Ngày 017 (17.01)
▪ Cùng cầu nguyện với Lời Chúa và lời các Giáo Phụ.
Thánh Antôn viện phụ là một trong những vị ẩn sĩ Sa Mạc đầu tiên. Ngài sinh ở Ai Cập vào khoảng năm 250 và qua đời vào khoảng năm 356, và ngài xuất thân từ một gia đình giàu có và đạo đức. Khi cha mẹ qua đời lúc Antôn 18 tuổi, đã để lại một gia tài rất lớn cho Antôn và em gái. Rồi một biến cố đổi đời đã đến. Thánh Athanasius kể lại việc thánh Antôn thay đổi như sau: “Một ngày kia, Antôn bước chân vào nhà thờ đúng lúc đang đọc Tin Mừng. Cậu nghe Chúa nói với người giàu có kia: Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.
Vậy, nhờ được Chúa soi sáng, Antôn nhớ đến các thánh và nghĩ rằng bài Tin Mừng trên đây đã được đọc lên cho mình. Vì thế, cậu mau mắn ra khỏi nhà Chúa, đem ba trăm thửa ruộng mầu mỡ và rất tươi tốt thừa hưởng được của tổ tiên, tặng cho dân làng, để cậu và cô em khỏi bận tâm về những tài sản đó. Còn đồ đạc trong nhà, cậu cũng đem bán hết: thu được
một số tiền lớn, cậu phân phát cho người nghèo…, còn cô em thì cậu gửi gắm cho các trinh nữ quen biết và đáng tin cậy, để cô được giáo dục trong nhà các trinh nữ ấy. Rồi từ đó, gần ngôi nhà mình ở trước kia, cậu chỉ lo sống đời khổ hạnh, chuyên tâm theo đuổi nếp sống khổ chế một cách kiên trì. Vì nghe thánh Phaolô nói: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn, nên
Antôn ra sức làm việc chân tay, một phần để sinh sống, một phần để giúp đỡ người nghèo” (Trích bài đọc giờ Kinh Sách lễ thánh Antôn viện phụ, ngày 17.1).
Từ đó đời sống tốt lành và sự khôn ngoan thánh thiện của Antôn đã nên mẫu gương cho nhiều người. Tác phẩm Apophthegmata Patrum chứa đựng các lời giáo huấn ngắn của các vị
ẩn tu bên Ai Cập trong thế kỷ thứ 4 đến thứ 6, đã để lại một giai thoại ngắn: “Ba vị ẩn sị có thói quen, mỗi năm đều đến thăm Giáo Phụ Antôn (Antonius). Lần đó hai trong ba vị ẩn sĩ đã
hỏi Giáo Phụ về các tư tưởng và về ơn cứu rỗi linh hồn. Vị ẩn sĩ thứ ba yên lặng chẳng đặt câu hỏi nào. Sau một lúc lâu, cụ Antôn liền nói với anh: “Con coi, con đã đến đây từ lâu rồi, và con chẳng hỏi cha điều gì cả”. Anh liền trả lời Giáo Phụ: “Thưa Cha, được nhìn thấy cha, là điều làm con thỏa lòng rồi” (Apophthegmata. Số 27). Đời sống tốt lành thánh thiện khôn
ngoan của thánh Giáo Phụ Antôn sống trong Sa Mạc là ví dụ sống động cho lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Lạy Chúa, gương lành luôn có sức lôi kéo mọi người cách dễ dàng. Chúa tốt lành đã lôi nhân loại chúng con, các tông đồ và các thánh là các đồ đệ tốt lành của Chúa luôn mang sức hấp dẫn lôi kéo chúng con. Xin giúp chúng con tiếp nối con đường tốt lành của Chúa, để trở nên
gương lành lôi kéo anh chị em xung quanh đến với Chúa.
Lạy thánh Giáo Phụ Antôn, xin cầu cho chúng con.
▪ Hồn sống trong ngày.
Mời bạn làm một điều tốt, nói những lời tích cực và giữ tâm hồn trong sáng.
Nguồn: Dòng Tên