SÁCH: NHỮNG NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA SAI ĐI
Lm. Frank S. Salmani
Chương 17
NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC
Lời Chúa:
- Gioan 16: 20-25
- Rôma 15: 7-13
Tóm Lược:
- Niềm vui là một quà tặng của Chúa Thánh Thần mà chúng ta không thể tìm thấy ở những người và những sự vật bên ngoài.
- Chúng ta không thể tìm thấy niềm vui trong khi làm việc Chúa, nếu chúng ta không mang theo niềm vui ấy khi chúng ta làm việc Chúa.
- Chúng ta có được niềm vui là nhờ cảm nghiệm cuộc sống viên mãn trong hiện tại, trong khi ý thức được rằng mỗi một giây phút đều tràn đầy ân sủng và sự hiện diện của Thiên Chúa.
- Chúng ta dễ lẫn lộn giữa những khoái cảm cao độ về mặt thiêng liêng với niềm vui. Những khoái cảm ấy thường làm vướng chân niềm vui.
- Các người lãnh đạo Cursillo mang niềm vui tới bất cứ việc gì họ làm, rồi thì chiếu tỏa niềm vui ấy cho kẻ khác.
Nhiều người trong chúng ta đã nghe một trong các thuyết trình viên Khóa Ba Ngày Cuối Tuần nói rằng: Làm gì có chuyện một vị thánh buồn. Buồn sầu và lo âu không phải là những từ ngữ trong bộ từ vựng các thánh. Các Thánh là những đấng tràn đày niềm vui của Chúa, cùng một niềm vui mà Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ khi Chúa nói với các ngài rằng Người sẽ chia sẻ niềm vui của Người với các ngài ngõ hầu niềm vui của các ngài nên trọn vẹn. Niềm vui đó là gì và từ đâu đến? Chúng ta hãy bắt đầu với vài suy tư của Cha Anthony De Mello sau đây…
“Nếu bạn muốn biết hạnh phúc nghĩa là gì bạn hãy nhìn một cánh hoa, một con chim, một đứa trẻ mà xem ….. chúng sống lúc này sang lúc khác với một hiện tại vĩnh hằng, không có quá khứ cũng không có tương lai …. Chúng tràn đầy niềm hoan lạc để sống, chúng tìm niềm vui trong chính sự sống hơn là trong người này vật nọ. Bao lâu niềm hạnh phúc của bạn còn do người này vật nọ bên ngoài tạo nên, bấy lâu bạn còn ở trên mảnh đất của thần chết. Ngày nào bạn được hạnh phúc không vì bất cứ lý do gì, ngày ấy bạn thấy mình có được niềm vui trong mọi sự và cũng không cần dựa vào cái gì cả, bấy giờ bạn sẽ biết bạn đã tìm ra mảnh đất của niềm vui vô tận gọi là nước Chúa… Ngược với điều mà văn hóa và tôn giáo đã từng dạy bạn, đó là tuyệt đối không gì có thể làm cho bạn hạnh phúc“.
Ai cũng ước ao được cảm nghiệm niềm vui. Nhưng xem ra niềm vui đang trốn tránh nhiều người. Do đó, chúng ta cần làm sáng tỏ niềm vui là gì và cái gì không phải là niềm vui. Chúng ta hãy mô tả niềm vui không phải là cái gì trước đã.
Như De Mello nêu trong đoạn văn trên, chẳng có gì và cũng chẳng có ai có thể làm cho chúng ta hạnh phúc hay cho chúng ta niềm vui cả. Nhiều người tốn phí quá nhiều thời giờ để chờ đợi người này, vật nọ mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mình, nhưng niềm vui và hạnh phúc lại chẳng bao giờ đến. Là vì niềm vui không thể nào đến từ những nguồn bên ngoài. Niềm vui phải được chiếm hữu trong con tim hoặc không có gì cả. Tôi nhớ một câu truyện về một người đàn ông thường trông thấy một gã thanh niên ngày này sang ngày khác cứ đi câu cá ven bờ hồ. Một ngày nọ, người đàn ông dừng lại nói với chàng thanh niên câu cá:
- Coi bộ cậu phí thời giờ nhiều lắm đấy? Cậu nên tìm những công việc gì khác đi". Chàng thanh niên hỏi: - Chẳng hạn việc gì cơ? - Bạn nên đi tìm một công ăn việc làm ổn định. - Để làm gì cơ? - Thì để tậu một cái nhà hay sắm cái gì làm của chẳng hạn. - Để làm gì? - Để một ngày nào đó cậu cưới vợ và có nhà mà ở. - Để làm gì? - Để xây tổ ấm cho chính cậu và vợ cậu. - Để làm gì? - Để ngày nào đó cậu sẽ về hưu, sẽ hạnh phúc, sẽ nghỉ ngơi và sẽ tận hưởng cuộc sống. Chàng thanh niên câu cá bèn đáp: - Tôi đang làm những điều đó đây này.
