SÁCH: NHỮNG NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA SAI ĐI
Lm. Frank S. Salmani

Chương 1

LÝ TƯỞNG VÀ KHÁT VỌNG

Lời Chúa:

  • Máccô 10: 17-31
  • Mátthêu 16: 24-27
  • Luca 9: 57-62
  • Luca 6: 20-26

Sứ điệp của Chúa Giêsu trong các Phúc âm kể trên có hai khía cạnh. Trong thực tế, nhìn thoáng qua thì thấy các sứ điệp có vẻ như mâu thuẫn nhau. Còn ở mặt khác, thì thấy đó là sứ điệp về sự tha thứ. Bọn người gièm pha Chúa nghĩ rằng Chúa Giêsu đưa ra một lối tha thứ quá dễ dàng. Chúa cất gánh nặng khỏi con người, đặc biệt là gánh nặng tội lỗi. Chúa tỏ ra đầy lòng thương xót: với người đàn bà bị bắt quá tang phạm tội ngoại tình Chúa đã làm ngược lại với đám đông là không kết án bà ta. Với người đàn bà trong nhà ông Simon, Chúa đón nhận cử chỉ trìu mến của bà. Chúa nói với các người lãnh đạo tôn giáo hồi thời Chúa rằng, những hạng người thu thuế và gái điếm có thể được vào nước Thiên Đàng trước cả bọn họ nữa là khác. Tất cả những điều trên đây làm cho người ta có ấn tượng rằng theo Chúa Giêsu là việc dễ: Chúa có vẻ như ban ơn cứu rỗi cho mọi người bất luận người đó là ai hay người đó đã làm gì. Chính cái phần này trong sứ điệp của Chúa đã làm cho nhiều người vội vàng kết án Chúa Giêsu rao giảng một sứ điệp quá lỏng lẻo.

Đồng thời chúng ta cũng thấy một khía cạnh nữa rất khác với sứ điệp trên. Khi tỏ ra dễ dãi một cách khó tin, Chúa Giêsu cũng nêu ra một loạt những tiêu chuẩn vừa cao vừa siêu cho dân chúng. Chúa kêu gọi chúng ta hãy nên “thánh”, nên “trọn hảo”. Chúa bảo chúng ta hãy “từ bỏ” mọi sự, hãy vác “thập giá”, hãy “ghét” anh chị em mình, cha mẹ mình. Tất cả mọi lý tưởng đều xem ra không thực tế chút nào. Với anh thanh niên giàu có Chúa bảo chỉ có từ bỏ hết mọi sự thì mới có thể theo Chúa thật sự được. Trong Tám Mối Phúc Thật, Chúa chúc phúc cho kẻ khốn cùng – cho tất cá những ai chịu đau khổ, chịu bách hại và cho những ai mang lấy gánh nặng trong đời mình. Chúa đặt điều kiện phải vác thập giá mình mới được làm môn đệ Chúa. Cuối cùng, bằng những lời xem ra có thể làm cho chúng ta ngoảnh mặt mà đi, Chúa bảo: Hãy để “cho kẻ chết chôn kẻ chết”. Các bạn hãy tưởng tượng xem có ai dám bảo chúng ta như thế đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái chúng ta hay không. Chắc chắn chúng ta sẽ phẫn nộ vì bị xúc phạm. Vậy mà tất cả những điều ấy lại là thành phần sứ điệp của Chúa Giêsu đó.

Xem ra trong lời Chúa Giêsu giảng dạy có sự giằng co mãnh liệt. Một đàng Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót và thông cảm vô hạn đối với sự yếu đuối của loài người, đàng khác Chúa lại đặt ra những tiêu chuẩn xử sự có vẻ khó mà đạt tới được. Dường như rằng con người yếu đuối và tội lỗi đến đâu không phải là vấn để, Chúa không bao giờ làm yếu đi sứ điệp của Người. Chúa cũng không bao giờ hạ thấp các lý tưởng Người đề ra chỉ vì những lý tưởng ấy quá đòi hỏi. Những điều kiện đặt ra cho Đạo Chúa đã được vạch ra rõ ràng – con đường duy nhất phải đi là xuyên qua “cửa hẹp”

Một trong những vấn đề khó khăn đối với lời giảng dạy này là việc Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta những lý tưởng và tiêu chuẩn mà chúng ta trong xã hội ngày nay không quen chấp nhận. Chúng ta khắc khoải với điều mà ta gọi là những hoàn cảnh đặc thù trong xã hội như “Đừng nâng cao chiếc cầu, mà hãy hạ thấp dòng sông”. Nào! Ta hãy lấy vấn đề giáo dục làm thí dụ. Một trong những mối quan tâm của các nhà giáo dục hồi các thập niên 60 và 70 là tạo cơ hội đồng đều trong giáo dục cho mọi người. Chắc chắn đó là một mục tiêu có giá trị. Bất hạnh thay? Từ trước đến giờ chúng ta đã triển khai lệch lạc mục tiêu này. Thay vì cung cấp sản phẩm tối ưu cho các trường học. Chúng ta đã làm nhiều điều như hạ thấp tiêu chuẩn cho nhập học, hạ thấp điểm thi để cho đậu, hạ thấp các tiêu chuẩn mà các giáo chức cần phải đạt tới để dạy học trong các hệ thống học đường của chúng ta. Tất cả những điều chúng ta đã làm không phải là nâng cao chiếc cầu mà là hạ thấp dòng sông. Nói cách khác, chúng ta sẽ hạ thấp tiêu chuẩn ưu hạng ở Đại Học X để sao cho các sinh viên kém hơn có đủ sức theo học được Đại Học này. Biện pháp này về mặt lý thuyết nghe có vẻ hay. Nhưng điều xảy ra là không những các sinh viên kém vẫn không khá hơn: trong khi tiêu chuẩn của Trường Đại Học đã bị hạ thấp. Hậu quả là ai cũng bị thiệt. Thay vì phục vụ cho các nhu cầu cá nhân, chúng ta chỉ hạ thấp các tiêu chuẩn đã đề ra, rồi bảo “Nào mọi người hãy vào đây đi! Tôi biết có một trường trung học đệ nhất cấp kia vào ngày nhập học các học sinh được thông báo rằng cho dù bất cứ việc gì xảy ra, các em đều sẽ tốt nghiệp hết. Thế còn học với hành làm gì nữa? Vậy thì còn động cơ nào thúc đấy việc học hành nữa, kể cả học sinh giỏi lẫn học sinh kém, nếu các em biết rằng đến cuối năm học, phiếu điểm hay học bạ đều ghi điểm đậu hết? Chúng ta có giúp ích gì cho các học sinh ấy chăng? Chả giúp ích gì cả. Chúng ta chỉ có nói, tiêu chuẩn chúng ta đề ra cao quá cho nên hãy hạ thấp dòng sông xuống. Hóa ra những gì chúng ta đã làm cho thấy chúng ta không nhận ra rằng mặc dầu chúng ta bình đẳng, chúng ta vẫn chưa phải là giống nhau cả đâu – chúng ta bình đẳng, song khác nhau.

Khi Chúa Giêsu nói, “Hãy theo Thầy”, thì tiếng “hãy theo” có ý nghĩa đối với mỗi người mỗi khác. Chúa Giêsu không trông đợi người đàn bà bị bắt về tội ngoại tình phải có cùng mức độ dấn thân mà Người mong muốn nơi mười hai Tông Đồ. Nhưng đồng thời, Chúa lại cống hiến cho mỗi người những lý tưởng cao như nhau. Chúa bảo người đàn bà bị bắt về tội ngoại tình, “Từ nay hãy tránh đừng phạm vào tội này nữa”. Đừng phạm vào tội này nữa. Các bạn hãy đặt tiêu chuẩn các bạn cao lên. Chúa Giêsu biết thân phận con người vốn yếu đuối, nhưng Chúa không bao giờ, không bao giờ làm yếu đi sứ điệp của Người. Khi chúng ta hạ thấp lý tưởng và kỳ vọng nơi chúng ta, đó là lúc chúng ta hạ thấp dòng sông vậy. Điều ấy cho ta thấy vì sao có tình trạng xuống dốc các giá trị và luân lý trong xã hội chúng ta. Chúng ta vẫn cứ tự bảo rằng, luật ấy nặng quá, luật ấy đòi hỏi nhiều quá, và rằng, ước mong điều tối ưu là không thực tế và thật là vô tình, vân vân. Khi chúng ta hạ thấp dòng sông thì phẩm chất đời sống chúng ta luôn luôn phải chịu thiệt thòi.

