trong nhân loại. Và Thiên Chúa đã bị đóng đinh vào thập giá và đã chết vì yêu thương ta!

Gioan Tông Đồ là môn đệ được Chúa đặc biệt yêu thương. Gioan đã cảm nghiệm được tình yêu của Chúa khi được ngồi cạnh Chúa trong Tiệc Ly và nghe những lời Ngài tâm sự. Được thần hứng do Chúa Thánh Linh, Gioan đã bày tỏ trong thánh thư một công thức lạ lùng và tuyệt vời nhất trong toàn bộ ngôn ngữ nhân loại: “Thiếu Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4:8). Ông còn nói rõ hơn: “Thiên Chúa là Tình Yêu, ai không có tình yêu cũng chẳng biết Thiên Chúa” (1 Ga 4:8). Hay nói cách khác muốn biết Thiên Chúa, ta phải sống trong yêu thương.

Dưới ánh sáng của mạc khải: Thiên Chúa là Tình Yêu, lời nói của Chúa Giêsu “Sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa” trở nên sáng tỏ hơn. Ta chỉ có thể nhận biết Thiên Chúa bằng cách sống trong liên hệ tình yêu mật thiết với Ngài. Và sống với Thiên Chúa trong tình yêu chính là sự sống đời đời, là diễm phúc Thiên Đàng vĩnh cửu.

Vì Thiên Chúa là Tình Thương nên muốn lắng nghe và đón nhận Lời Chúa ta cần phải sống trong tinh thần của Ngài, nghĩa là sống trong yêu thương. Sách Gương Chúa Giêsu cũng nói: Sở dĩ nhiều người đọc Kinh Thánh mà không hiểu là vì họ không có tinh thần của Chúa Giêsu. Bí quyết của học hỏi Lời Chúa là sống Lời Ngài. Ta đến với Lời Chúa không phải để tìm một kho tàng kiến thức nhưng để tìm sự sống, lương thực nuôi hồn, tìm ánh sáng soi đường và tìm nơi tình thương của Ngài sự nâng đỡ, niềm vui và hi vọng cho cuộc đời ta.

4. Lời Chúa Mạc Khải Tình Thương Ngài Trong Lịch Sử Cứu Độ

Toàn bộ Tin Mừng chỉ có một mục đích là mạc khải Tình Chúa yêu thương con người trong suốt dòng lịch sử ơn cứu độ.Thiên Chúa đã đi tìm con người trong suốt dòng lịch sử . Bắt đầu từ Sáng Thế Ký, Thiên Chúa đi tìm con người ngay sau khi họ vừa sa ngã: “Adong, con ở đâu?” (St 2:9). cho tới sách Khải Huyền, cuốn sách bí nhiệm niêm phong toàn kho Kinh Thánh: “Đây Ta đứng ngoài cửa mà gõ …” (Kh 3:20). Thiên Chúa vẫn đang đứng chờ đợi ngoài cửa tâm hồn và trái tim ta. Lời mời gọi yêu thương của Ngài đã và còn đang vang vọng trong suốt giòng lịch sử sáng tạo. Thái độ kiên nhẫn và tôn trọng con người của Thiên Chúa là một mầu nhiệm vượt ngàn trùng khả năng tri thức của chúng ta.Thánh Gioan, môn đệ được Chúa yêu, đã tựa đầu gần trái tim Chúa Kitô trong bữa tiệc giã từ, hé mở một chút bức màn bí nhiệm với lời định nghĩa quan trọng nhất trong tự điển ngôn ngữ loài người: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4:8). Mạc khải vĩ đại này chiếu dọi ánh sáng rực rỡ trên toàn bộ lịch sử ơn cứu độ. Mạc khải này là lời reo vang của thân phận con người và là mạch suối không thể vơi cạn của niềm vui và hi vọng. “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Mạc khải này dĩ nhiên không phải do cá nhân Thánh Gioan nhưng do chính Thần Linh Đức Kitô là Thánh Thần Thiên Chúa.

Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, và Ngài quả thực chính là Tình yêu, như mạc khải của Thánh Kinh, thì tất cả những gì Ngài làm đều phát xuất từ Tình Yêu. Ta có thể tóm lược toàn bộ Tin Mừng trong một chủ đề duy nhất là tình yêu.

Mạc khải Tình Yêu Thiên Chúa đương nhiên rực sáng trong dụ ngôn người con hoang đàng trở lại, nhưng cũng tiềm ẩn trong dụ ngôn người phú quí và Lazarô, cho dù dụ ngôn này có nói sự trừng phạt của hỏa ngục.

Tình yêu Thiên Chúa êm đềm tha thiết như trong dụ ngôn Chúa Chiên Lành bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc. Tình yêu Ngài vẫn hiện diện trong dụ ngôn người quản lý bất trung. 

Chìa khóa nhiệm mầu để khám phá ra sứ điệp của niềm vui và hy vọng dấu ẩn trong những ngôn ngữ bí nhiệm của Tin Mừng chính là mạc khải Thiên Chúa là Tình Yêu.

Ta phải nhận ra sứ điệp Tình Thương tàng ẩn trong từng trang của Tin Mừng. Chỉ Tình Thương Ngài mới có sức soi sáng cuộc đời ta, biến đổi trái tim ta và đem lại cho ta một niềm hi vọng mới. Ta không bao giờ nên quên Tình Thương đó hiện diện ngay trong những lời lẽ nghiêm khắc nhất và những biến cố bí nhiệm nhất của Tin Mừng. Ai tìm được và tin nơi Tình Thương Thiên Chúa, người ấy khám phá ra mạch sống trường sinh.

