SÁCH: NHỮNG NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA SAI ĐI
Lm. Frank S. Salmani
Chương 18
CHÍNH YẾU VÀ THỨ YẾU
Lời Chúa:
- Mátthêu 10 : 16-33
- Luca 17: 7-10
Tóm Lược:
- Tâm thức Cursillo quan hệ với những điều chính yếu đối với đời sống Kitô hữu:
- Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta và đức tin chúng ta trong tình yêu ấy.
- Là một Kitô hữu đích thực.
- Kết nghĩa với thế giới để cải hóa nó.
- Xây dựng cộng đồng Kitô giáo.
- Nuôi dưỡng tiến trình hoán cải liên lỉ Sùng Đạo, Học Đạo và Hành Đạo. Hội Nhóm và Ultreya. Cam kết phục vụ Chúa Kitô và phục vụ lẫn nhau.
- Có những điều thứ yếu có thể làm lệch lạc ý hướng và triển vọng của chúng ta đối với Phong Trào Cursillo:
- Mang não trạng khóa Cuối Tuần (Cơn sốt Khóa 3 Ngày)
- Quan tâm tới những kết quả/thất bại trước mắt.
- Lo lắng về số lượng.
- Trung thành với một số người lãnh đạo thay vì trung thành với Chúa Kitô và công việc của Người.
- Tin rằng bất cứ một cá nhân nào đó là rất cần thiết không thay thế được.
- Chúng ta có thể chú tâm vào những điều chính yếu nếu chúng ta nhớ rằng chúng ta là những người phục vụ Chúa Kitô, được Chúa gọi để tiếp tục công việc tông đồ.
Khi chúng ta nói về sự hiểu biết của chúng ta đối với mục đích của Phong Trào Cursillo, tức là chúng ta nói tới “Tâm Thức hay Ý Hướng” của Cursillo vậy. Tâm thức của Cursillo có quan hệ với những yếu tố trở nên chính yếu đối với Cursillo. Những yếu tố chính yếu ấy làm cho Cursillo phân biệt hẳn với các phong trào khác trong Giáo Hội đồng thời cũng tạo cho Cursillo có được cái căn tính độc đáo của nó. Những điều chính yếu ấy là quan trọng bởi vì chúng giúp chúng ta giữ được ý hướng và triển vọng của chúng ta. Mỗi khi chúng ta mất ý hướng của chúng ta, thường là vì chúng ta hay lấy những điều thứ yếu làm thành điều chính yếu, lấy những điều không quan trọng đối với Phong Trào làm điều quan trọng. Và thế là thay vì đi theo chương trình của Cursillo, chúng ta lại đòi hỏi Cursillo làm theo chương trình và ý riêng của chúng ta.
Tôi không nhớ ai đã nói câu sau đây, nhưng tôi lấy làm tâm đắc với kiểu phân biệt của câu nói ấy, là: “truyền thống là đức tin sống động của người chết; còn lề thói thì lại là đức tin chết của người sống“. Truyền thống liên hệ với những điều chính yếu. Nó là viên đá và là nền tảng, và những điều chính yếu thì có thật và không hề thay đổi. Lề thói có thể thay đổi. Chúng ta đưa lề thói vào văn hóa. Đôi khi lề thói chịu ảnh hưởng của lịch sử. Tuy nhiên, lắm khi chúng ta lẫn lộn truyền thống với lề thói. Ta hãy lấy hình ảnh sau Công Đồng Vaticanô II làm thí dụ điển hình. Biết bao lần chúng ta đã từng nghe (và bây giờ vẫn còn nghe) có người kêu lên: “ối trời Giáo Hội thay đổi hết rồi” ý người ta muốn nói là các điều chính yếu đã bị thay đổi cả rồi. Thực ra, Giáo Hội đã không thay đổi. Bất luận theo nghi thức nào trong Giáo Hội Bí Tích Thánh Thể vẫn là Mình và Máu Chúa Giêsu. Dù là nghi thức cử hành bằng tiếng La tinh, bằng tiếng Anh, nghi thức theo Công Đồng Triđentinô hay bất cứ nghi thức nào khác trong Giáo Hội, thì Chúa vẫn ngự thật trong phép Thánh Thể. Giáo Hội không hề thay đổi những điều chính yếu, mà chỉ hội nhập vào văn hóa và lịch sử thời hiện đại. Đức Gioan XXIII đã khôn ngoan xác tín rằng, Giáo Hội cần phải nói lên tiếng nói của mình cho thời điểm lịch sử mà Giáo Hội đang sống. Giáo Hội không thể sống trong sự sai lạc do thời gian gây ra. Tuy vậy, qua tất cả những đổi thay, những điều chính yếu đã không bao giờ thay đổi. Tín lý của Giáo Hội không thay đổi. Điều gì Giáo Hội tin thì không thay đổi. Cái gì là chính yếu thì vẫn và sẽ vẫn mãi mãi tồn tại. Rủi thay, trong chúng ta có những người vì lớn lên trong thời gian trước Công Đồng Vaticanô II: hay có khuynh hướng xem cả những điều thứ yếu (tỉ như Thánh lễ bằng tiếng La tinh hay các ngày Thứ Sáu Kiêng thịt) như là chính yếu đối với Giáo Hội. Do vậy mà ngày nay vẫn còn nhiều người xót xa về sự mất đi những lề thói cũ.
