SÁCH: NHỮNG NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA SAI ĐI
Lm. Frank S. Salmani
Chương 11
HÃY RA ĐI, LÀM CHO NHIỀU NGƯỜI TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ
Lời Chúa:
- Mát thêu 7, 13-23; 9, 35-38
- Mát thêu 28, 16-201
- Côrintô 12, 27-30
Tóm Lược
- Khi trao lại cho chúng ta nhiệm vụ thực thi sứ mạng của Người, Chúa Giêsu đã xác quyết với chúng ta về sự hiện diện và quyền lực bền vững của Người.
- Trong khi Chúa Giêsu kêu gọi mọi người ấp ủ sứ mạng tông đồ, thì một số thành phần lãnh đạo được chọn riêng để giúp hướng dẫn những người khác.
- Không có một tập thể lãnh đạo mạnh trong Phong Trào Cursillo, thì Phong Trào tự nó sẽ nên yếu đi. Một phong trào chỉ mạnh khi có được những người lãnh đạo mạnh.
- Là người lãnh đạo Cursillo, chúng ta phải tìm kiếm những người lãnh đạo mới để giúp chia sẻ công việc trong Phong Trào.
- Có quá nhiều việc phải làm cho nên không cần hạn chế thành phần lãnh đạo trong một số ít chọn lọc thôi. Chúng ta phải thật lòng muốn giúp cho người khác có khả năng lãnh đạo để chia sẻ công việc của chúng ta trong tư cách là lãnh đạo Cursillo.
Chúa Giêsu đã không thiết lập Giáo Hội theo định chế như ta thấy ngày nay, song Người đã truyền cho những kẻ theo Người tiếp tục công việc Người đã bắt đầu. Trước khi giã từ các tông đồ, Chúa truyền cho họ điều này là:
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.”
Như vậy Chúa truyền cho các ngài ra đi, chẳng phải để rao giảng Tin Mừng mà thôi, song còn để tuyển mộ thêm nhiều người khác tiếp tục rao giáng sứ điệp, chọn thêm nhiều môn đệ khác nữa, những “môn sinh” của Phúc âm có khả năng kế tục công việc của các tông đồ tiên khởi.
Trong một biên khảo về Thánh Mátthêu, William Barclay nói rằng, trong buổi hội ngộ cuối cùng giữa Chúa Giêsu và các tông đồ, Chúa nói với các ngài ba điều. Một là, Chúa Giêsu xác quyết với họ về quyền năng thiên tính của Thiên Chúa. Quyền năng Thiên Chúa hằng đứng đằng sau các lời nói và công việc của các ngài. Các ngài không loan truyền Phúc âm nhân danh chính các ngài, nhưng các ngài làm công việc của Chúa Cha và nói lên lời của Người. Hai là, Chúa Giêsu hứa Người sẽ luôn luôn hiện diện bên các tông đồ. Bạn hãy tưởng tượng xem nhiệm vụ này gây nhiều kinh ngạc biết bao. Mười một vị được sai đi loan truyền Phúc âm cho toàn thế giới? Làm sao một nhóm nhỏ như vậy có thể chinh phục thế gian cho Chúa Kitô được? Chỉ nhờ có Chúa Thánh Linh ở cùng các ngài mọi lúc, các ngài mới có thể hoàn thành nổi nhiệm vụ đáng nể như vậy. Cuối cùng, Chúa Giêsu đã trao cho các ngài nhiệm vụ “làm phép rửa”; nghĩa là nhiệm vụ chinh phục người khác cho Chúa để sao chính những người này cũng sẽ trở thành những kẻ loan truyền Phúc âm.
Để giúp chúng ta hiểu được nhiệm vụ này có ý nghĩa gì, trước tiên chúng ta hãy xét xem việc được gọi làm “đồ đệ” của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì. “Đồ đệ” tiếng Hy Lạp là “akolouthein”, một từ ngữ được dùng với nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo mạch văn. Từ ngữ ấy có khi nói về một người lính “đi theo” vị chỉ huy của mình. Nó cũng dùng để chỉ đầy tớ hầu hạ chủ nhà. Tiếng ấy còn hàm nghĩa phải tùng phục – đặt qua một bên cái bản ngã của mình để chăm chú làm theo ý chủ mình. Một ý nghĩa khác của từ ngữ “đồ đệ” là một người gắn bó với người chủ để cầu mong một ân huệ – trong trường hợp làm đồ đệ Chúa Giêsu, chúng ta đi theo Chúa để mong chia sẻ sự sống đời đời. Từ ngữ trên cũng nói lên ý nghĩa một người từ bỏ đường cũ hay việc làm cũ của mình để đi theo con đường sống mới. Nhìn chung, từ ngữ “đồ đệ” hàm ý nói chúng ta phải để bản ngã chúng ta sang một bên, và tự hiến mình cho kẻ khác trong tinh thần vâng lời và phục vụ.
Vả lại, Chúa Giêsu không kêu gọi mọi người đáp lại cùng một tiếng gọi như nhau. Chúa kêu gọi mọi người đón nhận Tin Mừng, nhưng thực ra Chúa chỉ gọi một ít người làm lãnh đạo để giúp đỡ kẻ khác đón nhận tiếng Chúa gọi họ. Như vậy, chỉ làm đồ đệ mà thôi chưa đủ. Một số người còn được gọi để lãnh đạo người khác. Đây là một ý tưởng đã được triển khai rất sớm từ thời Giáo Hội sơ khai, như ta thấy rõ trong hai thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Côrintô. Tuy ai nấy cũng đều được mời gọi lãnh nhận và đưa Phúc âm vào đời sống, được mời gọi chịu phép Thánh Tẩy, song chỉ có một số người được chọn riêng ra để dạy dỗ và lãnh đạo kẻ khác, để tạo chí khí cho kẻ khác và dẫn dắt kẻ khác đi đúng đường bằng chính chứng từ cuộc sống của bản thân mình và tận hiến làm việc Chúa.
