
Tác giả: Don Schwager
Nguồn: www.dailyscripture.net
Lm. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD. chuyển ngữ
Phúc cho ai nghèo khó vì nước TC là của họ
Lc 6, 17.20-26
17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn…. 20 Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.21 “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.22 “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. 24“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.25“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.26 “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.
Suy niệm:
Khi bạn gặp điều bất hạnh, đau khổ, hay mất mát thê thảm, bạn phản ứng thế nào? Với sự sợ hãi hay tin tưởng? Với sự cam chịu tiêu cực hay với niềm hy vọng nhẫn nại và tin tưởng nơi Chúa? Chúng ta biết được qua kinh nghiệm rằng không một ai có thể thoát khỏi tất cả mọi thử thách không thể tránh được của cuộc đời – đau đớn, khổ cực, bệnh tật, và cái chết. Khi Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy cho các môn đệ, người đưa ra “con đường hạnh phúc” vượt trổi mọi khó khăn và phiền muộn có thể đè bẹp chúng ta xuống với đau thương và tuyệt vọng. Đức Giêsu bắt đầu bài giảng trên núi bằng việc nói về vấn đề người ta có thể tìm được hạnh phúc ở đâu. Hạn từ beatitude theo nghĩa chặt là hạnh phúc hay phúc lành. Tuy nhiên, con đường hạnh phúc của Đức Giêsu đòi hỏi một sự biến đổi từ bên trong – sự hoán cải của tâm và trí, mà chỉ có thể xảy ra ngang qua ơn sủng và tác động của Chúa Thánh Thần.
Hạnh phúc đích thật chỉ có nơi Thiên Chúa
Làm sao người ta có thể tìm thấy hạnh phúc trong nghèo khổ, đói khát, khóc lóc, và ngược đãi? Nếu chúng ta muốn được tràn đầy niềm vui và hạnh phúc Thiên đàng, thì chúng ta phải thanh tẩy mình khỏi tất cả mọi điều ngăn cản Thiên Chúa ngự vào tâm hồn mình. Nghèo khó tinh thần có được nhiều cơ hội và niềm vui trong việc chiếm hữu một mình Thiên Chúa như kho báu lớn nhất. Đói khát tinh thần tìm kiếm lương thực và sức mạnh nơi lời và Thần Khí của Chúa. Đau buồn và khóc lóc cho cuộc đời hoang phí và tội lỗi dẫn tới sự tự do phấn khởi thoát khỏi gánh nặng tội lỗi và sự đàn áp.
Các mối phúc củng cố chúng ta trong nhân đức và sự trổi vượt
Thánh Ambrose (339-397 A.D), một giáo phụ và là vị Giám mục thành Milan thời Giáo hội sơ khai, liên kết các mối phúc với 4 nhân đức củng cố chúng ta trong việc sống một đời sống nhân đức luân lý trổi vượt. Ngài viết: “Hãy xem thánh Luca tóm gọn 8 mối phúc trong 4 điều. Chúng ta biết rằng có 4 nhân đức trụ: tiết độ, công bình, khôn ngoan, và can đảm. Người có tinh thần nghèo khó không tham lam. Người khóc lóc không kiêu căng nhưng dễ bảo và im lặng. Người khóc lóc thì khiêm tốn. Người công bình không từ chối những gì mình được ban cho. Người có lòng thương xót cho đi của cải của mình. Người cho đi không tìm kiếm của cải người khác, cũng không bày mưu hại tha nhân. Các nhân đức này xen lẫn và liên kết với nhau, vì thế người có một nhân đức sẽ có các nhân đức khác, và mỗi nhân đức tương ứng với các thánh. Ở đâu có nhân đức, ở đó có lợi ích… Tiết độ có tâm trí trong sạch, công bình có lòng trắc ẩn, kiên nhẫn có bình an, và bền đỗ có tính hiền lành” (Khảo luận về Tin mừng thánh Luca 5.62-63.68).
Không ai có thể sống thiếu niềm vui
Thiên Chúa mạc khải cho kẻ khiêm nhường trong lòng nguồn mạch đích thật của cuộc sống và hạnh phúc sung mãn. Chúa Giêsu hứa với các môn đệ rằng những niềm vui Thiên đàng sẽ nhiều hơn sự đền bù cho những khó khăn và phiền muộn họ có thể mong đợi ở thế gian này. Thánh Tôma Aquinô nói rằng: “Không ai có thể sống thiếu niềm vui. Đó là lý do tại sao người ta bị mất đi niềm vui thiêng liêng, sau những thú vui xác thịt”. Bạn có biết niềm vui và hạnh phúc của sự đói khát một mình Thiên Chúa không?
Lạy Chúa Giêsu, xin gia tăng cơn đói khát Chúa của con, và tỏ cho con thấy con đường dẫn tới hạnh phúc và bình an vĩnh cửu. Chớ gì con khao khát Chúa trên hết tất cả mọi sự khác và tìm thấy niềm vui trong việc thực thi thánh ý Người.
Nguồn: daminhtamhiep.net
* Daily Readings: