SÁCH: NHỮNG NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA SAI ĐI
Lm. Frank S. Salmani
Chương 14
TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
Lời Chúa:
- Thánh Vịnh 1 và 4
Tóm Lược:
- Sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng có một số đặc tính:
- Ý thức về đạo đức và chân lý được phát triển.
- Cảm nghiệm đời sống và công việc làm trong tâm tình dâng hiến.
- Làm cho đời sống nên đơn giản.
- Ý thức về tinh thần liên kết.
- Óc khôi hài lành mạnh, nên giống như con trẻ, hoài nghi hợp lý.
- Có trách nhiệm về mặt xã hội.
- Tình yêu và sự làm việc của ta sẽ nên hiệu quả.
- Kết quả của một đời sống thiêng liêng có chiều sâu:
- Lòng ao ước phục vụ và khả năng phục vụ tăng lên cao.
- Sẵn lòng hơn trong việc sửa chữa các lỗi lầm của riêng mình.
- Thích thú phát triển đời sống thiêng liêng được gia tăng.
- Một khía cạnh sáng tạo, trực giác được nẩy nở.
- Người lãnh đạo làm việc cho Chúa Kitô phải luôn luôn trưởng thành trong quan hệ với Chúa Kitô và trong cam kết gắn bó với Chúa.
- Trưởng thành trong đời sống thiêng liêng là một tiến trình liên lỉ theo thời gian với nhiều công việc và ân sủng của Thiên Chúa.
Khi Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đi vào giao ước với Người, Chúa không muốn chúng ta thực hiện một thứ cam kết dễ làm. Theo Chúa không phải dễ, và gắn bó với sự cam kết lại càng khó hơn. Chúng ta muốn bền vững trong cam kết gắn bó với Chúa, chúng ta cần phải trưởng thành sâu sắc về mặt thiêng liêng. Nếu chúng ta là những người lãnh đạo thật sự, chúng ta hãy lãnh đạo bằng gương sáng. Nếu chúng ta còn non nớt trong đời sống thiêng liêng, thì tất cả những người theo gương chúng ta sẽ phản ánh tư cách lãnh đạo của chúng ta. Dĩ nhiên, không phải dễ mà xác định mức độ trưởng thành về mặt thiêng liêng. Làm sao chúng ta biết được chúng ta trưởng thành trong mối quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa? Không có một tiêu chuẩn đo lường nào cả, song có những bảng chỉ đường dẫn tới sự trưởng thành thiêng liêng. Những tấm bảng chỉ đường ấy chúng ta sẽ bàn tới trong chương này.
Có nhiều tấm bảng cho thấy sự trưởng thành thiêng liêng, nhưng để đáp ứng các mục tiêu của chúng ta, chúng ta sẽ đề cập đến những đặc tính mà nữ tác giả Marsha Sinetar đã nêu ra trong quyển sách của bà có tựa đề là “A Way Without Words” – tạm dịch là Một Phương Cách Không Dùng Lời Nói. Trong quyển sách này, bà liệt kê một số đức tính của sự trưởng thành thiêng liêng. Đặc điểm đầu tiên của con người trưởng thành về mặt thiêng liêng là người ấy “có một ý thức sâu rộng về đạo đức, về thẩm mỹ hay về trật tự phổ thông.“31. Là những người trưởng thành về mặt thiêng liêng, chúng ta biết chúng ta làm điều đúng bởi vì đó là điều đúng chúng ta phải làm. Chúng ta có ý thức về thiện và ác xét về mặt luân lý; sự thiện sự ác ấy vượt lên trên lề luật. Nói cách khác, những người trưởng thành về mặt thiêng liêng có một ý thức sắc sảo về thiện và ác theo luân lý, chứ không cần một luật lệ nào nói cho họ biết cả. Chúng ta hãy nhớ lại ngôn sứ Giêrêmia đã từng bảo chúng ta viết lề luật trong tim chúng ta. Đó là điểm chúng ta đặt ra ở đây. Những người trưởng thành về mặt thiêng liêng làm theo lề luật của Chúa không phải do họ được bảo phải làm như thế, hay có cảm tưởng mình được bảo phải làm như vậy hoặc do nhận được lợi lộc riêng cho mình từ việc làm đó. Người lãnh đạo làm điều gì là đúng bởi vì đó là điều đúng, bất chấp mọi giá phải trả. Họ ý thức được về bất cứ điều nào là chân, thiện, mỹ trên thế gian này và họ tỏ ra tôn trọng hết mọi người và mọi sự.
Thứ hai, người trưởng thành về mặt thiêng liêng “cảm nghiệm công việc (và/hay là sinh hoạt hàng ngày) của mình như một tâm tình hiến dâng, như một tiếng gọi hay là như một cơ hội phục vụ”. Kinh Thánh kêu gọi chúng ta “dùng lời ngợi khen mà làm lễ tế” dâng đời sống mình. Đời sống chúng ta trong Chúa Kitô là một lời mời, một ơn gọi. Khi đời sống và công việc hàng ngày của chúng ta được dùng làm lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa, thì thậm chí những công việc thấp kém nhất của chúng ta cũng sẽ không còn là việc lặt vặt hàng ngày hay là gánh nặng nữa, trái lại sẽ được thực hiện trong niềm hân hoan. Khi chúng ta tìm thấy được niềm vui trong đời sống hàng ngày của chúng ta mà không cần được tán thưởng hay nhìn nhận, thì đời sống chúng ta sẽ bớt nặng nề hơn. Với Thiên Chúa, mọi công việc đều là việc thánh. Chẳng có việc gì chúng ta làm mà không bằng cách nào đó cộng tác vào hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Nếu chúng ta hiểu được rằng, không có một việc lành nào của chúng ta không được Thiên Chúa chú ý đến và ban thưởng, ắt chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui ngay cả trong những bổn phận nhỏ mọn nhất hàng ngày. Thấy được công việc của chúng ta như là một tâm tình dâng hiến sẽ giúp chúng ta bớt căng thẳng, bớt áp lực, đồng thời cũng giúp chúng ta luôn luôn ý thức được rằng Chúa đồng hành với chúng ta trên mọi bước đường chúng ta đi.
Một đặc điểm nữa của những người trưởng thành về mặt thiêng liêng là “họ tạo đời sống họ nên đơn giản ngăn nắp, và không phức tạp được chừng nào tốt chừng ấy, họ tập trung vào một mục đích duy nhất là tự hiến mình cho những giá trị, những mối quan hệ và những nguyên tắc có thể nhận rõ được và có thể minh xác được sự sống“. Quả vậy, người khôn ngoan biết rằng cái kém chính là cái ưu. Chúng ta càng bừa bộn chất đầy đời sống chúng ta, thì đời sống càng trở nên phức tạp, và một khi đời sống càng phức tạp, thì nó càng trở nên khó khăn hơn. Người lãnh đạo trưởng thành có khả năng giữ mọi sự quy về một mối và có một cái nhìn xa. Thiên Chúa thì đơn giản. Giáo huấn của Chúa Giêsu cũng đơn sơ. Còn chúng ta thì lại có khuynh hướng gây phức tạp cho đời sống chúng ta bằng cách làm cho đời sống thêm phức tạp hơn mức nó cần. Chúng ta biết có một trong nhiều câu nói then chốt của PT Cursillo là “Hãy giữ cho đơn giản“. Đời sống chúng ta thường là khá hơn khi chúng ta giữ nó được đơn giản. Trong thương trường người ta hay nói tới “lớn thuyền to sóng” hay là “lớn thuyền thì lớn sóng“. Trong đời sống chúng ta cũng nên tìm cách tránh “lớn thuyền” để bớt phải chống chọi với những thử thách lớn. Nói thế không có nghĩa chúng ta không được phép có những phức tạp trong cuộc sống chúng ta, nhưng cái khó khăn là ở chỗ đó. Không cần chúng ta tiếp sức vào, đời sống đã đủ phức tạp rồi. Có nhiều người có thể làm nên được nhiều dự án từ những công việc đơn sơ nhất, và cũng có những người có thể đơn giản hóa được những vấn đề phức tạp nhất. Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy. Nếu chúng ta giữ cho đời sống thiêng liêng của chúng ta không phức tạp, chúng ta sẽ luôn luôn để tâm vào cái gì là cốt yếu.
