Thoáng Nhìn Lịch Sử PT Cursillo
Loyola Gagné, Lm Dòng Thánh Thể
Tủ sách PT Cursillo Gia Nã Đại ngành Pháp ngữ
Dịch giả: Mác-cô Huỳnh Lương
CHƯƠNG 1.4
KHỞI SINH PHONG TRÀO
4. EDUARDO BONNIN (1917-2008)
Eduardo Bonnin Aguiló: một cái tên không thể không nói tới trong lịch sử của Phong trào Cursillo. Anh là một trong những giáo dân đã dẫn thân nhiều nhất ngay từ buổi ban đầu và nay còn tham gia các sinh hoạt rất năng động tại đảo Majorca, cũng như cha Gayá tại Madrid. (Bài viết này được viết vào năm 1998, Ông Bonnin mất năm 2008 – thọ 91 tuổi) Ông sinh ngày 04 tháng Năm năm 1917 trong một gia đình thương mại chuyên xuất cảng các thứ hạt và trái cây khô.
Cha mẹ ông có 10 người con, luôn giữ quan hệ với các câu lạc bộ văn chương, vì thực ra vị niên trưởng của nhóm văn học đảo Majorca là Marian Aguiló là bà con với gia đình ông. Từ nhỏ, Eduardo đã được theo học nơi các cha dòng Augustin và trường trung học La-san đảo Palma, đặc biệt là với vài vị giáo sư được gia đình rước về dạy tại nhà để đảm bảo cho ông có được một nền giáo dục đi đúng với đường hướng của Giáo Hội. Cũng nên chú ý rằng Eduardo và các anh em của ông tới tuổi đi học ngay trong thời kỳ chế độ Cộng Hòa; trong lúc đó, các gia đình truyền thống như gia đình ông, cho rằng nền giáo dục thời đó đang bị ô nhiễm, nhuốm đầy những tư tưởng trụy lạc và các tư tưởng này đang xâm nhập ngay trong các trường công giáo… Một lý do khác để biện minh cho quyết định để các con học tại nhà của ông bà Bonnin là tránh cho các con khỏi trở thành nạn nhân của nạn kỳ thị đang hoành hành ở Majorca trong thời điểm ấy. Nạn kỳ thị này bắt buộc những ai xuất thân từ hậu duệ của người Do thái – đã quay về đạo Công Giáo dưới áp lực của thời Tầm Nã Lạc Giáo (Inquisition, giữa thế kỷ XV và XVI) – phải sống biệt lập và cưới hỏi nhau trong giới của mình, mặc dù họ là những tín hữu Công Giáo.
Thế nên Eduardo được giáo dục trong một bầu khí đức tin công giáo thâm sâu nhưng lại trong một môi trường đóng kín, không có quan hệ với bất kỳ ai ngoài những người mà gia đình ông có liên hệ, tức là với giới buôn bán và giới nông thôn trên đảo. Những người biết ông lúc ấy mô tả Eduardo như là một cậu thiếu niên có những nỗi ưu tư lớn về văn hoá và đạo đức, xuất sắc trong cách quan hệ với người khác dù bể ngoài có vẻ rụt rè nhưng thực chất cậu lại rất có khiếu hài hước.
Năm 1937, Eduardo trải qua một kinh nghiệm có ảnh hưởng và quyết định cho cả cuộc đời anh: anh phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Mặc dù trong thời nội chiến nhưng anh không bị đưa ra tiền tuyến mà được tuyển vào làm các công việc hành chính, có lẽ vì khả nắng tri thức của anh mà cũng có thể vì anh có tật chân dẹp – đi khập khiễng (đời lính của anh kéo đài đến 9 năm, cho tới năm 1946). Rời khỏi môi trường cổ kính chật hẹp của đảo, Eduardo nhập ngũ; trong môi trường quân đội, anh tiếp xúc với rất nhiều các tầng lớp của xã hội và với những thực tế thiết thực nhất của thanh niên thời đại. Eduardo đi đến một kết luận – và điều này trở thành yếu tố cơ bản của đời anh – rằng nhìn chung những người lính sống bên cạnh anh ở trong trại, dù là họ sống trong một môi trường phi Kitô hóa (không còn mang danh nghĩa Kitô) và thậm chí còn chống đạo, thì nơi họ vẫn còn giữ nguyên những giá trị của Phúc Âm.
Ngoài ra, anh còn nghĩ rằng xét về mặt cơ bản, những người này còn mang trong mình bản chất Kitô sâu đậm hơn cả những người mang danh là tín hữu Công Giáo trong những môi trường mộ đạo mà anh biết.
Các giá trị Phúc Âm trong những môi trường không phải là Kitô ấy – từ chối nói dối và giả hình, niềm vui hồn nhiên không che dẫu, cởi mở với mọi tầng lớp, biết và tôn trọng giá trị của tình bạn,… – những điều này làm anh rất ngạc nhiên. Thật vậy, không ngạc nhiên sao được, khi một thanh niên từ trước tới giờ được huấn luyện theo quan niệm: xem những người không phải Kitô hữu là những “người ngoại” – tức thực tế là những kẻ thù địch với mình. Để hiểu được điều này ta cần đề cập đến các vấn đề của giới trẻ Công Giáo thời ấy.
Trong những năm đầu của thập niên bốn mươi, ở Tây Ban Nha, giới trẻ đứng vào hai khuôn khổ cơ cấu hoàn toàn cách biệt nhau. Một đàng, là một bộ phận giới trẻ thuộc hạng kinh tế ưu tú, theo học ở các trường đạo và tự thấy một cách hiển nhiên rằng mình có quyền chiếm những địa vị quan trọng của chính quyền do Franco thiết lập. Những phần tử này giữ đạo sốt sắng và gia nhập các Hiệp Hội Thánh Mẫu hay các hội đoàn ưu tú, như Opus Dei. Đàng khác một thiểu số thuộc giới trẻ trung lưu và nhất là ở nông thôn, còn giữ đạo bằng cách cộng tác với hàng giáo sĩ trong các giáo xứ hay các tu viện thuộc các dòng không dạy học và các sinh hoạt đem lại cho họ những giải trí mà thời đó gọi là “không tội lỗi”. Các nhóm này tụ tập nhau lại trong tổ chức CGTH do Đức Giáo Hoàng Pio XI sáng lập. Anh Eduardo Bonnin thuộc về cánh công giáo – xã hội trung cấp này.
Một hôm chủ tịch tổ chức CGTH giới trẻ tại Majorca — kiến trúc sư José Ferragut – đang tìm một người có nhiều ảnh hưởng, thì phát hiện ra anh Eduardo. Ngay những tiếp xúc ban đầu, hai người đã hoàn toàn đồng cảm với nhau vì cùng có những khắc khoải như nhau. Thời ấy, một nhân chứng kể lại rằng, anh lính Bonnin “Lúc nào cũng cầm quyển sách trong tay và lúc nào cũng vui tính”, hai điều này trái ngược hẳn với bầu khí của các doanh trại quân đội ở Tây Ban Nha! Hai đặc điểm ấy – tự học và lạc quan – là hai điều tối cần thiết để du nhập một phong cách hành hương mà cha Aparici muốn khơi dậy. Ferragut đã thành công trong việc thuyết phục anh Eduardo – lúc đó mới 26 tuổi – dự Khoá II Cursillo dành cho các lãnh đạo cuộc hành hương, mà các lãnh đạo toàn quốc của CGTH thời đó sắp tổ chức tại đảo Majorca trong Tuần Thánh năm 1943. Ferragut rất chú ý tới việc lợi dụng dịp này bằng cách yêu cầu Ban Điều Hành dành cho anh Eduardo một cách đối xử thật đặc biệt và tương lai chứng minh đó quả là một sự kiện cơ bản.
Khó mà giải thích một cách ngắn gọn, thế nào là một Khoá Lãnh Đạo. Tuy nhiên cũng cần phải nói đến vì đó là điều rất quan trọng, bởi lẽ để hình thành và hoàn thiện một bức tranh tống thể – sẽ được đưa vào trong cơ cấu của PT ngày nay – chúng ta phải đi từ những mảnh ghép của nhiều yếu tố đơn lẻ. Khoá học ấy (Tiếng Tây Ban Nha gọi là Cursillo) kéo dài một tuần và bắt đầu bằng một cuộc tĩnh tâm trong thinh lặng. Trong tuần đó, vị linh mục điều hợp chỉ đảm bảo thực hiện năm cuộc trò chuyện về một để tài duy nhất – Ân sủng (vì mục đích của khóa học là nhằm đào tạo những người trẻ trong ân sủng của Chúa để đi đến Compostelle); mỗi buổi sáng trước khi nhận lãnh bí tích, người tham dự được nghe một bài suy niệm từ vị linh hướng. Trong khóa học này, một giáo dân đứng đầu được gọi một cách biếm họa là hiệu trưởng và ví những người trẻ này như những sinh viên đại học với sự điều hành của một ê kíp gồm các cộng sự – là các giáo sư. Ba đề tài được triển khai trong chương trình là: cầu nguyện, học tập và hành động, như một chiếc Kiềng Ba Chân, đã được chính Đức Thánh Cha Pio XI chọn làm phương châm cho đời sống đức tin của những người trẻ thuộc CGTH tại nước Ý vài năm trước và sau đó đã trở nên phổ biến trong các tập thể công giáo khác. Theo Rohloff, ba đề tài này đã được dùng lần đầu tiên vào tháng Hai năm 1940.
Ngoại trừ thời gian tĩnh tâm lúc ban đầu, tất cả được diễn ra trong một bầu khí thân mật; ở đây sự chia sẻ không những không bị cấm mà còn được coi là một trong những yếu tố mang lại sự hiệu nghiệm cho khoá. Tất cả các bài hát đạo hoặc dân gian đều được khuyến khích để diễn đạt bầu khí mà người ta muốn có trong cuộc hành hương. Các Tham Dự Viên được chia thành từng nhóm 10 người và gọi các nhóm nhỏ ấy là “Decuria“ (Như trong quân đội La-mã); mỗi nhóm phải bầu ra một chủ tịch và một thư ký. Cứ mỗi buổi chiều từng nhóm sẽ trình bày cho cả tập thể một tờ “báo tường” tóm tắt những điều mà nhóm đã tiếp thu và ghi nhận trong một ngày đã qua. Anh Bomnin đã thể hiện và sống với một tâm tình rất mãnh liệt trong khoá ấy, điều này đánh dấu một bước ngoặc lịch sử không những cho cuộc đời của anh mà cho cả tương lai của PT Cursillo nữa.