SÁCH: NHỮNG NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA SAI ĐI
Lm. Frank S. Salmani

Chương 19 (cuối)

TINH THẦN NGƯỜI QUẢN GIA

Lời Chúa:

  • Mát thêu 6: 19-34 – 1
  • Phêrô 4: 7-11

Tóm Lược:

  1. Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta nhiều ơn lộc và tài năng. Bù lại, chúng ta được gọi làm những người quản gia trung tín để quản lý những ơn lộc ấy mà ban phát lại thời giờ, tài năng và kho tàng mà chúng ta có.
  2. Nguyên tắc tinh thần người quản gia bao gồm:
    • Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta những tài năng và ơn lộc duy nhất.
    • Dâng hiến thật sự luôn luôn là hy sinh.
    • Chúng ta là những người giữ gìn mối tình huynh đệ.
    • Chúa sẽ ban cho chúng ta bù lại nhiều hơn những cái chúng ta dâng hiến cho kẻ khác.
    • Khi dâng hiến cho kẻ khác chúng ta cũng nhận được kho tàng ơn lộc của họ. Những ơn lộc chúng ta có không phải chỉ dành riêng cho mình chúng ta.
    • Chúng ta là những cộng sự viên của Thiên chúa, Chúng ta có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm.
  3. Nhưng cách thức để tiếp tục làm người quán lý trung tín cho Chúa:
    • Có một đời sống vững mạnh trong cầu nguyện (sùng đạo) và đào luyện (học đạo).
    • Không ngừng học hỏi các môi trường chúng ta đang sống.
    • Phần dâng hiến của chúng ta phải cân xứng với những ơn lộc chúng ta đã lãnh nhận.
    • Khi chúng ta nhận làm môn đệ, chúng ta tin rằng chúng ta cũng là người quán lý trung tín cho Chúa
    • Chúng ta phải có kỷ luật và ý hướng.
  4. Mỗi khi chúng ta dâng hiến, thì hãy dâng hiến thật dồi dào, chứ không cho người ta “những mẩu bánh vụn vất đi”.

Một trong những ý niệm kỳ cựu nhất của Kinh Thánh là ý niệm về tinh thần người quản gia – Thiên Chúa đã chúc phúc quá nhiều cho chúng ta mà đổi lại, chúng ta mắc nợ Chúa cả thời giờ chúng ta, tài năng lẫn mọi kho tàng của chúng ta (kể cả kho tàng của cải vật chất). Trong những năm gần đây, Giáo Hội, đặc biệt qua các cộng đồng giáo xứ, đã lồng “tinh thần người quản gia” trong một chương trình mục vụ của người giáo dân. Đây là một cách làm cho con người sinh động lại bằng cách kêu gọi họ hãy nhận lấy trách nhiệm họ đã có từ khi chịu phép Rửa Tội. Cũng cùng cách thức ấy, các thành phần lãnh đạo trong PT Cursillo, các Kitô hữu lãnh đạo và các Kitô hữu nói chung được kêu gọi để làm những người quản gia trung tín nhận lãnh những chúc phúc và hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Là thành phần lãnh đạo Cursillo, chúng ta có thể canh tân các cộng đồng của chúng ta bằng cách hiến dâng thời giờ, tài năng và kho tàng của chúng ta để mở mang Nước Chúa nhiều hơn nữa. Nền tảng chương trình mục vụ giáo dân này căn cứ vào ý niệm về giao ước. Thiên Chúa đã hứa Người sẽ ở cùng chúng ta mọi lúc và cung cấp cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Trong tinh thần biết ơn, chúng ta có nghĩa vụ thiêng liêng là hiến dâng lại cho Chúa một cái gì đó để đền ơn. Nếu chúng ta xem xét các nguyên tắc của tinh thần người quản gia trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ dễ dàng trông thấy lời mời gọi làm người lãnh đạo và lời mời gọi làm người quản gia trung tín đều là một và giống nhau.