Là những người lãnh đạo trong PT Cursillo. Chúng ta có thể mắc vào cái bẫy ấy. Chúng ta phải thận trọng đừng biến những cái thứ yếu thành những điều chính yếu. Vậy, trước tiên chúng ta hãy nhìn qua những điều chính yếu của Cursillo. Đó là điểm khởi đầu của Cursillo. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn chia sẻ đời sống Người cho chúng ta và cũng muốn chúng ta đặt niềm tin chúng ta vào trong tình yêu ấy cũng như dâng hiến sự sống chúng ta cho Chúa bằng một sự tự hiến hoàn toàn. Không có Chúa Tình Yêu, không có Cursillo. Không có mối thâm tình giữa chúng ta với Chúa Giêsu, không có đời sống Kitô hữu đích thực. Chúng ta được mời gọi sống một đời sống đích thực. Không có tính cách đích thực, mọi sự chúng ta nói hay làm đều là giả dối. Chúng ta phải tin điều chúng ta sống và sống điều chúng ta tin. Nếu chúng ta không làm cho điều chúng ta nói trở thành hành động thì tức là chúng ta chỉ phục vụ Chúa Kitô và phục vụ cho mục tiêu của Cursillo bằng môi miệng mà thôi. Nếu chúng ta bảo Cursillo là công tác tông đồ mục vụ hàng đầu của chúng ta, thì công tác ấy phải thực sự là hàng đầu, chứ không phải là một môn tiêu khiển mình ưa thích rồi nhét đại vào trong chương trình bận rộn của chúng ta. Bất cứ điều gì chúng ta cam kết gắn bó vào Chúa Kitô thì phải dồn hết mọi nỗ lực vào công việc ấy.
Một điều chính yếu khác nữa là chúng ta hãy thân thiết với thế giới để biến đổi nó. Chúng ta được sai đi không phải để chúng ta tỏ ra cho thế giới thấy chúng ta là tuyệt vời hay chúng ta là những người được tiến triển về mặt thiêng liêng hơn hầu hết mọi người. Chúng ta được sai đi để thay đổi lòng người trên thế gian này, để nhận lấy các cộng đồng hiện có mà biến chúng thành những cộng đồng Kitô hữu. Làm cho các cộng đồng nhân loại của xã hội trở thành cộng đồng Kitô hữu — là những người cam kết gắn bó vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa Kitô hầu chia sẻ tình yêu và lòng thương xót ấy với mọi người. Không bung ra để cải hóa thế gian và uốn nắn hay định hướng các cộng đồng cho Chúa Kitô như vậy, thì ắt không có Cursillo mà Giáo Hội cũng không có sứ mạng gì.
Sự hoán cải liên tục là điều chính yếu đối với Cursillo. Chúng ta không hề đạt ngay tột đỉnh của hoán cải trong một lần duy nhất. Sự hoán cải phải được thực hiện từng bước, giúp chúng ta trưởng thành một cách sâu đậm hơn trong mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Như thế, chúng ta sống Sùng Đạo, Học Đạo và Hành Đạo đó là điều chính yếu để chúng ta sống trọn vẹn Ngày Thứ Tư của chúng ta. Không có chiều kích ba mặt ấy của đời sống Kitô hữu, đời sống Kitô hữu trở nên hụt hẫng. Hội Nhóm và Ultreya cũng là những yếu tố chính yếu đối với các Cursillistas bởi vì những việc ấy giúp trợ lực và nâng đỡ đời sống theo chiều kích Sùng Đạo, Học Đạo và Hành Đạo của chúng ta trong Chúa Kitô. Một phần của sự hoán cái liên tục ấy là sự cam kết gắn bó không ngừng vào việc phục vụ, cùng gắn bó với nhau và gắn bó với công việc của Cursillo vốn là công việc của Chúa Kitô và của Hội Thánh Người.