Những người trưởng thành về mặt thiêng liêng cũng chứng tỏ được tinh thần liên kết, ý thức mình là thành phần của một vũ trụ sống động, tác động hỗ tương với nhau. Một trong những dấu hiệu cho thấy một người đã đến tuổi trưởng thành là chuyển hướng từ “tôi” sang qua “Chúng tôi“, “Chúng ta“. Những người lãnh đạo phải nghĩ rằng mỗi một con người chỉ là một mảnh nhỏ trong bí ẩn của Thiên Chúa vốn rộng lớn hơn nhiều. Chẳng ai là trung tâm của vũ trụ. Một khi chúng ta gạt được cái bản ngã – cái tôi của mình – ra ngoài, thì chúng ta đã có thể bắt đầu bước những bước dài trong sự trưởng thành thiêng liêng. Khi chúng ta nghĩ rằng, chúng ta có một vị thế riêng biệt trong sự Quan Phòng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy dễ dàng chấp nhận thánh ý Chúa hơn, sẽ sẵn sàng lắng nghe và mở rộng lòng ra hơn mà đón nhận điều Chúa muốn cho chúng ta. Cùng lúc ấy, chúng ta sẽ ý thức rằng, mặc dầu chúng ta bé mọn, chúng ta cũng được đóng một vai trò nhất định trong trật tự của tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên. Chẳng có cái gì xẩy ra bất ngờ và trùng hợp ngẫu nhiên cả. Tất cả – bằng một cách nào đó – đều ăn khớp với sự an bài của Thiên Chúa. Chúng ta hãy để chương trình nghị sự của chúng ta ra ngoài và hãy tham gia vào chương trình nghị sự của Thiên Chúa.
Thứ năm, [những người trưởng thành về mặt thiêng liêng] “họ là những người dí dỏm hài hước chân thật, đôi khi có vẻ trẻ con, và điều nghịch lý là họ hoài nghi bằng một sự ngờ vực hết sức lành mạnh”. Bạn hãy nhớ lại Chúa Giêsu đã giục những kẻ đi theo Người hãy rằng “khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như con bồ câư”. Chúng ta không thuộc về thế gian, song chúng ta hãy ý thức về cái thế giới xung quanh chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng đừng bao giờ tỏ ra quá quan trọng về mình. Chúng ta cần giữ sự ngây thơ và tín cẩn như con trẻ, vì nếu không, chúng ta không thể nào bền vững trong cam kết gắn bó với Chúa Kitô. Chúng ta hãy luôn luôn coi trọng người khác và coi trọng công việc chúng ta làm cho Chúa Kitô, nhưng chúng ta đừng tỏ thái độ cho thấy như thể Kitô giáo là một gánh nặng. Chúng ta cần khôn ngoan để “đối đáp với người ngoài” mà không nhượng bộ các điều tệ hại của xã hội bên ngoài. Chúng ta phải có một thứ lạc quan chất phác đủ để tin rằng Thiên Chúa làm được mọi sự cho những ai tin cậy vào Người. Đặc điểm này quan trọng đặc biệt bởi vì nhiều kẻ tu hành mặc lấy đức tin của họ một cách rất là nặng nề. Cung cách và dáng dấp của họ làm người ta liên tưởng tới những người Biệt Phái luôn luôn có vẻ u sầu ảo não và họ đi đứng giống như thể đang sống giữa một bãi chiến trường, ở đó thiện và ác đánh nhau liên miên. Cuối cùng thì sự tự cho là công chính của những kẻ này khiến nhiều người ngoảnh mặt quay lưng đi hơn là được thu hút đến với Chúa Kitô. Nhiều người tưởng rằng, là những người đi theo Chúa Kitô, chúng ta không thể nào là những kẻ “bình thường“, trong khi tính tình “bình thường” là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng! Chúng ta không thể thu phục thế gian về với Chúa Kitô nếu chúng ta làm cho thế gian có ấn tượng rằng, người nào dâng hiến đời sống mình cho Thiên Chúa cũng đều phải trở thành điên khùng hay cuồng tín!
