Thoáng Nhìn Lịch Sử PT Cursillo
Loyola Gagné, Lm Dòng Thánh Thể
Tủ sách PT Cursillo Gia Nã Đại ngành Pháp ngữ
Dịch giả: Mác-cô Huỳnh Lương
CHƯƠNG 2.4
KHÚC QUANH NGÀY 7 THÁNG GIÊNG NĂM 1949
4. HỘI NHÓM
Đối với ai đã ít nhiều nghiên cứu về lịch sử PT, thì dĩ nhiên đã biết PT phát sinh từ một nhóm những người trẻ – và chính là nhóm ấy đã sinh ra PT chứ không phải PT tạo ra các nhóm. Như chúng ta đã đọc thấy ở trên, cho tới năm 1949, những người tham dự các khoá Cursillo, sau khi có những trải nghiệm trong khóa, vẫn tự giữ những mối quan hệ bạn bè rất thân thiết và thường xuyên với nhau, mà không lệ thuộc vào bất kỳ một thứ cơ cấu nào. Và đối với Eduardo đó chính là điều cốt lõi của Hậu Cursillo.
Sự gia tăng tốc độ trong việc tổ chức các khoá Cursillo kể từ tháng Giêng năm 1949 làm cho các nhà sáng lập PT có những suy nghĩ và định hướng về một hình thức hậu Cursillo cho những khoá sinh không tự động gia nhập PT CGTH. Phương thức họp nhóm bắt đầu được xây dựng từ một sự kiện rất bình thường. Vào một sáng thứ Hai nọ, anh Eduardo đang ngồi trong một quán café tại Đại Quảng Trường ở Palma và nghe được những câu chuyện kể của các bạn trẻ ở chung quanh anh. Mọi người kể với nhau những câu chuyện cuối tuần của họ, những cuộc phiêu lưu với những cô gái trẻ của họ,… một cách hăng say; Eduardo còn thêm vào một cách hóm hỉnh rằng: “các cô gái đó không phải là chị em gái của họ”. Cũng từ đó anh bắt đầu nghĩ tới những cuộc chuyện trò, trao đổi giữa các bạn bè của anh, cũng bộc phát và hăng say nhưng là về những điều đứng đắn và thiêng liêng hơn. Cũng từ đó mới bắt đầu có những cuộc hội nhóm thí nghiệm diễn ra hằng tuần, nơi đó mọi người chia sẻ với nhau về những cuộc gặp gỡ thiêng liêng giữa họ với Chúa, những công tác tông đồ và những khó khăn trong đời sống đức tin của họ trong tuần qua.
Tuy nhiên, không phải là chuyện dễ để đưa phương thức mới này vào thực tế. Người ta sợ ưu đãi sự lãnh đạo thiêng liêng của tập thể trên sự lãnh đạo thiêng liêng của một linh mục, điều mà CGTH thường khuyên các thành viên PT của họ. Sở dĩ anh Eduardo cũng như Đức Ông Gayá ủng hộ hình thức hội nhóm bằng bất cứ giá nào, là vì anh tin chắc rằng sự chia sẻ tình bạn trong nhóm là điều cần thiết và sống còn của một Kitô hữu đích thực.
Sau cùng cha Capó cũng thuận theo ý kiến ấy, rồi tới Đức Giám Mục cũng thế. Vài năm sau cha Capó đã cho ra một quyển sách ủng hộ và tán dương việc họp nhóm với tất cả những lời lẽ của anh Bonnin. Cuối năm 1949, đại hội thường niên đã nhìn nhận phương thức họp nhóm là một yếu tố đặc biệt và chính yếu của các phương pháp trong PT Cursillo. Từ đó, vấn đề này không bao giờ bị đặt lại, và vì thế các bạn cũng đọc thấy việc họp nhóm trong quyển “Các Tư Tưởng Nền Tảng Cursillo“ (CTTNTC), ở chương 7 #466 tới #496. Anh Bonnin tha thiết đối với vấn đề này đến nỗi, có một ngày nọ anh quả quyết rằng “không ai có thể phát biểu trong Cursillo nếu không có họp nhóm!” Chính lúc đó anh Bonnin mới thảo ra một để án của một Rollo mà anh lấy tên là “Bảo đảm toàn diện: việc Họp nhóm”, mà sau này người ta đôi tên là “Ngày Thứ Tư – cộng đổng Hội Nhóm và Ultreya.“