SÁCH: NHỮNG NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA SAI ĐI
Lm. Frank S. Salmani
Chương 10
BẢN CHẤT NGƯỜI LÃNH ĐẠO
Lời Chúa:
- Luca 9,23-271
- Timôthê3, 1-13
Tóm Lược:
- Người làm lãnh đạo cho Chúa Kitô có những đức tính mà thế gian thường không nhận ra được.
- Chúa Giêsu kêu gọi các người lãnh đạo có thể làm những việc hy sinh và hãnh diện về những điều mình tin.
- Người lãnh đạo Kitô hữu dù thuộc loại nào cũng phải cân bằng, nhạy bén, chân thật, trung thành với Truyền Thống, nhưng không có ý tự phục vụ mình.
- Kinh nguyện của người Lãnh Đạo kêu gọi những người lãnh đạo có thực chất biết tập trung vào một mục đích, lấy Chúa Kitô làm đích nhắm. Một người lãnh đạo Cursillo phải mặc lấy tinh thần tự hy sinh để giúp làm việc cho lợi ích chung.
- Không ai có thể là một người lãnh đạo có hiệu quả mà không có ân sủng Chúa Kitô và không có Chúa Thánh Thần gia tăng sức mạnh bằng đức ái siêu nhiên.
Chúa Giêsu đã chọn 12 ông để làm tông đồ. Mười hai vị ấy thiết lập nền tảng sứ mạng của Chúa Kitô, một nền tảng chứng nhân tông đồ vẫn còn tiếp tục đến ngày nay. Khi chúng ta nhìn vào đại thể việc hình thành nhóm Mười Hai này, chúng ta không khỏi tự hỏi: “Tại sao lại 12 vị này?” Mười hai vị ấy đâu phải là tinh hoa gì đâu. Hầu hết các vị tông đồ đều thất học, cũng không hề có mặt trong hàng ngũ ưu tú của các đoàn nhóm xã hội thời bấy giờ. Chắc chắn các ngài không hề dính dáng gì tới các nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy cả. Thực ra nếu chúng ta nhìn vào Mười Hai Vị, thì quả là phép lạ khi Tin Mừng được loan đi tận bên ngoài Giêrusalem. Mặc kệ, Chúa Giêsu vẫn chọn 12 vị ấy làm Tông Đồ. Điều gì nơi các vị ấy đã khiến Chúa Giêsu chú ý đến các ngài? Thực ra, khi chúng ta để ý đến sự kiện Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta làm tông đồ chúng ta cũng nên hỏi câu hỏi như vậy đối với chính chúng ta – tại sao Chúa chọn chúng ta? Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã chọn mười hai Tông Đồ và Người cũng kêu gọi chúng ta tiếp tục công việc của Người. Có lẽ chúng ta cần suy niệm về những đức tính nào cần thiết để làm một người môn đệ, một người tông đồ, một người lãnh đạo. Để giúp chúng ta hiểu chương này, chúng ta sẽ cùng nhìn vào ba nguồn tư tưởng: hai nguồn từ Kinh Thánh và một nguồn từ tài liệu Cursillo.
Thứ nhất, chúng ta hãy nhìn vào những đức tính để làm môn đệ mà Chúa Giêsu đã nói rõ trong Phúc âm Thánh Luca đoạn 9, câu 23-27. Có nhiều đức tính thiết yếu được Chúa Giêsu nêu ra. Một là người tông đồ phải từ bỏ mình. Đây không phải là một ý niệm mới. Mọi sự đều có cái giá phải trả. Bất cứ cái gì đáng giá cũng đòi hỏi phải đầu tư thời giờ, tiền bạc, sức lực, tài năng hay tổng hợp các thứ ấy. Mọi sự trong đời sống chúng ta cũng đều là một sự trao đổi. Chẳng có gì là cho không hết. Kìa, hãy xem các lực sĩ Thế Vận Hội. Các thanh niên nam nữ kia đã phải mất hàng ngàn giờ đồng hồ tập luyện những tiết mục biểu diễn để rồi trong nhiều trường hợp cuộc tranh tài chỉ kéo dài chưa tới một phút. Họ hy sinh tất cả để kiếm lấy cái cơ may đoạt Huy Chương Vàng. Hãy nghĩ đến vô số những người làm cha làm mẹ, ngày này sang ngày khác hy sinh tận tụy rất nhiều cho con cái mà ít được tán dương. Họ làm như vậy là vì tình thương dành cho con họ. Sự quên mình là một điều khá thông thường bởi vì khi chúng ta lựa chọn một con đường trong đời sống, lẽ đương nhiên chúng ta sẽ phải hy sinh nhiều thứ.
Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng, người môn đệ phải sẵn lòng vác thập giá mình mỗi ngày. Đi theo con đường Chúa Giêsu đi không phải dễ đâu. Chúng ta sẽ mệt mỏi, sẽ cô đơn và sẽ chán nản. Chúng ta sẽ bị chế giễu vì đức tin của chúng ta, rồi thì có những lúc chúng ta sẽ thấy bổn phận thi hành công việc của Chúa là một gánh nặng. Làm một người môn đệ có nghĩa là thường thường đường đi sẽ không phẳng phiu gì đâu. Đau khổ và thất vọng sẽ là một phần của đời sống. Bởi vậy Chúa Giêsu đã cảnh giác chúng ta coi chừng kẻo mà bán linh hồn đó. Chỉ có mỗi một điều quan trọng trong đời sống là lòng trung tín đối với Thiên Chúa. Chỉ có sự sống mà Thiên Chúa đã sắp sẵn cho chúng ta mới xứng đáng để chúng ta liều bỏ mọi thứ. Khi chúng ta chọn Chúa Kitô làm tâm điểm và lý tưởng của chúng ta, chúng ta sẽ vác thập giá mình mỗi ngày; chúng ta hiểu rằng Chúa Kitô giúp chúng ta vác những gánh nặng khi chúng ta làm môn đệ Người.
Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng bao giờ hổ thẹn vì đức tin của chúng ta. Một người lãnh đạo phải lấy làm hãnh diện về việc mình là một Kitô hữu. Chúng ta chẳng phải xin lỗi ai về việc mình là Kitô hữu, là người Công Giáo, hay là người Cursillistas. Chúng ta cũng chẳng phải xin lỗi ai về điều mà Phong Trào Cursillo tin đó là quan trọng. Lắm khi chúng ta còn đi đến chỗ phải bênh vực những điều thiết yếu của Cursillo trước những người không thể hay không muốn đón nhận tiếng gọi. Là người lãnh đạo PT Cursillo, chúng ta có bổn phận phải kiên định về các điều thiết yếu của PT Cursillo. Chúng ta chẳng có gì mà phải hổ thẹn cả. Người ta sẽ tố cáo chúng ta là cứng nhắc; nhưng đi theo điều chúng ta tin và theo điều đúng thì có phải là cứng nhắc không hay chỉ là vì trung thành?
Thứ hai, chúng ta xem xét Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi ông Timôtê. Chúng ta đọc thấy Thánh nhân nơi chương ba đề nghị những điều kiện để làm người lãnh đạo cho Chúa Kitô. Tuy rằng những tiêu chuẩn vạch ra đặc biệt nhắm vào các giám mục, nhưng phần lớn những điều được đặt ra vẫn rất có thể áp dụng cho người muốn làm tông đồ hay làm lãnh đạo Cursillo. Điều đầu tiên chúng ta cần phải có là sự cân bằng và lòng kiên định. Nhiều khi chúng ta thấy khó lôi cuốn người khác đến với Chúa Kitô và Hội Thánh Người chỉ vì chúng ta thiếu cân bằng và kiên định. Nếu đời sống thiêng liêng chúng ta bị lạc lối và mất ý hướng, chúng ta sẽ không thể nào giúp người khác tìm ra cân bằng và lẽ phải thông thường. Nhiều khi, những kẻ tu hành bị xem là những người “cuồng tín” và mất cân bằng. Đôi khi sự đánh giá này không phải là không chính xác. Vì danh Chúa Kitô, người ta rất dễ mất lẽ phải thông thường. Việc theo Chúa Kitô không làm cho ta lạc lối, nhưng nó mang lại trật tự, ý nghĩa, mục đích và hướng đi cho cuộc sống. Đó là điều mà chúng ta với tư cách lãnh đạo cần phải truyền đạt cho thế giới. Chúng ta phải biết nhìn xa và hiểu rộng. Vì vậy mà việc nghiên cứu môi trường là việc quan trọng, nhờ đó chúng ta có thể xích lại gần các môi trường của chúng ta với tinh thần nhìn xa chứ không phải xông vào đó với chương trình nghị sự của Cursillo hay của Kitô giáo chúng ta.
Một điều kiện khác là chúng ta phải tiếp tục học hỏi về đức tin của chúng ta. Một người lãnh đạo không nên giữ nguyên trạng như người tân tòng. Người lãnh đạo cần tiếp tục cuộc sống Đào luyện để việc hoán cải liên lỉ có thể giúp người lãnh đạo ấy tăng trưởng trong Chúa Kitô. Một người lãnh đạo không nên thốt lên câu này: “tôi không cần nghe cái thứ này nữa“. Một người lãnh đạo phải luôn luôn tìm cách học hỏi nhiều hơn nữa và đào sâu hơn nữa vào mầu nhiệm Chúa Kitô. Vả lại nếu chúng ta tin rằng Cursillo là phương pháp tốt nhứt để đem đạo Chúa Kitô vào thế gian, thì chúng ta phải am hiểu phương pháp của nó nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Hiểu biết “ít ít” là điều nguy hiểm. Cái chúng ta cần là đào luyện liên lỉ.
Người lãnh đạo phải chân thật, lương thiện và công chính. Chúng ta không được lo sợ phải đứng về phía sự thật và bênh vực điều gì đúng. Thật dễ làm yếu đi, sửa đổi, điều chỉnh và thay thế các điều thiết yếu để tạo sự tiện lợi cho chúng ta. Những người lãnh đạo phải tránh chước cám dỗ này. Một khi chúng ta bắt đầu làm xáo trộn các điều thiết yếu, chúng ta thay đổi nguyên trạng những gì thuộc về chúng ta. Đối với đức tin của chúng ta và các điều thiết yếu của Phong Trào Cursillo thì cũng thế.
Cuối cùng, người lãnh đạo không được tham lam. Điều quan tâm của người lãnh đạo cho Chúa Kitô không phải là: “làm cái này có lợi gì cho tôi?” Một người lãnh đạo cần lưu tâm tới những gì mình mang đến cho kẻ khác hơn là những gì mình sẽ được nhận lãnh. Mỗi khi có ai nói: “Cái này chẳng đem lại gì cho tôi cả“, tôi lập tức bảo họ hãy lo mình sẽ đem cho ai cái gì đã. Chúng ta phải cho đi thì mới có mà nhận. Người lãnh đạo là người cho đi, chứ không phải là người lãnh nhận.
Điều mà Phong Trào Cursillo luôn ưu tư là chúng ta cần những người lãnh đạo tốt để tiếp tục thực thi việc Chúa. Chính vì thế, nơi cuối cùng chúng ta có thể tham khảo về những đức tính mà một người môn đệ cần có, đó là Kinh Nguyện của Người Lãnh Đạo. Với những người chưa biết tới kinh nguyện này, tôi xin trích dẫn sau đây:
“Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng Phong Trào của chúng con cần chiều sâu hơn là vẻ hào nhoáng bề ngoài. Xin cho chúng con nhận biết rằng những chương trình màu mè không nhất thiết mang lại thành công. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hy sinh chính mình để có thể hiến dâng mọi sự vì Chúa: thời giờ, khả năng. sức khỏe và ngay cả mạng sống của chúng con khi cần thiết. Xin giúp chúng con can đám trong mọi sáng kiến. khôn ngoan khi chọn lựa những phương tiện tốt, và quyết tâm để báo đảm cho sự thắng lợi, mặc dầu có thể gặp thất bại. Xin loại khỏi chúng con tính ganh đua, tự ái, hành vi thiếu tế nhị, tính