Điều ấy có nghĩa là gì nếu áp dụng vào các người lãnh đạo Cursillo và các Cursillistas khác? Trước tiên, nhờ phép Rửa Tội, tất cả chúng ta đều được gọi làm môn đệ, làm môn sinh của Chúa Giêsu Kitô. Khi chịu phép Thánh Tẩy, chúng ta được ban cho ân phúc chia sẻ sứ mạng tư tế, vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô. Trong tập thể những người được chịu Phép Rửa, có một số người được chọn làm lãnh đạo hầu giúp mang sứ điệp Tin Mừng đến cho kẻ khác bằng một phương cách đặc biệt. Đó là những tu sĩ nam nữ hiến mình vào đời sống tu trì. Thế nhưng cũng có những người lãnh đạo từ hàng ngũ giáo dân. Những thành phần lãnh đạo này không được xếp vào một phẩm trật riêng, mà chỉ được gọi để phục vụ cộng đồng đức tin. Không có những thành phần lãnh đạo ấy, cộng đồng nói chung sẽ không có mục đích hay hướng đi.
Đây là chức năng của Trường Lãnh Đạo, trong đó một nhóm các Cursillistas dấn thân vào nhiệm vụ làm môn đệ (làm môn sinh) của Chúa Giêsu để vừa giúp phục vụ cộng đồng Cursillo rộng lớn hơn và cũng vừa giúp tìm kiếm thêm thủ lãnh Cursillo, những người cảm nhận được tiếng gọi phục vụ Giáo Hội qua Phong Trào Cursillo là một phong trào chỉ hiện hữu để tiếp tục sứ mạng của Hội Thánh vốn là sứ mạng của chính Chúa Kitô, không hơn không kém. Phong Trào Cursillo có hai chức năng: Một là giúp phục vụ cộng đồng để các thành viên của cộng đồng ấy trở thành những người loan truyền Phúc âm hữu hiệu hơn trong thế giới cũng như trong các môi trường khác nhau. Hai là, những người lãnh đạo sẽ tìm cách kiếm thêm nhiều môn đệ khác sẵn sàng phục vụ cộng đồng rộng lớn hơn. Trường Lãnh Đạo không phải đơn thuần là một trung tâm tập hợp các Cursillistas, mà chính là huyết mạch của Phong Trào và sứ mạng của Phong Trào, ở đó các Cursillistas được đào luyện về mặt thiêng liêng và đào luyện để làm những người lãnh đạo trong PT Cursillo.
Những ai đang ở trong Trường Lãnh Đạo phải tìm thêm nhiều thủ lãnh mới sẵn sàng cam kết làm việc cho Phong Trào. Các bạn hãy nhớ lại chúng tôi đã giải thích thế nào về sự khác biệt giữa quyền lực và làm cho kẻ khác có khả năng lãnh đạo. Chúng ta tồn tại chỉ để tìm người thay thế chúng ta, chỉ để phát triển nhiều bạn đồng liêu, hơn nữa để giúp phục vụ cộng đồng Cursillistas rộng lớn hơn, để hỗ trợ họ làm công việc biến cải các môi trường. Điều ấy cho ta thấy người lãnh đạo Cursillo cách biệt với các Cursillistas như thế nào. Vai trò lãnh đạo trong PT Cursillo là giúp tìm thêm những thủ lãnh khác để tiếp tục công việc của Chúa Kitô. Là những thủ lãnh của Cursillo, chúng ta dùng gương lành để giúp người khác lãnh đạo. Phong Trào của chúng ta khắp nơi sẽ lớn mạnh như các Trường Lãnh Đạo của chúng ta và như chính những người lãnh đạo.
Tất cả chúng ta đều biết, nhiệm vụ mà Chúa Giêsu đặt trước mắt chúng ta là nhiệm vụ khó khăn đáng nể biết chừng nào. Nó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều và hy sinh nhiều. Lúa chín đầy đồng. Như vậy có biết bao việc phải làm, nhưng thợ gặt thì ít. Sứ vụ tông đồ là một công việc to tát, không thể thực hiện được bởi một ít người. Đã đến lúc những thành phần lãnh đạo, trong số các tu sĩ hay giáo dân, phải tỏ rõ lập trường và gạt qua một bên mọi lời thoái thác. Công việc của Chúa phải được thực hiện, nếu chúng ta không nhân cơ hội mà vùng lên, thì công việc ắt sẽ bị bỏ bê. Vì vậy, chúng ta hãy nhớ lời Chúa Giêsu ủy thác cho chúng ta:”Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.
Câu Hỏi Để Suy Niệm/Thảo Luận:
- Khi tìm người lãnh đạo tương lai cho Cursillo, chúng ta nhằm vào những đức tính nào?
- Chúng ta có thể làm gì để chắc chắn rằng luôn luôn có một thành phần lãnh đạo mạnh, cam kết dấn thân?
- Tại sao không phải tất cả mọi Cursillistas đều được gọi để làm người lãnh đạo Cursillo?
- Chúng ta có thể làm gì để duy trì và nuôi dưỡng một Trường Lãnh Đạo?