Thoáng Nhìn Lịch Sử PT Cursillo

Loyola Gagné, Lm Dòng Thánh Thể
Tủ sách PT Cursillo Gia Nã Đại ngành Pháp ngữ

Dịch giả: Mác-cô Huỳnh Lương

CHƯƠNG 1.1

KHỞI SINH PHONG TRÀO

1. CUỘC NỘI CHIẾN Ở TÂY BAN NHA

Trước hết, chúng ta cần biết: PT Cursillo không phải là thành quả của một sự phát sinh tự nhiên. Vì thế, để hiểu lịch sử và nắm rõ tinh thần của PT cần phải đi ngược dòng thời gian để đặt mình vào hoàn cảnh lịch sử của xứ Tây Ban Nha trong những năm của thập niên 30.

Những ai đã học về lịch sử thế giới thì hẳn còn nhớ đến cuộc nội chiến khủng khiếp đã làm đảo lộn đất nước này suốt từ năm 1936 tới 1939. Tuy nhiên, bài viết này không nhằm tường thuật lại các giai đoạn khủng khiếp của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đó, mà chỉ xin nhắc lại một điều: chế độ Cộng Hòa được thiết lập năm 1931 đã xoá bỏ chế độ quân chủ, để cho ra đời một cuộc cách mạng do Liên xô nuôi dưỡng.

Năm năm sau, tướng Franco ủng hộ nền quân chủ và dựa vào các lực lượng phát-xít quốc tế để nối dậy chống lại quân trung thành với nền Cộng Hòa. Chúng ta cũng biết quân của Franco đã chiến thắng, nhưng đã để lại cho đất nước Tây Ban Nha một xứ sở hoàn toàn đổ nát với cuộc tàn sát hơn 500.000 người!

Thế nhưng, chính quyển Franco đã dành cho Giáo hội Công giáo những quyền thế khó mà tưởng tượng được. Trong những năm đó, thái độ của các giới lãnh đạo trong Giáo hội tỏ ra rất khác biệt, tùy lúc họ ở trong vùng đạo Công giáo bị ngược đãi bởi phe chống giáo sĩ của lực lượng Cộng Hòa (còn gọi là vùng đỏ), hay khi họ ở trong các vùng “quốc gia” của Tây Ban Nha, dưới quyển kiểm soát của Franco.

Đảo Majorca – cái nôi của PT Cursillo nằm trong vùng “quốc gia” này.

Phần lớn trong những xứ sở mà khi xưa đạo Công Giáo đã từng bị bách hại – những kỷ niệm về các vị “tử vì đạo trong các cuộc thánh chiến” vẫn còn sống động – trong số đó nhiều vị đã được Đức Gioan Phaolô II phong Chân Phước – đã gợi lên trong lòng những người Công Giáo thời hậu chiến, một dạng thái độ “ta đây” với nhiều yêu sách, đòi hỏi, có khi còn hung hăng, khiêu khích nữa.

Ở đảo Majorca cũng như ở một vài vùng người Công Giáo khác, chẳng những họ không bị bách hại mà còn hợp tác với hồng quân – ngày nay ở các vùng này họ dường như cảm thấy xấu hổ không dám thực thi quyền thế của họ, bởi vì trong vùng, uy tín xã hội của họ gần như không còn gì cả. Các gia đình Công Giáo truyền thống vẫn tiếp tục duy trì, dù có hay không ý thức tình trạng cô lập đó.

[Đọc tiếp] Chương 1.2
Trang Mục Lục