Đó là những điều chính yếu của Phong Trào Cursillo. Còn bất cứ cái gì khác cũng chỉ là thứ hành lý chất thêm vào. Bây giờ chúng ta hãy lướt sang vài điều thứ yếu xem sao. Một trong những điều thứ yếu của Cursillo là việc tham gia làm trợ tá Khóa Ba Ngày Cuối Tuần. Xin hãy hiểu cho rằng, nói như thế không hề có ý nói việc phục vụ Khóa Cuối Tuần là không quan trọng đâu. Chắc chắn chúng ta rất cần những Cursillistas kiên cường tham gia toán trợ tá để làm chứng tá cho các ứng viên. Điều mà tôi muốn nói tới là có nhiều Cursillistas hay bị ám ảnh cho rằng tham gia vào toán trợ tá là một nhu cầu. Hình như chúng ta thường than phiền là quá bận rộn nên không thể làm công việc khác cho Cursillo, nhưng chúng ta không bao giờ quá bận rộn mà bỏ làm trợ tá đi giúp Khóa học. Trong quá khứ chúng ta đã từng có trong các Khóa Cuối Tuần nhiều thành viên của toán trợ tá và ngay cả Khóa Trưởng chưa hề tham dự Hội Nhóm. Vậy thì lấy gì làm chứng tá? Việc có mặt ở trong toán trợ tá tự nó không phải là điểm chính yếu nếu chúng ta không sống điều chúng ta tuyên xưng trong Khóa Cuối Tuần. Có quá nhiều Cursillistas chú trọng vào việc có mặt trong toán trợ tá hơn là vào việc thực hiện công cuộc loan truyền Phúc âm. Thực ra, một Cursillista có thể làm rất được việc cho Phong Trào mà không cần phải tham gia toán trợ tá Khóa Học. Làm người lãnh đạo Cursillo không phải nhằm mục đích làm trợ tá Khóa Học, mà nhằm dẫn đạo các Cursillistas khác thực hiện nhiệm vụ của họ là tiếp tục sứ mạng tông đồ mà Chúa Giêsu và Mười Hai Tông Đồ đã khởi xướng. Một trong những lý do khiến cho Tiền Cursillo và Hậu Cursillo thường yếu kém là vì mọi năng lực của chúng ta đều dồn cả cho Khóa Cuối Tuần. Khóa Cuối Tuần chỉ là một phần của công việc, và trong phạm vi rộng lớn hơn thì Khóa Cuối Tuần lại là thành phần kém quan trọng nhất của Cursillo – nó chỉ là một phương tiện để đưa người ta từ giai đoạn Tiền Cursillo chuyển sang giai đoạn Hậu Cursillo mà thôi. Việc tham gia làm Trợ Tá không phải là sinh hoạt duy nhất của Cursillo đâu; và nếu chúng ta có phục vụ trong Toán Trợ Tá, chắc chắn chúng ta sẽ phải làm chứng tá đích thực chứ không phải chỉ làm một lô những việc tử tế đối với khóa sinh để tạo những cảm giác sảng khoái cho chúng ta. Trong các Khóa Cuối Tuấn đã nẩy sinh nhiều lạm dụng (kịch châm biếm, kể chuyện tiếu lâm, tố chức mananitas, v.v…) chỉ vì chúng ta đã đánh mất đi những gì là chính yếu mà chỉ chú trọng vào các điều thứ yếu.