Những người lãnh đạo trưởng thành về mặt thiêng liêng là “những người biết trách nhiệm cả mặt cá nhân lẫn xã hội, sẵn lòng cân nhắc, tiên liệu và đón nhận các hậu quả của việc mình làm. Họ tỏ ra tích cực, tự chế một cách tự nhiên hơn là đòi hỏi có những kiểm soát áp đặt bề ngoài“. Những người lãnh đạo trưởng thành không chơi “trò chơi đổ thừa“. Họ nhận lấy trách nhiệm về cách sống của họ và họ coi trọng những cam kết của họ. Những người lãnh đạo trưởng thành phản ứng nhờ có tiên liệu trước hơn là phản ứng bất chợt. Họ có ý thức về sự thiện toàn diện và họ cũng để tâm đến những nhu cầu của cả cộng đồng. Để cho công việc của Chúa Kitô được hoàn thành, chúng ta không thể yên vị và xao lãng các trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta phải giữ lòng cam kết gắn bó với Chúa Kitô bởi vì đó chính là điều chúng ta có trách nhiệm phải thi hành. Chúa Kitô tin tưởng nơi chúng ta?
Sau hết, những người trưởng thành về mặt thiêng liêng thì “yêu và làm việc có hiệu năng“. Chúa Giêsu xác quyết với chúng ta rằng, nếu chúng ta tự hiến mình cho Chúa, công việc của chúng ta sẽ sinh hoa trái. Đó là thước đo tối hậu để đo lường sự cam kết gắn bó của chúng ta với Chúa Kitô – công việc của chúng ta có sinh hoa trái cho Chúa không? Chúng ta không thể tìm kiếm sự tự mãn, e rằng sự tự mãn sẽ trở thành thước đo công việc tông đồ của chúng ta chăng! Chúng ta phải làm công việc của chúng ta cho Chúa. Nói thế có nghĩa là chúng ta hãy xem vai trò của chúng ta như là thành phần của toàn bộ chương trình Thiên Chúa dành cho thế gian. Chúng ta hòa hợp với Chúa Thánh Thần và để mặc Chúa Thánh Thần soi dẫn chúng ta đi trên con đường Thiên Chúa đã vạch sẵn cho chúng ta. Một lần nữa, tựu chung chúng ta hãy làm việc cho Chúa, đó mới là quan trọng. Nếu chúng ta giữ được tâm thức này trước mặt chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy công việc chúng ta làm cho Chúa Kitô mà không có hiệu quả, cả khi công việc ấy không thỏa mãn cá nhân chúng ta. Sống trưởng thành về mặt thiêng liêng có nghĩa là chúng ta hãy sử dụng mọi hồng ân Chúa đã ban cho chúng ta mà chẳng sợ hãi gì cả. Chúng ta được gọi làm người lãnh đạo để có thể sống ở mức độ hoàn hảo nhất của chúng ta, chứ không bao giờ dưới mức độ của chúng ta…
“Làm sao chúng ta biết được chúng ta đang được vươn lên về mặt thiêng liêng? Chúng ta cảm nhận một nỗi ước ao khó diễn tả, ước ao một cái gì đó mà có lẽ chúng ta không định nghĩa được. Bất chấp mọi phức tạp phiền toái hay bao vấn đề đang đè nặng chúng ta, chúng ta cảm thấy mình biết ơn vì vẫn còn sống. Chúng ta cảm nghiệm mình có được những giây phút siêu thoát (hay xuất thần). Chúng ta cảm thấy đôi lúc mình có những ước vọng vô lý, ước vọng phục vụ kẻ khác. Chúng ta cũng cảm thấy có một sức mạnh giúp chúng ta kiềm chế những thèm khát thường lệ của chúng ta… và tìm được sở thích mới trong nghệ thuật, phụng vụ, âm nhạc, thơ ca hay khiêu vũ. Mọi cảm giác mọi nỗ lực và mọi cảm kích của chúng ta đều báo hiệu rằng, một cuộc sống dâng hiến rộng lớn hơn đang triển nở”.