tự cao tự đại và bất cứ những gì làm cho chúng con xa cách Chúa, gây chia rẽ hoặc làm nản lòng người khác. Xin Chúa giúp chúng con đối xử với nhau bằng tình bác ái siêu việt trọn vẹn, tương thân tương kính, để mỗi người chúng con biết ưu tiên tìm kiếm những công tác hèn mọn nhất, và vui mừng trước những việc làm tốt đẹp của người khác. Xin cho chúng con biết liên kết trong mục tiêu chung, để quy hướng về một tinh thần duy nhất, đó là tinh thần của Chúa Giêsu. Nhờ tinh thần này, chúng con thấy được sự tốt lành của Thiên Chúa khắc ghi trên gương mặt chúng con, cảm nghiệm được những âm điệu nồng ấm trong lời nói của chúng con, và nhìn ra trong cuộc sống chúng con một ý nghĩa trổi vượt trên thế gian, biểu lộ cho thấy Chúa đang hiện diện giữa chúng con. Amen”
Kinh nguyện này là viên đá tảng của Trường Lãnh Đạo. Nó phác họa mọi thái độ cần thiết một người Lãnh Đạo Cursillo phải có. Đức tính đầu tiên nêu ra là chiều sâu hay thực chất. Mọi thứ hào nhoáng mà không có thực chất chẳng thể nào kích thích sự cam kết gắn bó và bền tâm vững chí. Lắm lúc chúng ta chỉ đo lường sự phát triển về mặt đạo đức và thiêng liêng xuyên qua “lúc lên” và “lúc xuống“, nhưng đời sống không hoàn toàn lúc lên lúc xuống đâu. Chúng ta phải tìm cho được sự cân bằng mà sự cân bằng này chỉ đến khi chúng ta giúp người khác có chiều sâu. Việc chúng ta được mời gọi là điều rất đáng trân trọng. Chúng ta được mời gọi là nhờ mọi người, cho nên chúng ta phải trao cho họ một sứ điệp có thực chất. Chúng ta cảm thấy mình bị xúc phạm như thế nào khi các chính trị gia trao cho chúng ta toàn là tượng trưng thay vì thực chất, lại càng xúc phạm hơn nữa khi Phúc âm bị thu gọn thành một thứ tượng trưng. Người lãnh đạo phải đặt những nỗ lực của mình vào nơi mà mình thấy có thể sinh hoa trái tốt nhất, hoa trái đó đem thế gian về với Chúa Kitô, một thứ hoa trái luôn luôn tồn tại.
Một lần nữa, chúng ta lại nghe nói tới việc cần phải hy sinh chính mình. Nếu chúng ta cam kết làm việc Chúa Kitô. chúng ta phải đi theo Chúa, dựa trên các điều kiện Người đặt ra và sống theo chương trình của Người, chứ không phải của chúng ta. Khi Chúa Kitô là đích nhắm và bản thân chúng ta gạt ra một bên, chúng ta sẽ thấy các nỗ lực của chúng ta sinh nhiều hoa trái hơn. Một người lãnh đạo chỉ biết theo đuổi một mục đích, thì phải cương quyết và can đảm. Làm việc Chúa không phải dễ, nhưng xao lãng thì lại dễ dàng. Tất cả chúng ta đều muốn đi theo Chúa, nhưng lắm khi chúng ta muốn đi theo Chúa dựa trên các điều kiện do chúng ta đặt ra. Nếu chúng ta muốn theo chân Chúa Giêsu, chúng ta không thể tự tạo cho mình con đường riêng để đi. Chúng ta hãy để Chúa Kitô hướng dẫn chúng ta bất cứ nơi nào Người muốn chúng ta đi.
Không có việc nào của Chúa Kitô có thể được hoàn thành mà không có đức ái siêu nhiên. Chỉ nhờ quyền lực Chúa Thánh Thần chúng ta mới có thể cùng nhau làm việc để thực thi sứ mạng của Chúa Kitô. Nghĩa là chúng ta không được phép để cho những quan tâm nhỏ nhặt của ta xen vào nhiệm vụ đang làm. Với tư cách là những người lãnh đạo, chúng ta phải làm việc với nhau nhắm cùng một mục đích chung. Chương trình riêng của chúng ta, những cảm nghĩ hay các nhu cầu của chúng ta không thể là thước đo công việc chúng ta làm. Nhiều khi chúng ta phải dẹp qua một bên các nhu cầu và những mối bận tâm của chúng ta để chỉ làm công việc Chúa đặt ra trước mặt chúng ta mà thôi. Bất kỳ lúc nào chúng ta làm việc với tư cách là người tông đồ, chúng ta không bao giờ làm một mình. Luôn luôn đó là phần việc của cả cộng đồng đức tin. Một trong những điểm lý thú liên quan đến sự phục sinh của Chúa Kitô, đó là cộng đồng đức tin đã công nhận giá trị của kinh nghiệm. Đó không phải là lời nói của một hai người. Nhưng chính cộng đồng đức tin đã cùng cảm nghiệm sự sống lại của Chúa và đã làm cho sứ điệp loan truyền được thêm vững mạnh. Vì vậy mà Thánh Phaolô bảo Giáo Hội ở Côrintô hãy tìm hỏi các chứng nhân khác về sự phục sinh của Chúa. Thánh nhân bảo họ đừng chỉ có tin lời ngài về việc đó, bởi vì ngài chỉ rao giảng những gì Thiên Chúa truyền xuống cho ngài. Nói cách khác, đó không phải là kinh nghiệm riêng cá nhân chúng ta về Chúa Kitô hay về Cursillo mà làm cho sứ mạng của chúng ta có giá trị, nhưng chính là cộng đồng cùng hiệp thông với nhau trong đức tin và trong khi làm việc.
Trong khi làm việc, chúng ta cũng được hiệp nhất với Thần Linh Thiên Chúa. Người lãnh đạo không được quan tâm đến quyền lực, tầm quan trọng, hoặc để được chú ý. Bằng đức tin, chúng ta tin rằng điều thiện của mọi người sẽ được thực hiện cùng với nhau vì sự thiện hảo của Thiên Chúa. Có như vậy chúng ta mới thực sự sống các Nhiệm tích. Chúng ta sẽ sống điều chúng ta tuyên xưng và hãy để cho các hành động của chúng ta tự biểu lộ. Bấy giờ các hành động của chúng ta sẽ sinh hoa kết trái. Bao lâu chúng ta còn để cho ân sủng hoạt động trong chúng ta và bao lâu chúng ta còn đặt Chúa Kitô lên hàng đầu trước cả chính bản thân chúng ta, bấy lâu chúng ta sẽ hoàn thành nhiều việc lớn lao cho Chúa. Điều này đúng khi hành động với tính cách cá nhân, và đặc biệt khi hành động với tư cách một cộng đồng của các người lãnh đạo Cursillo. Rõ ràng làm một người lãnh đạo không phải dễ. Đi theo Chúa Kitô không bao giờ là một chuyến đi trơn tru. Trên đường đi chúng ta gặp bao chước cám dỗ, Satan ghen ghét bất cứ điều gì từ Thiên Chúa mà đến, cho nên nó luôn tìm cách phá vỡ mọi chương trình của Chúa. Nó còn tìm cách làm cho các Kitô hữu chống báng nhau. Chia rẽ để chiếm đoạt, đó là phương cách hành sử của quý Satan. Chúng ta cũng sẽ gặp nhiều thất bại cá nhân, cũng như trong nhiều trường hợp không đạt kết quả nào đáng được nhìn nhận . Tuy nhiên, những điều ấy không ngăn cản chúng ta nghe theo tiếng gọi, bởi vì chúng ta có được một thứ có khả năng đánh bại mọi chướng ngại – đó là ân sủng Chúa. Sứ mạng mà Chúa Kitô giao phó cho chúng ta là công việc của ân sủng, và nhờ ân sủng Chúa, chúng ta sẽ hoàn thành cho Chúa các thành quả vượt ngoài giấc mơ của chúng ta.
Câu hỏi để suy niệm / thảo luận:
- Dựa vào những điều kiện để làm lãnh đạo do Chúa Giêsu đề ra, trong các Thánh Thư mục vụ và Kinh Nguyện của người lãnh đạo, thì tôi thuộc loại lãnh đạo nào? Tôi cần làm gì để tiếp tục thực thi công việc?
- Những đức tính lãnh đạo nào dễ thực hiện nhất? Những đức tính lãnh đạo nào khó thực hiện nhất?
- Điều gì ở nơi tôi Thiên Chúa thấy được khiến Người muốn gọi tôi trở thành tông đồ?
- Những đức tính lãnh đạo nào là chính yếu nhất để làm một người lãnh đạo Cursillo?