Bản tính loài người giống như thể nếu chúng ta nhắm tới các tinh tú trên trời, thì ít ra trên thực tế chúng ta sẽ đạt tới mặt trăng. Nếu chúng ta chỉ nhắm đạt tới mặt trăng mà thôi, có thể chẳng bao giờ chúng rời khỏi mặt đất. Lần kia, tôi đọc thấy một bảng hiệu ghi “Nếu bạn nhắm vào cái rỗng không, bạn bắt buộc phải đụng phải cái rỗng không. Không có một Kitô giáo đích thực nếu không có những lý tưởng và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Không có một Phong Trào Cursillo đích thực hay một Trường Lãnh Đạo đích thực nếu không có những lý tưởng, những ước mong và tinh thần trách nhiệm. Chúng ta tất cả có thể mỗi người mỗi khác, nhưng không thể có những dạng tiêu chuẩn khác nhau cho từng người khác nhau. Khi hướng cái nhìn của chúng ta về những lý tưởng cao nhất, chúng ta ý thức rằng Thiên Chúa luôn luôn nhìn thấy nhiều điều nơi chúng ta hơn là chúng ta nhìn thấy chính mình. Chúa Giêsu đã tỏ ra rất thực tế đối với anh thanh niên giàu có. Chúa hẳn biết, khuynh hướng duy vật của anh thanh niên ấy luôn luôn cản trở anh ta thành cái gì anh ta có thể. Chúa Giêsu biết nếu anh thanh niên không chịu buông ra thì đó là vì vẫn còn có một cái gì đó đang giữ kéo anh ta không cho anh trở thành con người viên mãn.

Khi Chúa Giêsu bảo hãy để người chết chôn người chết. Chúa không hề là một kẻ vô tình, nhưng Người chỉ có ý bảo chúng ta đừng sống trong dĩ vãng. Chúng ta phải luôn luôn nhắm thẳng để tiến bước, vác thập giá mình, có nghĩa rằng, theo Chúa Giêsu là một cái giá phải trả và chúng ta phải tính tới cái giá phải trả trước khi nói lên tiếng “Xin Vâng” với Người.

Trong Bài Giảng Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu xác quyết với chúng ta, những ai đi theo lý tưởng càng cao, thì sẽ nhận được phần thưởng càng cân xứng, và những phần thưởng Chúa Giêsu ban cho không phải là phần thưởng tạm bợ đời này, mà là phần thưởng vĩnh cửu đời sau. Với Thiên Chúa không hề có điều gì không thể xảy ra. Không phải lúc nào chúng ta cũng sẽ đạt được những lý tưởng cao của Kitô giáo, nhưng nếu nhắm vào một cái gì kém hơn, chúng ta sẽ tự lừa dối chúng ta. Chúa Giê su không muốn chúng ta sống cuộc sống thấp hèn. Người muốn điều thiện hảo nhất cho chúng ta. Vậy tại sao chúng ta không nhắm vào điều thiện hảo nhất, mong ước điều thiện hảo nhất, và chỉ đạt điều thiện hảo nhất?

Tóm lược

  1. Tuy Chúa Giêsu tỏ lòng đầy nhân hậu và thương xót loài người, Chúa vẫn không hề dung hòa Lời Người giảng dạy về đạo đức hay luân lý.
  2. Chúa Giêsu kêu mọi người tốt hơn hết là hãy ôm ấp lý tưởng cao nhất.
  3. Trong khi Chúa Giêsu không trông đợi mọi người làm điều gì cũng đều giống nhau, Chúa vẫn mong muốn mỗi người hãy trở nên hoàn thiện nhất có thể được.
  4. Theo Chúa Kitô có nghĩa là nhận lãnh lý tưởng cao nhất của Người với niềm hy vọng sẽ lãnh nhận phần thưởng lớn lao hơn.
  5. Lý tưởng càng cao, chúng ta càng có thể hoàn thành nhiều điều hơn cho Chúa Kitô.

Câu Hỏi Để Suy Niệm/Thảo Luận

  1. Tại sao Chúa Giêsu đặt ra lý tưởng cao như vậy cho những kẻ theo Người?
  2. Tại sao anh thanh niên giàu có không thể theo Chúa Giêsu?
  3. Tại sao hạ thấp các tiêu chuẩn và lý tưởng là điều nguy hiểm?
  4. Thế nào là lý tưởng của tôi?
  • Người lãnh đạo Kitô hữu?
  • Người lãnh đạo Cursillo?

Mục Lục – [Sách] Những Người Môn Đệ Chúa Sai Đi

Chương 2 – Những người môn đệ Chúa sai đi