1. Chuẩn bị. 

Phần chuẩn bị rất quan trọng để tâm hồn ta sẵn sàng mở rộng và mong chờ, lắng nghe Tin Mừng. Sự kiện các tín hữu tụ họp để cùng nhau lắng nghe và chia sẻ Tin Mừng trong cộng đồng Kitô hữu mang một chiều kích đặc biệt, khác xa việc ta đọc Tin Mừng một mình. Nơi đây, có Chúa Giêsu hiện diện như lời Ngài hứa sẽ ở giữa những cộng đồng tín hữu đang qui tụ vì danh Ngài, cho dù cộng đồng đó chỉ là một nhóm nhỏ hai ba người. Khi đó, Lời Chúa chợt mang một chiều kích sống động và phong phú lạ thường.

Có thể bắt đầu bằng Kinh Chúa Thánh Thần, một lời nguyện. Và không nên quên tầm quan trọng của thánh ca trong việc chuẩn bị tâm hồn.

Thi và nhạc là hình thức cao nhất của ngôn ngữ nhân loại, cần phải được xử dụng trong việc ca tụng và thờ phượng Chúa. Thánh nhạc phát xuất từ những cảm hứng của trái tim và có sức đi thẳng vào tâm hồn ta, làm rung lên những tâm tình yêu mến, tạ ơn để ta dâng lên Thiên Chúa.

Trong vườn hoa thánh nhạc Việt Nam, có thể nói bản thánh ca “Lắng Nghe Tiếng Chúa” là thích hợp nhất để chuẩn bị tâm hồn ta lắng nghe lời Ngài với những tâm tình thật sâu xa, trìu mến và tin tưởng. Hát thánh ca, đọc kinh, dâng lời nguyện với tâm tình tha thiết mong chờ. Cầu nguyện trong tâm tình thống hối trở về. Mong chờ Lời Chúa như đất khô mong đợi mưa ngàn. Tin rằng Chúa Giêsu đang có mặt trong phiên họp như lời Ngài hứa, và chính Ngài sẽ nói thẳng với tâm hồn ta.

2. Lắng nghe.

Lời Chúa được đưa ra chia sẻ trong phiên họp cần phải được đọc trước nhiều lần để tâm hồn ta dễ cảm nhận khi lắng nghe.

Lắng nghe lời Chúa với tất cả con người ta. Từ thái độ kính cẩn bên ngoài tới tâm tình yêu mến bên trong, ta muốn lắng nghe lời Chúa như bức thư cuối cùng của người tình, như lời thư trăn trối của người ta kính mến.

Lắng nghe lời Chúa với tâm tình yêu mến và tin tưởng. Tin rằng lời Chúa hôm nay chính là một sứ điệp tình yêu, một câu trả lời cho những thao thức và vấn đề của ta. Một sứ điệp mang bình an và hi vọng.

Lắng nghe lời Chúa với tâm tình đón nhận, đơn sơ. Ta không nên nghe với thái độ dò xét, lạnh lùng của một nhà khảo cổ hay ngôn ngữ học, đừng tìm những điều ta cho là nghịch lý hay tương phản… Thái độ này không thích hợp với tinh thần chia sẻ lời Chúa trong phiên họp.

Lắng nghe và đón nhận lời Chúa trong tinh thần vui mừng, trẻ trung. Cho dù đoạn Kinh Thánh ta đã nghe nhiều lần, ta hãy cứ lắng nghe và đón nhận với tâm tình hứng khởi của thuở ban đầu. Đừng cho là câu chuyện đã quá cũ và ta nghe quá nhiều lần nên đã nhàm chán. Lời Chúa là lời phong phú vô biên và luôn đổi mới, phù hợp với cuộc sống của từng tín hữu Chúa, luôn mãi trong suốt dòng lịch sử ơn cứu độ.

Lắng nghe trong tâm tình đầy hy vọng vì Lời Ngài là chứa chan hy vọng: Lời Chúa sẽ đem lại ý nghĩa và hy vọng ơn cứu độ cho mọi cảnh vực của cuộc đời ta. Dù lúc vui hay lúc buồn, lúc thành công hay thất bại và ngay cả giữa những thử thách lớn lao nhất của cuộc sống.

3. Suy niệm và chiêm niệm.

Đây là thời gian lắng đọng tâm hồn để một mình đối diện với Lời Chúa. Xin gạt bỏ mọi âu lo và mời Chúa Kitô hiện diện để chính Ngài sẽ nói với lòng ta. Ta sẽ thưa với Chúa và hỏi Ngài muốn nói gì với tâm hồn và cuộc đời ta qua đoạn Tin Mừng vừa nghe hôm nay. Ánh sáng nào Chúa muốn chiếu dọi trong u tối của tâm hồn và của cuộc đời ta. Sứ điệp tình thương nào Chúa muốn gửi đến để sưởi ấm trái tim lạnh lùng và chai đá. Niềm hi vọng nào Chúa muốn đưa vào trong cuộc sống u buồn. Lời Chúa hôm nay sẽ đổi mới cuộc đời ta ra sao.

Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của nhóm, có thể đề cử một người chuẩn bị và hướng dẫn trong phần học hỏi và chia sẻ Tin Mừng. Người hướng dẫn có thể nói rất ngắn gọn về hoàn cảnh của đoạn Tin Mừng, về khung cảnh lịch sử văn hóa và địa dư … nếu những điều này giúp cho việc đón nhận sứ điệp Tin Mừng . Nhưng đừng bao giờ quên điều ta muốn đón nhận không phải là những kiến thức chuyên môn nhưng là sứ điệp Tình Thương ẩn dấu trong Tin Mừng. Phần gợi ý này cần cô đọng, đơn sơ và thành thực.