Có lẽ chàng thanh niên trong câu chuyện này gàn, vô trách nhiệm đấy, nhưng điểm muốn nói ở đây là nếu chúng ta không hạnh phúc với cuộc sống ngay bây giờ, chúng ta sẽ chẳng bao giờ được hạnh phúc. Một tâm hồn bất an, thường xuyên buồn bã, đắng cay, sẽ chỉ làm cho việc “đeo đuổi” niềm vui vốn đã vô nghĩa lại càng vô nghĩa thêm mà thôi.
Thỉnh thoảng chúng ta tìm cách giũ bỏ điều bất hạnh bằng cách ép những người hay vật xung quanh phải thay đổi. Chúng ta nói nhiều về thay đổi môi trường, nhưng cái đổi thay trong các môi trường của chúng ta sẽ không làm cho chúng ta hạnh phúc. Chúng ta phải mang hạnh phúc đến các môi trường chúng ta trước đã. Nếu chúng ta không kết nghĩa với các môi trường của chúng ta, mà trái lại chỉ tự đặt chúng ta lên trên môi trường, thì các môi trường chúng ta sẽ không thay đổi trở nên khá hơn, và những thay đổi cũng chẳng cho chúng ta niềm vui nào. Chúng ta chỉ chuốc lấy thất vọng nhiều hơn mà thôi, và rồi chẳng có gì sẽ thay đổi cả. Chúng ta cứ tin rằng các môi trường có thể thay đổi bởi vì chúng ta đã đổi thay. Đáng lý chúng ta phải gây ảnh hưởng trên môi trường chứ không phải để môi trường ảnh hưởng trên chúng ta.
Những lúc khác, người ta cố tìm cho được niềm vui bằng cách sống trong quá khứ hoặc tương lai. Họ hồi tưởng “những ngày vàng son xa xưa“, rồi cảm thấy huy hoàng biết bao khi trở lại với những ngày ấy. Đúng thế, những ngày vàng son xa xưa ấy có thể huy hoàng thật, nhưng cuộc sống vẫn cứ tiếp tục đi [chứ không lùi lại được] Chúng ta đâu thể nào vặn ngược chiểu kim đồng hồ [bắt nó lùi lại]. Cũng vậy, chúng ta có thể sống trong tương lai, đợi chờ một ngày mai tốt đẹp hơn, nhưng để rồi nhận ra rằng ngày mai chẳng bao giờ đến. Trong cả hai trường hợp, chúng ta bỏ phí quá nhiều thời giờ cho quá khứ và tương lai đến nỗi bỏ lỡ hiện tại hoàn toàn. Khi chúng ta có được niềm vui, thì mỗi một ngày, mỗi một khoảnh khắc đều là ân sủng và là quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta không cần ngoảnh nhìn lại những thời điểm vàng son hay hy vọng một cái gì tốt đẹp hơn trong tương lai. Niềm vui phải được sống hiện tại, sống ngay giây phút tràn đầy ân sủng này. Lại nữa, bởi vì cuộc sống không hề dậm chân tại chỗ, cho nên niềm vui cũng không tăng trưởng được nếu chúng ta cố bám giữ nguyên trạng. Mỗi một khoảnh khắc đều mới mẻ và độc đáo, và nó có thể đem lại nhiều cơ hội kỳ diệu cho những ai mở rộng lòng đón Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta cứ ở trong tình trạng bị kết chặt, cuộc sống sẽ qua mặt chúng ta và chúng ta sẽ thấy mình đã đi giật lùi.
