
Tác giả: Don Schwager
Nguồn: www.dailyscripture.net
Lm. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD. chuyển ngữ
Tôi sẽ về nhà với cha tôi
Lc 15, 1-3.11-32
1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.2Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai.12 Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con.13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,15nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.21 Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. ..22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.27 Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.29 Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!31“Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”
Suy niệm:
Có điều gì tệ hơn bị xa cách khỏi người mình thương yêu, gia đình, và bạn bè? Nỗi đau của sự xa cách chỉ có thể vượt qua nhờ niềm vui của việc trở về và đoàn tụ. Khi Thiên Chúa ra lệnh cho dân Người mừng lễ Vượt Qua hằng năm, Người muốn họ không bao giờ quên những gì Người đã làm cho họ khi Người giải thoát họ khỏi sự nô lệ và áp bức trong đất Aicập và dẫn dắt họ trở về vùng đất hứa mà Người đã ban như một dấu chỉ của tình yêu và ơn sủng bao la của Người. Vào cuối thời gian đi lang thang trong hoang địa suốt 40 năm, Giôsua, người kế vị của Môisen, đã dẫn dắt dân trong việc cử hành bữa tiệc Vượt Qua sau khi họ đã an toàn vượt qua Sông Giôđan đến vùng đất hứa (Gs 5,9-12).
Ngôi nhà đích thật của chúng ta với Thiên Chúa
Sự vượt qua khỏi vùng đất nô lệ và áp bức này đến vùng đất hứa và tự do là một dấu chỉ tiên báo sự giải thoát đích thật và trở về nhà mà Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta trong vương quốc của Người. Ngang qua sự chiến thắng của Người trên thập giá, Chúa Giêsu đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi và tối tăm, và đưa chúng ta vào vương quốc ánh sáng, sự thật, và tha thứ của Người (Cl 1,13-14). Thiên Chúa ban sự giải thoát này cho tất cả những ai tin vào Con của Người, là Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa không muốn cho ai phải chết (Ed 18,23). Đó là lý do tại sao Người sai Con một yêu dấu của Người đến với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi cảnh nô lệ cho tội lỗi, Satan, và sự chết và phục hồi cho chúng ta sự bình an, niềm vui, và sự sống vĩnh cửu sung mãn với Cha trên trời.
Cha thương xót chào đón người con đã mất về nhà
Ðức Giêsu minh hoạ sự vượt qua cái chết thiêng liêng này tới sự sống và sự nô lệ cho tội lỗi tới sự giải thoát bằng dụ ngôn dài nhất đã được ghi lại trong các Tin mừng (Lc 15,11-32). Điểm chính yếu câu chuyện của Ðức Giêsu về hai người con vô ơn và người cha lạ lùng của họ là gì? Có phải sự tương phản giữa người con vâng lời và người con không vâng lời chăng? Hay sự đón tiếp niềm nở của người cha đối với đứa con hoang đàng và sự đón tiếp lạnh nhạt của người con cả không?
Ðức Giêsu đối chiếu tình yêu thương xót của người cha với phản ứng gay gắt của người anh cả đối với đứa em hư đốn của mình và với bữa tiệc linh đình mà người cha vui mừng dành cho đứa con biết thống hối. Trong khi đứa con hoang đàng phung phí hết tiền bạc của cha, thì tình yêu của người cha dành cho con vẫn không bị sứt mẻ. Người con khi xa nhà đã học biết nhiều điều về chính mình. Anh đã nhận ra rằng người cha đã dành cho cho anh một tình yêu không thể báo đáp. Anh còn học biết về tình yêu sâu thẳm của cha dành cho mình.
Sự thấp hèn tột cùng của anh ta được thể hiện khi buộc phải ăn cám heo và nhớ lại tất cả những gì mình đã đánh mất, dẫn tới sự hối hận và quyết tâm xưng thú tội mình với cha. Trong lúc anh hy vọng làm hòa với cha, anh không thể nào hình dung được sự phục hồi mối quan hệ trọn vẹn. Người cha không cần nói lên những lời tha thứ với người con, những hành động của ông còn nói lớn và rõ hơn nhiều lần! Áo đẹp, nhẫn đeo, và bữa tiệc mừng tượng trưng cho sự sống mới – thanh khiết, xứng đáng, và vui mừng – của những ai trở về với Thiên Chúa.
Được tha thứ và phục hồi sự sống mới
Người con hoang đàng không thể về nhà với sự vô tội, nhưng anh đã được đón mừng và phục hồi lại tư cách của một người con, đã được cha nhớ nhung rất nhiều và yêu thương đặc biệt. Sự thay đổi ấn tượng của người con hoang đàng thay đổi từ nỗi buồn và tội lỗi trước sự tha thứ và phục hồi diễn tả trong ngôn ngữ sống động về sự phục sinh từ cõi chết, mà Đức Giêsu muốn nói với những ai tin vào Người, cuộc tái sinh từ sự chết.
Dụ ngôn cũng phản ánh lòng thương xót và sự đối nghịch của nó là sự không tha thứ. Người cha được coi là sai trái thì đang tha thứ. Nhưng người con cả được coi là tốt lành thì không chịu tha thứ. Sự không tha thứ của anh trở thành sự khinh miệt và kiêu ngạo. Và sự oán giận của anh dẫn tới sự cô lập và tách rời khỏi cộng đồng của những tội nhân đã được tha thứ.
Lòng thương xót và nhân hậu vô tận của TC
Trong dụ ngôn này, Ðức Giêsu đưa ra một hình ảnh sống động về Thiên Chúa và Thiên Chúa là gì. Thiên Chúa thật sự tốt hơn chúng ta. Người không đánh mất hy vọng hay bỏ cuộc khi chúng ta lầm lạc. Người vui mừng trong việc tìm thấy những người lầm lạc và trong việc đón mừng họ về nhà. Bạn có biết niềm vui của sự thống hối và sự phục hồi mối quan hệ với tư cách là một người con của Cha trên trời không?
Lạy Chúa Giêsu, chớ gì con không bao giờ nghi ngờ tình yêu của Chúa hay lạm dụng lòng thương xót của Chúa đã bày tỏ cho con. Xin lấp đầy lòng con tình yêu biến đổi của Chúa để con có thể thương xót như Chúa hằng thương xót.
Nguồn : daminhtamhiep.net
* Daily Readings: