Tác giả: Don Schwager
Nguồn: 
www.dailyscripture.net
Lm. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD. chuyển ngữ

Đấng đang đến thì quyền năng hơn tôi

Lc 3, 10-18 

10 Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây? “11 Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.”12 Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? “13 Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.”14 Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? ” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”15Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a!16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.17 Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”18 Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.

Suy niệm: Tại sao hàng ngàn người đến để nghe Gioan Tẩy giả rao giảng? Và điều gì quá bất thường về sứ điệp của ông? Khi Gioan Tẩy giả xuất hiện trước công chúng và bắt đầu nói tiên tri khiến toàn dân Israen phải chú ý. Đã mấy trăm năm rồi kể từ khi vị ngôn sứ rao giảng và làm các phép lạ trong vùng đất Israen. Gioan đã phá vỡ sự im lặng với lời tuyên bố bất ngờ rằng Đấng Messia (Đấng được xức dầu của Thiên Chúa) đã sắp xuất hiện. Thiên Chúa từ lâu đã hứa với dân Người qua các tổ phụ của giao ước cũ (Abraham, Isaac, và Giacop), và qua các ngôn sứ (Isaiah, Jeremiah, Zephaniah, v.v…) và các vị lãnh đạo Israel (Moses, David), rằng Người sẽ gởi đến họ Vị Cứu tinh, Đấng sẽ cứu họ khỏi tội lỗi, giải thoát họ khỏi sự áp bức, ban cho họ niềm vui về sự hiện diện của Người (Zephaniah 3:17), và đưa họ tới vương quốc bình an và công chính vĩnh cửu của Người.

Gioan đem “Tin mừng” cho dân chúng

Người ta đã nhận ra rằng Gioan là một người đặc biệt của Thiên Chúa và là vị ngôn sứ thật sự, người nói nhân danh Thiên Chúa. Họ đến để nghe “tin mừng” (Lc 3,18) mà ông rao giảng cho họ. Và họ sẵn sàng đón nhận phép rửa sám hối của ông ở sông Giodan nơi mà ông rao giảng. Công việc của Gioan là đánh thức người ta khỏi sự ngủ mê và thờ ơ tâm linh và đưa họ về lắng nghe tiếng Chúa và vâng phục các điều răn của Người. Gioan muốn người ta ở trong một trạng thái tốt để đón nhận Đấng Messia và đi theo Người.

Thánh sử Luca đề cập tới hai nhóm đặc biệt đến với Gioan cho sự canh tân tâm linh – những người thu thuế và những người lính Do thái, trực thuộc quân đội Roma để gìn giữ hòa bình. Cả hai nhóm được nhắc tới lại là những người thiếu tư cách và ô uế trong mắt những nhà cầm quyền Do thái và bị đối xử như những người bên lề xã hội. Gioan chào đón họ với đôi tay mở rộng cùng với mọi người khắp nơi đến để lắng nghe “tin mừng” và chịu phép rửa trong nước thanh tẩy của sông Giodan.

Sứ điệp hoán cải của Gioan

Sứ điệp canh tân và hoán cải của Gioan rất thiết thực. Ông nói với mọi người ba điều: Trước nhất là mọi người đi theo Chúa phải chia sẻ những gì họ có (những của cải và tài năng của họ) với tha nhân, đặc biệt với những người thiếu thốn những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Gioan nhận ra rằng đây chính là bổn phận then chốt cho mọi cá nhân và sự thể hiện bên ngoài của điều răn trọng nhất là yêu thương tha nhân như chính mình (Lv 19,18).

Kế đến, Gioan đã chỉ ra bổn phận thánh thiêng là trao cho mỗi người và mọi người những gì họ đáng được hưởng và không được lấy từ họ những gì thuộc về họ. Thiên Chúa truyền lệnh rằng mỗi người phải được đối xử với sự tôn trọng và vinh dự phải được ban cho những ai xứng đáng. Gioan nói với những người thu thuế rằng họ không được ép người ta trả nhiều hơn số tiền mà đúng lý họ phải trả. (Người thu thuế thường kiếm lợi nhuận đáng kể cho bản thân bằng việc chém đẹp người khác). Gioan đã chỉ thị cho những người lính không được lạm dụng quyền lực của mình để buộc người ta trao cho hay làm những điều cho họ mà lẽ ra người ta không cần phải cho hay làm. (Binh lính thường xuyên lạm dụng chức vụ để buộc người ta mang đồ nặng cho họ hay cướp tài sản của người khác). Gioan đã không nói họ từ bỏ nghề nghiệp, nhưng trở nên những người lính tốt lành, thành thật, và lễ phép.

Cuối cùng, Gioan kêu gọi mọi người biết hài lòng với những gì họ có và xa tránh việc tham lam (ước muốn hay chiếm đoạt sai trái) những gì thuộc về người khác. Về cơ bản, Gioan kêu gọi người ta trở về với Thiên Chúa và bước đi trong đường lối yêu thương và công chính của Người.

Lời Chúa có sức mạnh biến đổi chúng ta 

Mỗi khi Tin mừng được loan báo, nó có sức mạnh khơi dậy niềm tin nơi mọi người lắng nghe và trở về với Thiên Chúa. Về phần mình, Thiên Chúa luôn sẵn sàng mở mắt chúng ta trước thực tại thiêng liêng về vương quốc của Người và trước sức mạnh và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng biến đổi chúng ta nên giống Đức Kitô. Bạn có tin rằng lời Chúa là “Tin mừng” cho bạn không? Và bạn có để cho lời Chúa ăn rễ và lớn lên trong bạn và đem lại cho bạn hoa trái của niềm vui, tự do, và sự sống mới trong Chúa Thánh Thần không?