Cuối cùng, niềm vui không phải là một thứ kho tàng hão huyền mà chúng ta phải tìm. Niềm vui đang ở trước mặt chúng ta đó. Chúng ta chỉ cần mở rộng cõi lòng chúng ta ra để đón nhận những gì mà cuộc sống đang trưng bày ra cho chúng ta. Niềm vui không phải là một thứ ngạch trật hay đẳng cấp của thành tích mà chúng ta đạt được bằng tham vọng. Niềm vui đến với chúng ta một cách lặng lẽ: thường thường không hề có báo trước. Thực ra, chúng ta càng khổ công để “cố” đạt hạnh phúc và niềm vui, thì chúng ta càng khổ công để cảm nghiệm được niềm vui thật sự…
“Thánh Thiện không phải là một thành tích, mà là một ân sủng về ý Thức, ân sủng về Lưu Ý, về Quan sát Và Về Hiểu Biết. Nên bạn chỉ bật sáng ý thức bạn lên và tự quan sát mình và cùng quan sát mọi sự xung quanh bạn trọn ngày một cách chính xác. rõ ràng, đúng đắn không bóp méo, hoặc thêm bớt thì bạn sẽ cảm nghiêm được mọi thứ đổi thay kỳ diệu đang xẩy ra trong con người bạn.”
Niềm vui không hề lẩn trốn hay tránh né như chúng ta tưởng. Nhiều lúc chúng ta cố tìm cho được niềm vui mà lại tìm sai chỗ. Bây giờ chúng ta hãy nói đến niềm vui là gì. Niềm vui là một cảm nghiệm hoàn toàn không thể hiểu thấu được. Tìm cách giải thích niềm vui cho một người chẳng khác gì tìm cách giải thích vì sao chúng ta có đức tin. Không hề có những lý do hữu hình nào — chúng ta chỉ cảm nghiệm cuộc sống theo cách chúng ta cảm nghiệm chính cuộc sống ấy. Không hề có công thức ma thuật nào cả. Thật ra, niềm vui liên kết rất nhiều với đức tin, bởi vì như chúng ta có thể có đức tin mà không cần đến bằng chứng hiển nhiên hữu hình nào, cũng vậy, chúng ta cũng có thể cảm nghiệm niềm vui mà không cần nại đến lý do vì sao chúng ta vui. Có nhiều cụ già và đặc biệt nhiều người bị bệnh nan y ở giai đoạn cuối, họ vẫn tỏ ra bình thản như không hề có chuyện gì sắp xảy đến cho họ, họ vẫn tràn đầy niềm vui thật là lạ. Vậy thì làm sao có thể được như thế? Có lẽ đây là bằng chứng cho thấy những hoàn cảnh bên ngoài không thể tạo được niềm vui hay làm thiếu vắng niềm vui. Có được niềm vui nghĩa là được an toàn trong tư cách chúng ta là ai và chúng ta làm gì. Còn hoàn cảnh xung quanh chúng ta thì không thành vấn đề. Đó là vì niềm vui đến từ nội tâm, chứ không phải từ bên ngoài…
“Niềm vui của Thiên Chúa không phải là thứ bóng thiêng liêng. Nó không ở tại cái gì gọi là cảm thấy sung sướng … Khi Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm vui của Ngài, nghĩa là khi Người ngự đến với chúng ta và ở cùng chúng ta, Người ngự nơi thâm sâu nhất, quả thực thâm sâu đến nỗi chúng ta không thể luôn luôn nhận thức được sự hiện diện của Người. Chính niềm vui của Thiên Chúa trong chúng ta phát triển dần dần nhưng chúng ta không nhận ra được, đó mới là điều quan trọng. Bất kể chúng ta có những bộc phát về cảm xúc làm rung động chúng ta hay không điều đó không đáng kể mấy… Niềm vui của Thiên Chúa vẫn thường giấu kín tựa như hạt cải giống gieo xuống đất; vì thế, niềm vui ấy cũng đang ở chung quanh chúng ta, nhưng được giấu kín dưới hình thức này hay hình thức khác. Niềm vui của Thiên Chúa trong chúng ta sẽ từ từ làm cho chúng ta có thể nhìn thấy sự thật xuyên qua hình thức che dấu này”.