Trước hết, khởi điểm của chương trình mục vụ nói trên nhằm vào sự kiện này là, Thiên Chúa đã ban cho tất cả chúng ta những tài năng và ơn lộc độc đáo. Những ơn lộc ấy được ban cho để chúng ta dùng mà phục vụ tha nhân. Chúng ta được kêu gọi phải dâng hiến thời giờ và tài năng của chúng ta mà phục vụ những người đang cần đến chúng ta. Nếu chúng ta tin rằng Cursillo là một quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta, ắt chúng ta sẽ chia sẻ những hoa quả của quà tặng ấy với thế giới. Cuộc sống mới chúng ta có được trong Chúa Kitô như vậy không thể cứ khư khư giữ lấy cho riêng mình. Chúng ta có nghĩa vụ phải tôn vinh và ca ngợi Thiên Chúa về tất cả những hồng ân Chúa chia sẻ cho chúng ta. Làm người lãnh đạo có nghĩa là cái gì chúng ta có, chúng ta chia sẻ cho kẻ khác.

Một sự dâng hiến thật sự luôn luôn là một lễ hy sinh theo gương chính Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta. Chúa Giêsu đã hoàn toàn tự hiến mình cho chúng ta và toàn diện, mà không hề giữ lại cái gì cho Người. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa đã rửa chân cho các môn đệ để tỏ cho các ngài thấy Nước Chúa không ở tại quyền lực và sự thống trị, mà là ở tại việc phục vụ kẻ khác. Tham dự vào thành phần của Nước Chúa có nghĩa là chúng ta sẽ dâng hiến sự sống mình làm của lễ hy sinh, gạt mọi nhu cầu cá nhân qua một bên và hướng tất cả thời giờ, tài năng và kho tàng chúng ta cho công việc của Chúa.

Chúng ta có nghĩa vụ đối với kẻ khác bởi vì chúng ta là những người gìn giữ giềng mối huynh đệ giữa chúng ta với nhau. Chúng ta không thể có cái thái độ gọi là “bác ái bắt đầu từ trong nhà mình” hoặc “Chúa giúp những ai tự giúp mình” và chúng ta cũng đừng tưởng là những ý nghĩ đó giải thoát chúng ta khỏi trách nhiệm. Chúng ta vẫn có trách nhiệm với nhau, giữa người này người kia. Nếu chúng ta có bổn phận hoán cải các cộng đồng nhân loại thành cộng đồng Kitô hữu, chúng ta phải có cái ý thức về sự liên kết của chúng ta với kẻ khác. Từ thời Cựu ước, Lề Luật của Thiên Chúa đã làm sáng tỏ điều này là chúng ta phải luôn luôn tỏ ra hiếu khách với mọi người và chào đón mọi người như Thiên Chúa đã chào đón chúng ta.

Khi dâng hiến thời giờ, tài năng và kho tàng chúng ta, chúng ta tin Chúa sẽ đáp lại mà ban cho chúng ta dồi dào hơn gấp bội so với những gì chúng ta cho đi. Bạn thử hỏi một người đã dâng hiến thời giờ của mình để phục vụ, hầu hết lúc nào chúng ta cũng nghe họ nói với chúng ta rằng: “Tôi đã lãnh nhận được nhiều hơn cái tôi đã cho đi“. Một cách nào đó khi chúng ta phục vụ kẻ khác, thì thế nào chúng ta cũng có lãnh nhận một phần thưởng vô hình làm cho chúng ta có cảm tưởng chúng ta nhận được lại nhiều hơn cái chúng ta cho đi. Đó là bản chất của tình yêu – chúng ta không hề thiếu tình yêu. Kho tình yêu vẫn không suy giảm cho dù có sử dụng quá mức đi chăng nữa. Thực ra, tình yêu chỉ khô héo khi chúng ta cố giữ cho riêng mình những gì chúng ta có, và mỉa mai thay, chúng ta càng giữ kỹ các ơn lộc cho mình, chúng ta càng cảm thấy kém sung mãn. Đó là một hiện tượng kỳ lạ, nhưng khi chúng ta nhận lãnh tiếng Chúa gọi: thì Người cũng có vẻ như vẫn cứ đòi hỏi nhiều hơn nơi chúng ta. Tuy nhiên, cùng lúc ấy, có vẻ như là Chúa càng đòi hỏi nơi chúng ta, Người càng ban nhiều hơn cho chúng ta để mà bù lại. Thiên Chúa không bao giờ để cho giếng nước chúng ta nên khô cạn.