Trong khuôn khổ của một phiên họp, sẽ không có nhiều giờ để dành riêng cho suy niệm và chiêm niệm. Chính vì vậy ta nên đọc trước đoạn Tin Mừng để Lời Chúa thấm sâu vào trong tâm thức. Tâm tình đối diện với lời Chúa để suy niệm thật sự đã bàng bạc ngay từ lúc lắng nghe tiếng Chúa trong thái độ tin tưởng, yêu mến và hi vọng. Tâm tình này vẫn còn liên tục khi ta nghe những chia sẻ về Lời Chúa trong phiên họp.

4. Chia sẻ.

Mọi người tham dự đều được mời gọi và cần phải cố gắng đóng góp phần của mình trong việc chia sẻ. Chia sẻ về lời Chúa, tuyên xưng niềm tin nơi Ngài sẽ củng cố niềm tin cho cả người chia sẻ và người đang lắng nghe. Chia sẻ Tin Mừng cho người khác sẽ giúp đức tin của ta ngày thêm trưởng thành, vì Tin Mừng chính là căn bản của niềm tin Kitô Giáo. Chia sẻ những sứ điệp yêu thương của Tin Mừng sẽ nuôi dưỡng tình mến Chúa trong tâm hồn ta và làm cho đức mến thêm sốt sắng. Chia sẻ về niềm hy vọng Tin Mừng mang đến cho cuộc đời ta sẽ giúp cho lòng cậy trông ngày thêm kiên vững. 

Trong phần chia sẻ, ta có thể nói về những biến cố xẩy ra trong Tin Mừng hay về những dụ ngôn của Tin Mừng. Những biến cố hoặc câu chuyện này đối với ta mang ý nghĩa gì. Chia sẻ về những nhân vật trong . Tin Mừng, thái độ của từng nhân vật và những biến đổi của tình trạng tâm hồn của họ trước và sau khi họ gặp gỡ Chúa Giêsu. Theo dõi Chúa Giêsu trong Tin Mừng qua ว từng lời nói, từng hành động và những tâm tình đầy yêu thương của Ngài.

Nhưng quan trọng hơn hết là xuyên qua tường thuật và tình tiết của Tin Mừng, ta chia sẻ về sứ điệp yêu thương và hi vọng Chúa muốn gửi đến cho ta qua bản văn của Tin Mừng. Đây là một sứ điệp cá nhân, như một bức thư tình, một sứ điệp đầy yêu thương và hy vọng Chúa muốn gửi riêng cho tâm hồn ta, trong hoàn cảnh hiện tại, trong chính ngày hôm nay. Những chia sẻ này sẽ có sức nâng đỡ tâm hồn anh chị em đang hiện diện, nhất là trong những khi niềm tin bị thử thách hay khi cuộc đời đầy sóng gió, đau thương.

Tùy theo hoàn cảnh và trường hợp, ta có thể có những lời đúc kết ngay sau khi lắng nghe lời Chúa. Người hướng dẫn sẽ mời mọi người hồi tâm, chỉ chú ý đến lời Chúa, đưa lên một số những gợi ý hay những tâm tình nổi bật của Tin Mừng. Những gợi ý này không mang mục đích cắt nghĩa Tin Mừng nhưng chỉ là những gợi ý được nêu lên trong tâm tình rất khiêm tốn. Ta nên nghe những gợi ý này một cách thông cảm và bao dung, vì nhiều khi chúng mang tính chủ quan, phản ảnh những tâm tình và tình trạng tâm hồn của người gợi ý.

Chúa Giêsu nói với môn đệ: Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con chưa thể lãnh hội. Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dạy chúng con mọi điều (Ga 16:13). Với câu nói đó, Chúa Giêsu đã mở rộng viễn ảnh về mạc khải. Mạc khải về tình thương của Thiên Chúa và về ơn cứu độ của Ngài.

Cho dù mạc khải chính thức bằng văn bản đã chấm dứt với sách Khải Huyền, nhưng Chúa Thánh Thần luôn tiếp tục soi sáng trong tâm hồn và đốt lửa yêu mến trong trái tim các tín hữu. Ngài là Thần Chân Lý và là Ngôi Vị Tình Yêu trong Ba Ngôi. Ngài sẽ không ngừng mạc khải cho các tín hữu về những nét tuyệt vời của tình yêu thương nhân hậu khôn lường của Thiên Chúa. Mạc khải của Chúa Thánh Thần sẽ không bao giờ ngưng cạn qua suốt dòng lịch sử ơn cứu độ.

Mạc khải đó được biểu lộ qua mọi biến cố của cuộc sống cá nhân hay của lịch sử nhân loại. Mạc khải đó luôn bàng bạc trong mọi thăng trầm, mọi nỗi vui buồn của cuộc sống. Nhưng mạc khải về Tình Thương Thiên Chúa sẽ rạng ngời và đậm nét nhất khi dưới ánh sáng và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, các tín hữu Chúa Kitô cùng qui tụ lại để đọc, lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa.

Đọc tiếp: Đôi Lời Cuối
[mục lục] Cuộc Hành Trình Ngày Thứ Tư