SÁCH: NHỮNG NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA SAI ĐI
Lm. Frank S. Salmani

Chương 12

NHỮNG PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO

Lời Chúa:

  • Rôma 13, 1-7 1 
  • Côrintô 12, 1-11

Tóm lược:

  1. Ngay cả trong một cộng đồng của Hội Thánh cũng cần có một thứ cơ cấu và trật tự nào đó.
  2. Phong cách lãnh đạo độc đoán thì cần thiết cho các vấn đề tín lý, đức tin và những điều cốt yếu.
  3. Loại quản trị tham vấn thì cần thiết khi một cộng đồng xét đến việc thay đổi chính sách có ảnh hưởng đến hướng đi của cộng đồng ấy.
  4. Phong cách lãnh đạo thông phần được xem là cách tốt nhất để ủy thác cho một ủy ban thực hiện các nhiệm vụ và trách nhiệm. Ở đây toàn khối công việc và trách nhiệm được chia sẻ cho mọi người.
  5. Trong những vấn đề thường lệ ngày này sang ngày khác, chỉ cần một sự đồng thuận cho toàn cộng đồng là công việc được vận hành trôi chảy.
  6. Điều quan trọng nhất không phải ở tại nơi người có quyền bính, mà là ở tại nơi mỗi người có chu toàn phần vụ của mình một cách tốt nhất mà mỗi người có thể làm được hay không.

Chúng ta được gọi làm người lãnh đạo theo một cung cách nào đó và chúng ta được Chúa Thánh Thần trợ lực để lãnh đạo bằng việc phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, trong lãnh đạo cũng có những cấu trúc và tổ chức khác nhau. Khi chúng ta cùng gặp gỡ nhau dù chỉ hai ba người, chúng ta cũng phải đề ra một số nguyên tắc nội quy. Trong Giáo Hội từ buổi đầu sơ khai, cũng đã phát triển một cấu trúc lãnh đạo rõ ràng. Để hoàn thành mục tiêu của chúng ta, trong Phong Trào chúng ta cần phải áp dụng một phong cách lãnh đạo nào đó. Để xác định một kiểu mẫu lãnh đạo tốt nhất, chúng ta lại một lần nữa hãy tham khảo sách của Tiến sĩ Peck trong đó ông mô tả bốn phong cách lãnh đạo hay bốn cách thức sử dụng quyền lực. Để tôn trọng công trình của Tiến sĩ Peck, chúng ta sẽ dùng thuật ngữ mà ông ấy dùng. Tuy có vài kiểu nói có lẽ không thích hợp mấy, song những ý tưởng căn bản vẫn xác thực.

Thứ nhất là phong cách quản trị độc đoán. Đơn giản lắm. Trong cấu trúc lãnh đạo độc đoán, nhân vật chóp bu tự mình quyết định mọi sự và chỉ việc đưa quyết định xuống cho thuộc cấp thi hành. Không hề có đối thoại hay thảo luận. Mọi quyền quyết định đều nằm trong tay một người. Theo kiểu quản trị này, hướng trao đổi đối thoại chỉ có một chiều mà thôi, đó là xỉa xuống. Chẳng ai được phép hỏi gì cả, mà chỉ triệt để chấp hành các quyết định từ trên đưa xuống. Ngày nay trong nhiều tố chức, phong cách lãnh đạo này hầu như không còn hiện hữu nữa (lý do vì sao thì đã quá rõ rồi). Trong cách lãnh đạo này, người đứng đầu lúc nào cũng đúng cả. Các quyết định không bao giờ bị thách đố hay chất vấn bởi vì người lãnh đạo hẳn đã biết cái gì là cái tối ưu, nếu không thì vị ấy đâu còn ngồi ở địa vị quyền lực như thế.

Thứ hai, có một phong cách lãnh đạo gọi là quản trị tham vấn. Nhìn chung thì giữa kiểu lãnh đạo này với kiểu cách thứ nhất không khác nhau lắm. Cái nổi bật của cách lãnh đạo này là nhân vật có quyền bính có tham khảo một vài thuộc viên trước khi ban hành một quyết định. Vị đứng đầu không buộc phải tham khảo ý kiến của hết mọi người, mà chỉ chọn một vài người để tham khảo. Vị ấy cũng tự mình định ra người nào và bao nhiêu người để mà tham khảo, cũng như quyết định những điều gì được tiết lộ cho những người khác. Và cũng chỉ người đứng đầu mới ban cho thuộc viên nào quyền được cho ý kiến, nhưng chỉ trong phạm vi hiểu biết liên quan đến điều được nêu ra cũng như trong phạm vi góp ý về vấn đề mà nhân vật đứng đầu cho phép mà thôi. Nói cách khác, khi vị đứng đầu tham khảo ý kiến, thì việc tham khảo ấy phải hoàn toàn là việc riêng của vị ấy. Nhưng khi đã hỏi ý kiến rồi, thì nhân vật có quyền bính hoàn toàn tự do chấp nhận mọi ý kiến đã tham khảo hay chỉ vài ý kiến thôi hoặc cũng có quyền không chấp nhận ý kiến nào cả. Người đứng đầu chỉ lướt qua vài ý kiến của người được tham khảo.

Thứ ba, phong cách lãnh đạo thông phần. Trong cách quản trị này, nhân vật có thẩm quyền có trao đổi đối thoại với các thuộc viên, và các thuộc viên trao đổi đối thoại với nhân vật lãnh đạo, nhưng bây giờ các thuộc viên cũng có trao đổi đối thoại với nhau nữa. Phong cách này Công Đồng Vaticanô II gọi là “chia sẻ trách nhiệm” Không phải cái gì cũng từ chóp bu mà đến hay được thi hành cũng từ chóp bu. Trong loại lãnh đạo này, nhân vật thẩm quyền vừa chia sẻ khối lượng công việc, mà cũng vừa tìm cách làm sao cho các quyết định được thông tri rõ ràng hơn. Người đứng đầu vẫn có tiếng nói tối hậu, và vị ấy cũng có thể không nghe theo bất cứ điều gì đã quyết định, nhưng vẫn chia sẻ cho thuộc viên nhiều tín cẩn và trách nhiệm hơn. Trong phong cách lãnh đạo này, việc thay thế nhân vật chóp bu cũng sẽ dễ dàng hơn bởi vì còn có nhiều người hơn nắm vững những vấn đề trong tổ chức. Phạm vi hiểu biết cho phép của tổ chức không chỉ giới hạn cho một người hay một thiểu số rất chọn lọc. Đây là loại lãnh đạo khó khăn hơn bởi vì người đứng đầu phải nhường một số quyền hành, và trong khi đó những thuộc viên phải cáng đáng nhiều trách nhiệm hơn. Kể công trạng hay khiển trách một người thì chưa đủ và cũng không hợp tình hợp lý, cho dầu người đứng đầu vẫn có quyền quyết định tối hậu. Đây là một kiểu mẫu lãnh đạo có màu sắc dân chủ hơn, tuy cộng đồng đa số không thể “đảo ngược” quyền phủ quyết của người lãnh đạo.

Cuối cùng, có một phong cách lãnh đạo gọi là đồng thuận. Loại này khác với kiểu lãnh đạo dân chủ, bởi vì các quyết định không cần thông qua một cuộc bỏ phiếu, nhưng chỉ cần ai nấy đều tán đồng với nhau về một đường lối hành động nào đó và ai nấy cùng ủng hộ đường lối hành động ấy. Ví dụ, nếu chúng ta bầu ông Tổng Thống Bill Clinton bằng sự đồng thuận, thì điều ấy có nghĩa là hết thẩy chúng ta đều cùng đồng ý cho ông ta trở thành vị tổng thống kế tiếp; nhưng bởi vì chúng ta không bầu cử tổng thống bằng sự đồng thuận, thì người ta có quyền nói: Đừng ai trách tôi nhé? Tôi đã bầu cho ông George Bush kia mà! Trong đồng thuận, mọi thành viên của một nhóm đều sẵn sàng ủng hộ những quyết định đã ra, bất luận có người đồng ý hay không đồng ý. Đây rõ ràng là một phong cách lãnh đạo khó chu toàn nhất, bởi vì không dễ gì quy tụ mọi người trong một nhóm hoàn toàn ủng hộ một người nào hay một điều nào mà một số người đặt thành vấn đề.

Còn Giáo hội sinh hoạt như thế nào? Hầu hết mọi người nhìn nhận rằng trong nhiều trường hợp Giáo Hội tổng hợp cả hai phong cách lãnh đạo – lãnh đạo tham vấn và lãnh đạo thông phần, tùy theo người lãnh đạo. Những vị lãnh đạo càng bảo thủ càng thích mẫu lãnh đạo tham vấn, còn những vị lãnh đạo càng cấp tiến hay càng khoan dung thì càng thích ủy nhiệm quyền hành hơn và càng không cần nhúng tay vào mọi quyết định hay mọi hành động. Giáo Hội “cơ chế” và những cộng đồng càng theo truyền thống càng thường có khuynh hướng đi theo kiểu lãnh đạo tham vấn, còn các Giáo Hội địa phương và các cộng đoàn nhỏ thì thích áp dụng cách lãnh đạo thông phần tức là chấp nhận sự tham gia của nhiều người hơn.

Với Phong Trào Cursillo, và cách riêng với Trường Lãnh Đạo, phong cách lãnh đạo nào thích hợp nhất ? Nói chung, người ta có khuynh hướng (ít ra trong lý thuyết) áp dụng loại lãnh đạo theo sự đồng thuận vì chúng ta toàn là những người lãnh đạo cả. Nhưng đây cũng là một phong cách lãnh đạo rất khó chu toàn. Nó có nghĩa là phải hỗ trợ lẫn nhau và luôn hiện diện cho nhau. Nó có nghĩa là phải trở nên một cộng đồng cùng một ý chí, một tấm lòng, một tinh thần và một tâm thức. Thánh Phaolô dùng hình ảnh “thân thể” thật là thích hợp, vì hình ảnh đó phù hợp với cách lãnh đạo theo phương cách đồng thuận. Toàn thể các cơ phận của thân thể phải hành động với nhau để cho cả thân thể vận hành. Nếu một chi thể nổi loạn hay vài chi thể không góp phần hỗ trợ, thì toàn thân ắt ngưng hoạt động.

Thực ra, tôi tin rằng, để cho Cursillo hay Giáo Hội hành động đúng mức, cả bốn phong cách lãnh đạo đều cần đến, tùy từng lúc khác nhau. Ví dụ, trong các vấn đề đức tin, giáo lý và những điều cốt yếu, thì không thể có chuyện tranh cãi với nhau được. Những đấng thẩm quyền có trách nhiệm phải bảo toàn sự tinh tuyền của tín lý. Những điều cốt yếu không nên đưa ra tranh cãi hay thảo luận. Một khi những vấn đề căn bản của đức tin và tín lý bị làm sai lạc, thì nhiệm vụ của đấng thẩm quyền là quyết định ngay, bất kể quyết định ấy có được lòng hay không. Còn “những kẻ thuộc quyền” thì có bổn phận phải nhanh chóng tuân thủ cái gì là căn bản của Giáo Hội hay của Phong Trào Cursillo. Trong những thay đổi về đường lối hay chính sách ảnh hưởng tới hướng đi của Phong Trào, điều quan trọng là phải tìm cho ra ngọn ngành, tham khảo ý kiến của kẻ khác. Đó là cách Văn Phòng Điều Hành phải sinh hoạt. Văn Phòng Điều Hành phải giúp đỡ vị giáo dân Chủ Tịch VPĐH/GP và vị Linh Hướng là những người đang hướng dẫn Phong Trào tiến bước. Sự góp ý này rất quan trọng để cho Phong Trào được phát triển. Tuy nhiên, Văn Phòng Điều Hành không có quyền thay đổi những điều cốt yếu, bởi vì không có phong trào nào trong Giáo Hội hay giáo xứ cá biệt nào được tự mình tách khỏi những điều cốt yếu hay thẩm quyền của Giám Mục hay Giáo Hoàng.

Để thực thi các nhiệm vụ đa dạng của Phong Trào Cursillo, kiểu mẫu lãnh đạo thông phần là cần thiết. Có nhiều nhiệm vụ thuộc trọng trách của những cá nhân hay các ban khác nhau. Đó là mục đích của các khối hay ủy ban đặc trách Tiền Cursillo, Khóa Cursillo, và Hậu Cursillo. Những người lãnh đạo này nhận lãnh các trách nhiệm khác nhau để giúp giữ cho Phong Trào Cursillo vận hành. Một lần nữa, một cá nhân hay một ban ngành không có quyền đặt ra chính sách đường lối hay thay đổi những điều cốt yếu. Các cá nhân và các ban ngành có nhiệm vụ giúp thực hiện công việc quan trọng của Phong Trào. Trong các vấn đề và tình huống xảy ra hàng ngày, cần phải có sự đồng thuận để giúp giữ cộng đồng vận hành như một khối hiệp nhất.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất không phải là vị trí của quyền bính mà là nhiệm vụ. Như chúng ta đã đề cập trước đây, việc thực hiện sứ mạng của Chúa Kitô, dù là ở trong Phong Trào Cursillo hay trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chẳng ăn nhập gì tới địa vị của chúng ta trong Giáo Hội hay trong xã hội. Điều quan trọng hơn cả là thực thi việc của Chúa, kết hợp thành một ý chí và một tâm hồn, và chỉ nghĩ rằng chúng ta thực thi công việc của Chúa Kitô không phải cho chính chúng ta mà là cho Chúa và vì lợi ích cho nhân loại. Trong bất cứ cộng đồng nào cũng đều phải có một tôn ti lãnh đạo, nhưng bất kể địa vị của người lãnh đạo là như thế nào, công việc của Chúa Kitô vẫn phải được hoàn thành. Mọi người phải thực hiện phần vụ của mình, cũng giống như mỗi phần thân thể phải vận hành đúng cách để cho thân thể được tồn tại. Bao lâu chúng ta còn làm việc cho Chúa Kitô và cùng làm chung với nhau, thì bấy lâu chúng ta đều có thể làm tất cả mọi sự cho Chúa Kitô, cho Giáo Hội hay Trào Cursillo.

Câu Hỏi Để Suy Niệm/ Thảo Luận:

  1. Phong cách lãnh đạo nào đang được áp dụng trong Giáo Hội ngay bây giờ?
  2. Phong cách lãnh đạo nào hữu hiệu nhất trong một Trường Lãnh Đạo?
  3. Tại sao cả bốn phong cách lãnh đạo thỉnh thoảng đều cần thiết trong bất cứ cộng đồng nào?
  4. Mỗi phong cách lãnh đạo được hành xử hay hoặc dở ở chỗ nào trong phạm vi Giáo Hội và Phong Trào Cursillo?

Mục Lục – [Sách] Những Người Môn Đệ Chúa Sai Đi

Chương 13 – Những người môn đên Chúa sai đi