Nhờ trao cho và chia sẻ các ơn lộc của chúng ta cho người khác, chúng ta cũng nhận được nơi người khác các tài năng của họ. Nhiều người chia sẻ ơn lộc của mình một cách miễn cưỡng bởi họ nghĩ rằng họ chẳng có gì để mà dâng hiến cả. Chúng ta hãy nhớ, việc tông đồ của chúng ta không phải là vấn đề cho người ta một cái gì họ không có, mà là vấn đề đánh thức lòng khao khát nơi họ khiến họ ước ao được cảm nghiệm cuộc sống một cách viên mãn; và sự sống sẽ không viên mãn trọn vẹn nếu chúng ta không chia sẻ với kẻ khác những gì chúng ta có. Chúng ta cải đổi người khác và các môi trường của chúng ta bằng cách giúp đỡ người khác khám phá ra Thiên Chúa trong họ. Sau khi khám phá Thiên Chúa, những người ấy cũng sẽ có thể dâng hiến cho thế giới thời giờ, tài năng và kho tàng của họ.

Chúng ta có nghĩa vụ phải chia sẻ các ơn lộc của chúng ta cho kẻ khác bởi vì các ơn lộc Chúa đã ban cho chúng ta không phải chỉ cho mỗi mình ta mà thôi. Các ơn lộc ấy được ban cho một cách chính xác là để được chia sẻ, và trong khi chia sẻ cho kẻ khác các ơn lộc nhận được từ Thiên Chúa, thì chúng ta cũng tiếp tục công cuộc sáng tạo mà Thiên Chúa đã bắt đầu. Sáng tạo chỉ là một tiến trình qua đó Thiên Chúa chia sẻ chính mình Người cho chúng ta. Thiên Chúa chia sẻ cho chúng ta kho tàng tài năng của riêng Người bằng cách ban cho chúng ta mỗi người những hồng ân và tài năng duy nhất, và bù lại, Chúa bảo chúng ta hãy chuyển những hồng ân ấy cho kẻ khác. Hãy lấy đức tin chúng ta làm thí dụ. Chúng ta có được đức tin để làm gì nếu chúng ta không chia sẻ đức tin ấy cho kẻ khác? Nếu chúng ta cứ khư khư giữ mãi đức tin ấy cho riêng mình thì khi chúng ta chết, cái món quà “đức tin” ấy sẽ chết theo chúng ta. Là người lãnh đạo, chúng ta không thể nói “không” với Chúa khi Chúa gọi chúng ta. Được nuôi dưỡng và tăng trưởng về mặt thiêng liêng chỉ mới là phân nửa của nhiệm vụ lãnh đạo. Người lãnh đạo thật sự thì chia sẻ hoa trái kinh nghiệm bản thân ngõ hầu giúp tăng thêm dũng lực cho kẻ khác để làm sao họ cũng sẽ ra đi và sẽ giúp tăng thêm dũng lực như vậy cho kẻ khác nữa.

Thiên Chúa đã có thể cứu lấy thế gian này chỉ trong nháy mắt và Người tự làm lấy một mình, song Người muốn chọn chúng ta chia sẻ công việc Người. Chúa Giêsu gọi các tông đồ Người là bạn hữu. Chúng ta là bạn hữu của Thiên Chúa, là những đồng sự, những cộng tác viên của Chúa trong việc tông đồ. Chúng ta không thể một mình loan truyền Phúc âm mà không cần sự trợ lực của Chúa. Và cả sứ điệp Phúc âm cũng không thể được chia sẻ nếu chúng ta không nhận lấy trách nhiệm để làm công việc ấy. Trong bài nói chuyện về các Bí Tích, chúng ta được nhắc nhở phải sống các Bí Tích, phản ánh sự hiện diện và quyền lực của Chúa Kitô trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Không có Chúa Giêsu, việc tông đồ của chúng ta chỉ là một thứ công tác xã hội, nhưng nếu không có chúng ta, Phúc âm chỉ còn là một di tích, một kỷ niệm về một sứ điệp đã một lần được công bố mà nay đã đi vào dĩ vãng. Chúa Kitô giao phó cho chúng ta làm công việc của Người.