Theo cách nói trên thì một người lãnh đạo trong PT Cursillo tìm thấy niềm vui của Chúa ở đâu? Như chúng ta có đề cập trước đây. Niềm vui của Chúa sẽ không đến từ những người và vật bên ngoài. Vì vậy, chúng ta không tìm được niềm vui trong các thành công của việc tông đồ, chúng ta cũng không bị chối từ niềm vui vì thất bại. Chúng ta sẽ không tìm được niềm vui nơi Trường Lãnh Đạo, nơi Văn Phòng Điều Hành, nơi người giáo dân Chủ Tịch VPĐH/GP hoặc nơi Vị Linh Hướng. Chúng ta cũng sẽ không tìm thấy niềm vui qua việc phục vụ trong Toán Trợ Tá. Đối với nhiều Cursillistas, việc phục vụ Khóa Ba Ngày Cuối Tuần mang lại cho họ niềm vui. nhưng Khóa Cursillo không phải tổ chức ra để đem niềm vui cho Cộng Đồng Cursillo. Khóa Ba Ngày Cuối Tuần dành cho các ứng viên, chứ không phải dành cho các Cursillistas. Chúng ta sẽ không tìm thấy niềm vui trong Hội Nhóm hay Ultreya. Nói như vậy không có nghĩa là Hội Nhóm và Ultreya không cho hoặc không nên cho chúng ta niềm vui. Nói như thế chỉ có nghĩa là chúng ta phải đem niềm vui vào những thời điểm như vậy của đời sống. Người này, vật nọ không thể thay thế cho niềm vui của Thiên Chúa. Niềm vui là quà tặng của Chúa Thánh Thần, nên nó phải được ôm ấp trước khi chúng ta khởi sự làm việc Chúa. Nếu không có niềm vui ngay từ lúc đầu, đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ tích chứa đầy chán nản, thất vọng. Công việc của Chúa không phải luôn luôn dễ dàng và chắc chắn không phải lúc nào cũng làm thoả mãn cá nhân. Điều quan tâm chính không phải là những gì chúng ta có thể nhận được từ người này hay vật nọ, mà phải là cái gì chúng ta có thể cho đi.
Nếu niềm vui không có trong lòng chúng ta từ lúc đầu, thì việc tông đổ của chúng ta sẽ chỉ được đo lường theo tiêu chuẩn là việc ấy “thỏa mãn” chúng ta tới mức nào mà thôi. Trong các tác phẩm của mình. Thánh Gioan Thánh Giá cảnh giác chúng ta không nên quá kết chặt vào những lạc thú vật chất, vì những lạc thú ấy có thể dễ dàng làm cho chúng ta xao lãng và rời xa Chúa. Đồng thời ngài cũng lưu ý chúng ta không nên quá gắn bó với những thú vui thiêng liêng – đó là những khoái cảm cao độ về mặt thiêng liêng mà chúng ta có thể lãnh nhận lúc cầu nguyện hay khi làm việc. Ngài nói, những khoái cảm cao độ ấy có thể đem lại nhiều thiệt hại nếu chúng ta miệt mài tìm kiếm chúng, bởi vì Thiên Chúa rất nhiều khi không nói với chúng ta một cách rất mạnh mẽ trong những thời điểm khoái cảm cao độ, mà chỉ nói trong những khoảnh khắc thâm sâu nhất mà chúng ta cảm nghiệm. Thánh nhân ám chỉ kinh nghiệm này như là “đêm tối của linh hồn“. Đó cũng là một cách nhắc nhở chúng ta rằng niềm vui không phải là khi chúng ta có khoái cảm cao độ hay được hạnh phúc triền miên về mặt thiêng liêng. Niềm vui là tìm thấy an bình trong Chúa, biết Chúa luôn hiện diện và không bao giờ xa lánh chúng ta.
Niềm vui không phải chỉ là cái gì chúng ta nhận lãnh, nhưng một khi đã có niềm vui, chúng ta sẽ chiếu rọi niềm vui ấy đến kẻ khác. Niềm vui ấy không đến từ việc chúng ta làm cho người khác vui lòng hay cho mình hài lòng, bởi vì chúng ta chẳng làm sao cho kẻ khác hạnh phúc được. Mọi người phải khám phá niềm vui ngay trong tâm hồn của mình. Niềm vui ấy được tìm thấy nhờ sống trong sự tự do của Chúa Thánh Thần, vì biết rằng bao lâu chúng ta còn làm việc Chúa: bấy lâu Chúa còn ở với chúng ta, ban ân sủng cho chúng ta từng giây phút. Khi chúng ta cảm nghiệm được loại niềm vui này, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của câu nói: làm gì có chuyện một vị thánh buồn.
Câu Hỏi Để Suy Niệm/ Thảo Luận:
- Tại sao khó cảm nghiệm được niềm vui?
- Tại sao cho là nguy hiểm khi ta đặt niềm vui ngang hàng với những khoái cảm cao độ về mặt thiêng liêng và tình cảm?
- Những niềm vui được làm người lãnh đạo Cursillo là gì?
- Chúng ta có thể làm gì để trở thành những cá nhân và một cộng đồng của niềm vui Kitô giáo?