Sứ điệp “Tin mừng” của Gioan khơi dậy nơi nhiều người niềm hy vọng mới và sự mong đợi hân hoan rằng giờ đây chính là giây phút quyết định cho Đấng được xức dầu của Thiên Chúa (sự mong đợi lâu dài về Đấng Messia và Cứu tinh của Israen) đến với quyền năng, công bình, và phán xét để thiết lập vương quyền bình an và công chính của Người. Nhiều người rõ ràng muốn biết Gioan có phải là Đấng Messia của lời hứa, Đấng sẽ giải thoát họ khỏi áp bức không?

Câu trả lời của Gioan thật dõng dạc và rõ ràng – ông chỉ là tiếng kêu của người tiên phong dọn đường cho Đấng Messia đến. Khi Gioan so sánh vị trí của mình với Đấng Messia, Gioan khiêm tốn thú nhận rằng ông coi mình kém hơn cả người nô lệ thấp kém nhất. Công việc của ông đơn giản là khơi dậy sự chú ý của người ta trước lời Chúa, đánh động họ khỏi tính tự mãn, và khơi dậy trong họ ước muốn tốt lành để nhận ra và đón nhận Đấng Messia khi Người đến. Với Gioan Tẩy giả, Chúa Thánh Thần khởi đầu sự phục hồi cho loài người “nên giống Thiên Chúa”, tiên báo những gì sẽ đạt được qua và trong Chúa Giêsu Kitô.

Đấng Messia sẽ làm phép rửa bằng Chúa Thánh Thần và lửa

Phép rửa của Gioan dành cho sự thống hối – từ bỏ tội lỗi và bước đi trên con đường sự sống mới, dựa theo lời Thiên Chúa. Gioan nói rằng Đấng Mêsia sẽ “thanh tẩy bằng Thánh Thần và lửa”. Lửa trong thời Kinh thánh có mối liên hệ với Thiên Chúa và những hành động của Người trong thế giới và trong cuộc đời con người. Thỉnh thoảng Thiên Chúa bày tỏ sự hiện diện của Người bằng việc sử dụng lửa, như bụi gai bốc cháy mà không bị đốt cháy, khi Thiên Chúa nói chuyện với ông Môisen (Xh 3,2). Hình ảnh ngọn lửa cũng dùng để biểu tượng vinh quang của Thiên Chúa (Ez 1,4.13), sự hiện diện che chở của Người (2V 6,17), sự thánh thiện của Người (Đnl 4,24), sự phán xét công minh (Zd 13,9), và cơn thịnh nộ của Người chống lại tội lỗi (Is 66,15-16).

Gioan đã khai triển hình ảnh này với sự minh họa của tiến trình tách lúa ra khỏi trấu. Một cái quạt gió hay cái xẻng được sử dụng cho việc thổi lúa mì bay lên cao. Hạt nặng hơn của lúa sẽ rơi xuống đất, trong khi vỏ trấu nhẹ hơn sẽ bay theo gió. Vỏ trấu lúc đó được thu lại và dùng làm chất đốt (x. Is 21,10).

Ngọn lửa của Chúa Thánh Thần 

Trong Tân ước, hình ảnh ngọn lửa cũng sử dụng để nói về Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ đến để thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi và làm cho chúng ta nên thánh (Mt 3,11; Cv 2,3). Ngọn lửa của Thiên Chúa vừa thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi khơi dậy trong chúng ta lòng kính sợ Thiên Chúa và lời của Người. Và gia tăng lòng ao ước của chúng ta cho sự thánh thiện và cho niềm vui gặp gỡ Chúa khi Người đến.

Bạn có muốn trở nên ngọn lửa cho Thiên Chúa và cho sự trở lại của Chúa Giêsu, khi Người đến trong vinh quang không? Phép rửa của chúng ta trong Đức Giêsu Kitô bằng nước và Thần Khí đem lại sự tái sinh và bước vào vương quốc Thiên Chúa như những người con (Ga 3,5). Đức Giêsu sẵn sàng ban cho chúng ta ngọn lửa Thần Khí của Người, để chúng ta có thể chiếu tỏa niềm vui Tin mừng cho thế giới đang tuyệt vọng, cần đến ánh sáng và chân lý của Chúa. Lời Chúa có quyền năng thay đổi và thánh hóa cuộc đời chúng ta, để chúng ta có thể trở thành ánh sáng chỉ cho người khác biết Đức Kitô, là ánh sáng của thế gian (Ga 8,12). Giống như Gioan tẩy giả, chúng ta cũng được kêu gọi làm chứng cho ánh sáng và chân lý của Đức Giêsu Kitô. Bạn có chỉ cho người khác biết Đức Giêsu Kitô trong cách bạn nói và sống không?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho ánh sáng của Chúa cháy bừng lên trong lòng con, để con có thể nhận biết niềm vui và tự do của vương quốc Chúa. Xin đổ tràn đầy Thánh Thần Chúa trên con và ban sức mạnh để con làm chứng cho chân lý của Tin mừng và chỉ cho người khác biết Đức Giêsu Kitô.

Nguồn: daminhtamhiep.net

* Daily Readings:

https://bible.usccb.org/bible/readings/121524.cfm