Cuối cùng, chúng ta là những người đã lãnh trách nhiệm và chịu trách nhiệm. Thiên Chúa là Đấng yêu thương và hay thương xót, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta thoát khỏi trách nhiệm đâu. Nhận lãnh trách nhiệm là một nhiệm vụ khó khăn nhất của con người, đặc biệt khi công việc đòi hỏi cấp bách, nhưng noi gương Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc hay mất quyết tâm. Khi chúng ta chịu phép Rửa Tội, rồi sau đó chịu phép Thêm Sức, và mỗi khi chúng ta nhận lãnh Bí Tích Thánh Thể, chúng ta đoan nguyền với Chúa là chúng ta sẽ thật lòng đáp lại tiếng Chúa gọi chúng ta làm tông đồ. Khi chúng ta đón nhận lời mời gọi làm người lãnh đạo Cursillo, chúng ta không thể chỉ nhận chức tước mà thôi. Chúng ta phải nhận trách nhiệm làm việc cho Phong Trào. Nếu chúng ta là những người lãnh đạo, chúng ta không được có thái độ mặc kệ, “Đã có người khác làm việc đó rồi“, hoặc “việc đó không cách này thì cách khác rồi cũng sẽ xong thôi“. Cách suy nghĩ ấy không thể nào chấp nhận đối với bất kỳ người Kitô hữu nào. Nếu chúng ta thật sự sống đức tin chúng ta đã tuyên xưng, chúng ta không được quay lưng lại Thiên Chúa và tha nhân, hoặc đẩy công việc cho người khác làm.

Dĩ nhiên, không cần phải nói làm người quản gia trung tín không phải một sớm một chiều mà thành công, giống như người làm trò ảo thuật. Như bất cứ việc gì khác trong đời sống, chúng ta cần phải tìm ra cho được những phương cách để củng cố sự cam kết gắn bó của chúng ta. Là một Cursillista nói chung và là một lãnh đạo Cursillo nói riêng, chúng ta có những cách thức để bảo đảm rằng mình luôn luôn là người quản gia trung tín và khôn ngoan để quản trị nhiều ơn lộc của Thiên Chúa. Điều chúng ta cần đến trước hết là một đời sống vững bền trong cầu nguyện (sùng đạo) và học hỏi (học đạo). Thánh Thiện và Đào Luyện giống như nhiên liệu dành cho công cuộc loan Truyền Phúc âm và hoạt động tông đồ (hành đạo). Không có một đời sống vững mạnh đặt nền tảng vào Chúa, chúng ta sẽ xài hết nhiên liệu rất nhanh chóng. Công việc chúng ta đòi hỏi cấp bách đến nỗi tình trạng kiệt sức trở thành một điều đáng quan tâm thật sự. Chúng ta cần được nuôi dưỡng và bồi bổ để thực thi các nhiệm vụ đang đặt ra trước mặt chúng ta. Bao lâu chúng ta dành thời giờ cho việc cầu nguyện và học hỏi, bấy lâu chúng ta vẫn còn có đủ khí cụ chúng ta cần hầu tiếp tục biến cải xã hội.

Thứ hai, chúng ta phải liên tục nghiên cứu các môi trường của chúng ta. Con người thay đổi, môi trường thay đổi, chúng ta thay đổi. Chúng ta phải nêu lên những câu hỏi quan trọng sau đây: Những gì là nhu cầu thiết yếu trong môi trường này? Ai là những người nòng cốt? Cái gì chúng ta cần có để Kitô hóa môi trường này? Nghiên cứu môi trường không phải là một nỗ lực chỉ có một lần. Nó là thành phần của các kế hoạch hoạt động tông đồ tiếp diễn không ngừng.

Thứ ba, chúng ta phải luôn luôn bảo đảm rằng, việc dâng hiến của chúng ta phải luôn luôn cân xứng với những ơn lộc và tài năng Chúa đã ban cho ta. Đa số không biết mình sẽ hiến dâng cái gì. Thậm chí những người lãnh đạo cũng giới hạn số lượng dâng hiến. Sự thật là chúng ta vẫn có rất nhiều để cho, nhiều hơn là chúng ta có thể tưởng tượng. Chỉ khi nào chúng ta tự để cho mình được tự do và mở rộng lòng hiến dâng mà không ngại khốn khó thì bấy giờ ơn Chúa và quyền năng của Chúa Thánh Thần mới có thể làm những điều kỳ diệu trong chúng ta. Hầu hết mọi trường hợp. Chúa ban cho chúng ta nhiều hơn chúng ta hiến dâng cho Chúa và tha nhân. Chúng ta có khuynh hướng tự giới hạn mình, nhưng với Thiên Chúa thì cái gọi là “đủ” lúc nào cũng nhiều hơn là chúng ta tưởng.