Một khi chúng ta bắt đầu cảm nghiệm những đặc tính trên trong đời sống thiêng liêng của chúng ta, chúng ta sẽ thấy có một số kết quả chứng tỏ rằng đời sống thiêng liêng của chúng ta đang sâu đậm. Trước hết, “lòng ao ước và khả năng phục vụ tha nhân nơi chúng ta đang gia tăng.” Khi chúng ta được lớn lên trong ý thức của chúng ta đối với Chúa Kitô và đối với sứ mạng của Người, chúng ta sẽ muốn làm nhiều hơn nữa bởi vì chúng ta nhìn thấy còn nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng. Danh ngôn có nói: “Nếu bạn muốn một điều gì được hoàn tất, bạn hãy giao cho người năng nổ” Câu nói ấy nghe có vẻ sáo, nhưng đó là sự thật. Người làm lãnh đạo cho Chúa Kitô thì không chờ kẻ khác ra tay, nhưng luôn luôn muốn dấn thân vào. Khi chúng ta trưởng thành, chúng ta nhạy cảm hơn, trước các nhu cầu của người khác và thấy rõ sự thúc bách của Nước Trời ở một quy mô rộng lớn hơn.
Thứ hai, “chúng ta trưởng thành với lòng sẵn sàng sửa sai những thiếu sót (hay những giới hạn) cá nhân như thiếu sự kiềm chế, quá khoan dung hay né tránh“. Dường như càng ý thức mình phải chân thực, chúng ta càng ước ao có được sự hoán cải không ngừng. Chúng ta cam kết gắn bó với Chúa Kitô càng sâu đậm chúng ta sẽ càng ước ao nên giống Chúa hơn. Chúng ta sẽ học được đức kiên nhẫn với những người xung quanh ta, chúng ta sẽ tỏ ra tự chế nhiều hơn và sẽ không còn tìm cách tránh né những bổn phận đòi hỏi hy sinh và đầu tư cá nhân nữa. Chúng ta trưởng thành trong tình yêu với Chúa Kitô càng sâu đậm, chúng ta càng thấy thực tế tội lỗi càng đáng gớm ghiếc. Bấy giờ chúng ta sẽ ước mong xa lánh bất cứ sự xao lãng nào không cho chúng ta tập trung vào việc theo Chúa Kitô và thi hành công việc của Người. Các tác giả tu đức cũng dạy chúng ta rằng, chúng ta càng xích lại kề cận Chúa, Satan càng khó hoạt động lôi kéo chúng ta xa Chúa. Khi chúng ta cam kết gắn bó với Chúa Kitô càng sâu đậm, thì chắc chắn chúng ta sẽ không còn dám liều lĩnh đánh mất tất cả những gì chúng ta có.
Một kết quả khác của đời sống thiêng liêng có chiều sâu là chúng ta càng ngày càng muốn phát triển đời sống thiêng liêng ấy thêm tăng trưởng hơn nữa. Đơn giản thôi! Khi chúng ta đã có đà rồi, chúng ta đâu muốn mất đà! Chúng ta muốn vẫn mãi mãi tập chú vào ý hướng của chúng ta. Do vậy mà cái kiềng ba chân là Sùng Đạo, Học Đạo và Hành Đạo rất là quan trọng. Ba điều ấy chính là phương tiện giúp chúng ta duy trì sự cam kết gắn bó của chúng ta với Chúa Kitô và công việc của Người, đồng thời cũng giúp cho sự cam kết ấy thêm sâu đậm và mạnh mẽ hơn. Hội Nhóm và Ultreya của chúng ta cũng là những khí cụ vô giá giúp chúng ta thêm mạnh và duy trì sự cam kết của chúng ta. Một sự thật phũ phàng cần lưu tâm là chúng ta đã phải mất một thời gian dài để phát triển đời sống trưởng thành về mặt thiêng liêng, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc thôi chúng ta có thể mất toi đời sống ấy. Là những người lãnh đạo, chúng ta không thể xem thường giá trị của việc chúng ta cam kết gắn bó với Chúa Kitô. Mối quan hệ ấy với Chúa phải được nuôi dưỡng và bồi bổ liên tục.