5. Lời Chúa Mạc Khải Con Người Ta.

Con đường trở về với Tình Thương Thiên Chúa bắt đầu từ sự nhận biết về thực trạng của ta. Người con hoang đàng quyết định trở về nhà Cha khi anh cảm nhận sâu xa tình trạng khốn khổ của mình. Khi con người còn ham mê và thỏa mãn với tình trạng của mình, khi đó họ còn xa lìa Tình Thương và không nhận ra tình trạng tội lỗi đang làm họ sa đọa. Lúc đó họ không biết là mình đang sống trong miền thung lũng của sự chết, không biết rằng mình đang ngụp lặn trong những giòng suối thuốc độc, và cũng chẳng muốn trở về. Vì thế sự nhận biết chính mình giữ vai trò quyết định trong hành trình trở về với Tình Thương.

Lời Chúa trong Tin Mừng chính là bức gương để ta nhận biết chính mình. Bao lâu ta chưa đủ khiêm tốn để nhận ra khuôn mặt thật của mình và tình trạng tội lỗi của mình ta vẫn chưa sẵn sàng để đón nhận ơn tha thứ của tình thương yêu nhân hậu.

Vua David là vị anh hùng của Cựu Ước đã chiến thắng Goliat khổng lồ bằng sức mạnh của lòng tin nơi Thiên Chúa. Ông còn là tác giả của Thánh Vịnh. Chính Vua David, với tâm hồn sốt mến đã nhảy múa vui mừng trước Hòm Bia lề luật, Thế nhưng thật đáng buồn, từ đỉnh cao của lòng mến và của sự công chính, ông đã rơi xuống tận đáy vực sâu của tội lỗi đê hèn. David, trong một phút yếu lòng sau khi nhìn thấy một người đàn bà trẻ xinh đẹp đang tắm, đã phạm những tội tầy đình kinh tởm nhất: tội ngoại tình, mưu sát, giết chồng đoạt vợ, cướp vợ của bạn mình.

Tiên tri Nathan, người của Chúa đã đến với David. Ngài kể cho nhà vua nghe câu truyện của một người giàu có với hàng trăm ngàn dê cừu khi có tiệc đã bắt giết con chiên duy nhất của người láng giềng để làm thịt, con chiên này được chủ nâng niu như con thật của mình. Nhà vua nổi trận lôi đình, tuyên bố tên giàu có ác độc, khốn nạn kia đáng chết. Lời Chúa chưa lột mặt nạ được David. David vẫn tưởng mình có quyền lên án người khác, ông vẫn nghĩ mình giỏi và thông minh hơn người và vẫn chẳng thấy những tội lỗi ông đã phạm có gì đáng kinh tởm. Tiên tri của Chúa phải nói thẳng với David : “Người đó chính là ông” (2 Sm 12:7). Lời Chúa đã lột được mặt nạ giả hình của David, khiến ông thật lòng ăn năn thống hối. Ông đã xưng thú tội lỗi mình trước mặt tiên tri Nathan và xin Chúa thứ tha.

Lời của tiên tri Nathan ngày xưa đó, cũng còn đang áp dụng cho tôi, cho bạn, cho từng người trong chúng ta.

Khi đọc Tin Mừng, xin đừng căm phẫn vì sự độc ác của những người đã đóng đinh Chúa, xin đừng buồn giận vì sự phản bội của Juda, đừng ngạc nhiên về sự cứng lòng của người Do Thái, đừng tức bực về sự giả hình của Nhóm Pharisiêu. Đừng đọc Tin Mừng như một chuyện cổ tích hay một vở kịch mà ta có thể đóng vai người ngoài cuộc để an toàn bình phẩm hay lên án. Xin hãy tự nhủ với lòng mình “Người đó, chính là tôi”.

Hãy đặt mình trước Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi điều bí ẩn trong tâm hồn ta, và thưa với Ngài trong tâm tình thống hối: “Lạy Chúa, người đó, những kẻ đó, chính là con.”

Chính là con, đã có lần không nhìn thấy Chúa mang đầy thương tích nằm vất vưởng bên lề đường của cuộc đời. Con chỉ nghĩ đến an toàn và lợi ích của cá nhân mình, tránh qua lối khác, như vị thày cả trong dụ ngôn người Samaritanô tốt lành. Con đã bao lần không nhìn thấy và băng bó vết thương lòng của anh chị em con, nhất là đối với những người thân yêu nhất của con trong cuộc đời.

Chính con là kẻ trong đám đông đã hò la: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá” (Mc 15:13). Đó là khi con lên án, đả kích anh chị em con. Lúc đó tâm hồn anh chị em còn cũng đang quặn đau như tâm hồn của Chúa ngày xưa trong dinh Tổng Trấn Philatô, khi nghe đám đông bạc nghĩa vô ân đang hò hét đòi đóng đinh Chúa.

Chính con đã từng đóng đinh Chúa, những nhát búa chí tử, không phải chỉ vào tay chân như những người lính La Mã ngày xưa, nhưng ngay giữa trái tim của Thiên Chúa nhân từ. Đó là những khi con từ chối Tình Yêu, những khi con tìm ích kỷ, lạc thú đam mê, những khi con lợi dụng thân xác anh chị em con. Vâng lạy Chúa, kẻ đó chính là con, là con. 

Điền Từ nay, con xin trở về, con không còn dám tự cho mình đóng vai trò người công chính để lên án tha nhân nữa, con xin về nương nhờ trái tim Chúa nhân từ thương xót. Con xin được trở thành bằng chứng của Tình Thương Yêu Nhân Hậu của Ngài, Đấng đã cứu độ con, một tội nhân.

Đọc tiếp: Chia Sẻ Tin Mừng Trong Nhóm
[mục lục] Cuộc Hành Trình Ngày Thứ Tư