Thứ bốn, niềm tin của chúng ta phải luôn ăn khớp với các hành động của chúng ta. Nói cách khác. Chúng ta tin Chúa gọi chúng ta làm môn đệ, làm tông đồ, làm lãnh đạo tới mức độ nào thì chúng ta cũng được gọi để phục vụ một cách trung tín tới mức độ ấy. Thiên Chúa không trao phó chính mình Người cho mỗi mình chúng ta mà thôi. Nếu chúng ta tự gọi mình là tông đồ hay là người lãnh đạo, thì chúng ta cũng phải là người quản gia. Không thể là người lãnh đạo hay tông đồ mà không là người quản gia cho Chúa. Chúng ta không thể dâng hiến cái gì chúng ta không có, nhưng những gì chúng ta có thì chúng ta có nghĩa vụ phải chia sẻ cho thế giới và như vậy tức là chúng ta xây dựng Nước Chúa.

Sau hết, chúng ta cần phải có kỷ luật và có ý hướng. Chúng ta cần phải có một kế hoạch. Một lần nữa, chúng ta không thể là người lãnh đạo và lập tức ngay sau đó yên vị mà nói: “Việc đó không cách này thì cách khác rồi cũng sẽ xong thôi“. Nếu đời sống Kitô hữu của chúng ta là một mẫu nghệ thuật, ắt chúng ta sẽ làm mọi cách để hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật ấy. Chúng ta không thể đánh lừa chúng ta, đánh lừa người khác hay đánh lừa Thiên Chúa. Chúng ta cần phải liên tục thẩm định và lượng giá lời mời và ơn gọi của chúng ta. Nhận thức không phải là việc nhất thời một lần. Nhận thức là một tiến trình suốt đời nhờ đó ngày nào chúng ta cũng khám phá ra được những gì Thiên Chúa để dành cho chúng ta. Chúng ta là những thành phần lãnh đạo Cursillo, là những Kitô hữu, là dân được Chúa gọi để tiếp tục công việc của Chúa Con. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhiều đến nỗi chúng ta mắc nợ Chúa và mắc nợ kẻ khác những cái tuyệt hảo nhất mà chúng ta có thể dâng hiến được. Trong chuyến công du viếng thăm Hoa Kỳ năm 1978. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có nói trong một bài diễn văn ở Washington rằng, chúng ta không nên bố thí cho người nghèo “những mẩu vụn bánh mì vất đi“. Chúng ta phải cho thật dồi dào. Đó là cái mà người Kitô hữu nói chung và người lãnh đạo nói riêng đã được gọi để thực hiện – cho thật dồi dào. Đồng thời, chúng ta chẳng phải lo sợ gì cả. Chúng ta có thể bị mệt mỏi và đôi khi thất vọng, nhưng chúng ta vẫn tin rằng Thiên Chúa luôn luôn cung cấp cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần, còn chúng ta thì chẳng mất mát gì cả khi chúng ta tự hiến mình một cách trọn vẹn, trái lại chúng ta sẽ được lãi mọi thứ để tích trữ vào kho tàng chúng ta trên thiên đàng.

Câu Hỏi Để Suy Niệm/ Thảo Luận:

  1. Tại sao làm một người quản gia trung tín là một phần của việc làm một người lãnh đạo đứng đắn của Cursillo?
  2. Đời sống Sùng Đạo, Học Đạo và Hành Đạo giúp chúng ta làm người lãnh đạo tốt như thế nào?
  3. Một Trường Lãnh Đạo có thể duy trì các nguyên tắc của tinh thần người quản gia trung tín như thế nào?
  4. Những nguyên tắc nào của tinh thần người quản gia trung tín bạn thấy dễ chấp nhận nhất? Những nguyên tắc nào đòi hỏi cấp bách nhất?

Mục Lục – [Sách] Những Người Môn Đệ Chúa Sai Đi

Lời Bạt – [Sách] Những Người Một Đệ Chúa Sai Đi