Cuối cùng, khi chúng ta trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, chúng ta sẽ thấy nổi lên một khía cạnh sáng tạo, có tính trực giác nhiều hơn. Chúng ta sẽ ít chỉ huy hơn và càng mở rộng lòng với Chúa Thánh Thần hơn. Chúng ta sẽ bắt đầu làm những điều mà chúng ta từ trước tới nay chưa hề tưởng tượng mình có thể làm được. Chúng ta sẽ thấy mình vùng lên vì Chúa Kitô trong những cách thức mà cả chúng ta cũng phải ngạc nhiên. Là một cộng đồng lãnh đạo, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy những hồng ân và vai trò khác nhau xuất hiện khi mỗi người lãnh đạo tìm cách cống hiến vào điều thiện của toàn thể cộng đồng. Chúng ta sẽ có khả năng tỏ ra cho người ta thấy tinh thần sáng tạo mà chúng ta đã nghe qua trong bài Nói Chuyện về Lãnh Đạo trong Khóa Cuối Tuần. Khía cạnh sáng tạo này sẽ cho phép chúng ta hòa quyện hơn nữa vào sự chuyển động của Chúa Thánh Thần. Điều ấy không có nghĩa là chúng ta chỉ sẽ hành động do sự thôi thúc hoặc một cách tự phát không kiểm soát, nhưng nói đúng hơn, nó có nghĩa là chúng ta sẽ có khả năng thật sự nhận ra sức tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Một lần nữa, sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng không phát triển một sớm một chiều. Nó đòi hỏi chúng ta làm nhiều công việc và mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng ấy hoạt động tiệm tiến và phù hợp với thời điểm Chúa muốn…
“Đây mới đúng là cách chúng ta xây dựng sức mạnh thiêng liêng. Trước hết chúng ta hãy nhận diện những khả năng mà chúng ta cần. Trực giác, sáng tạo, tháo vát, bình an nội tâm, tất cả đều là mục đích thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta khởi sự rất khiêm nhường với những lý tưởng khả thi, một mặt hoạch định một hướng đi có chiến lược tiến tới mục đích kế tiếp rộng lớn hơn cho chúng ta… Việc cầu mong quá sớm để có khả năng thực thi những cam kết rộng lớn về tôn giáo hay có được đức tin sắt đá như Abraham hoặc những câu trả lời chính xác nhanh chóng, liên quan đến những cách thức biến đổi đời sống hàng ngày của chúng ta thành những biểu lộ lành thánh của sự dâng hiến xem ra vừa có tính cách lý tưởng hóa kiểu trẻ con và cũng vừa mất hiệu quả nữa. Những triệu chứng trì hoãn cho thấy chúng ta chưa sẵn sàng… chúng ta có thể cần sống, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, như thể Nước Trời đang thật sự đến gần, nhưng đồng thời chúng ta cũng còn phải đáp ứng những trách nhiệm trần tục của chúng ta. Môi sen, David, Giuse và cả Chúa Giêsu cũng đều bỏ ra nhiều thời giờ (có vài trường hợp phải nhiều năm) để củng cố khả năng nội tâm của mình cho thêm mạnh“. Còn mối quan hệ của chúng ta với Chúa đang ở giai đoạn nào, điều ấy không phải vấn đề đáng quan tâm nhất. Nếu chúng ta là những người lãnh đạo thì chúng ta sẽ luôn luôn cố gắng làm cho mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và việc chúng ta cam kết gắn bó với Chúa Kitô và Hội Thánh cũng như với sứ mạng tông đồ của chúng ta trở nên sâu đậm hơn. Bởi vì không có điểm “đến“, thì những khả năng chúng ta có thể có được cũng vô tận. Với Thiên Chúa không hề có điểm kết thúc. Chúng ta càng khao khát Thiên Chúa, Thiên Chúa càng đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Người sâu đậm hơn, mà chúng ta đi vào mầu nhiệm Chúa càng sâu đậm chừng nào thì việc chúng ta cam kết làm tông đồ càng thêm mạnh chừng ấy.
Câu Hỏi Để Suy Niệm/ Thảo Luận:
- Bạn cảm thấy dễ liên hệ nhất với những đặc điểm nào của một đời sống thiêng liêng có chiều sâu?
- Đặc điểm nào khó đạt tới nhất?
- Việc nuôi dưỡng các đặc tính ấy giúp một người lãnh đạo hay Trường Lãnh Đạo thăng tiến như thế nào?
- Tại sao có sự liên hệ hỗ tương giữa mối quan hệ cá nhân chúng ta với Thiên Chúa và sự cam kết làm việc tông đồ của chúng ta với sứ mạng của Chúa Kitô?
“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”
(Gl 2, 20)