Một loại thứ yếu khác nữa cũng được quan trọng hóa một cách quá đáng, đó là chúng ta quá chú tâm tới số lượng những thành quả chúng ta đã đạt được. Sống trong xã hội hướng về tiêu thụ hiện nay chúng ta dễ bị ám ảnh bởi nhu cầu muốn trông thấy ngay kết quả trong bất cứ việc gì chúng ta làm. Chúng ta bị cám dỗ ngã lòng thất vọng chỉ vì thấy nhiều việc mình làm đã không tiến hành nhanh chóng đủ hoặc thấy không đạt kết quả trước mắt. Chúng ta nhiều khi muốn buông xuôi trong công việc tông đồ chỉ vì chúng ta gặp nhiều thất bại quá. Trong trường hợp này, chỉ có một điều chính yếu là chúng ta cứ làm công việc của chúng ta cho Chúa Kitô, không cần thấy kết quả rõ ràng hay không. Nếu chúng ta muốn có thí dụ từ Thày Chí Thánh của chúng ta, chúng ta hãy nhớ lại rằng, Chúa Giêsu trên thập giá xem ra như thể đã thất bại hoàn toàn. Mọi người đều quay lưng bỏ Chúa, ngay cả những người bạn chí thiết của Người cũng bỏ Người mà đi. Vậy mà Chúa Giêsu đâu có bao giờ rơi vào tuyệt vọng. Chúng ta hãy nhớ rằng, trong những lúc chán nản, không có một việc lành nào được thực hiện mà không được nhìn nhận, không được chú ý tới. Đúng ra nhiều lúc mãi về sau chúng ta mới thấy thành quả công việc cực nhọc của chúng ta. Có những lúc chúng ta không hề trông thấy các thành quả của việc làm chúng ta, song những thành quả ấy vẫn hiện diện. Nếu chúng ta làm công việc Chúa mà chỉ căn cứ vào thành công hay thất bại, thì công việc tông đồ của chúng ta chẳng đi tới đâu cả!
Chỉ chú trọng đến thành công hay thất bại tức là chỉ quan tâm tới số lượng. Chúng ta chỉ để tâm tới bao nhiêu Khóa Cuối Tuần đã tổ chức hay tham gia, bao nhiêu người tham dự Trường Lãnh Đạo, bao nhiêu người tham dự Ultreya. Một lần nữa, con sổ chỉ là thứ yếu trong một Trường Lãnh Đạo có mười người lãnh đạo mà cùng cam kết gắn bó vào công việc của Cursillo thì vẫn tốt hơn cái Trường Lãnh Đạo có tới 30 người lãnh đạo mà cũng chỉ có mười người thực sự gánh vác công việc. Con số tham dự không quan trọng. Mục đích của Hội Ultreya không phải là làm cho phòng họp có đầy Cursillistas, mà là việc tổ chức Ultreya được thường xuyên hay không. Vào một buổi Ultreya nào chẳng hạn, cho dầu có ít người tham dự nhưng biết đâu có thể thu hút một Cursillista nào đó mà người này thật sự cần tham dự. Nếu buổi Hội Ultreya ấy mà không được tổ chức vì có ít người tham dự quá thì sự thể sẽ như thế nào? Chính người Cursillista thật sự cần đến với Ultreya hôm ấy sẽ bị hụt hẫng và mọi nỗ lực của chúng ta tan thành mây khói hết. Dĩ nhiên chúng ta luôn luôn nên cổ võ càng thêm người tham dự càng tốt, nhưng điều thiết yếu không phải là cần số đông, mà là cần nhiều người cam kết dấn thân và gắn bó hơn. Nhiều người tham dự mà thiếu gắn bó cam kết thì chẳng hoàn thành được việc gì. Đối với những người theo ngành thể thao, hãy học một bài học từ việc bành trướng. Càng lập thêm nhiều đội càng tạo thêm nhiều phiền toái cho nhiều người. Nhiều hơn, đông hơn không phải luôn luôn là tốt hơn đâu. Đôi khi có thêm số người tham dự trong thực tế chỉ làm giảm bớt đi phẩm chất của những gì chúng ta cố gắng hoàn thành. Với ơn Chúa, chúng ta có thể làm mọi sự, còn số lượng thì không thành vấn đề.
Còn một thứ yếu khác nữa là sự lãnh đạo. Chúng ta đã từng nghe có những Cursillistas nói rằng: “Nếu người này, người nọ làm Chủ Tịch VPĐH thì ta mới tham gia“. “Tôi đến với Ultreya vì có Linh Mục A giảng tối hôm nay“. Thế nghĩa là làm sao? Chúng ta nguyền trung thành với Chúa Kitô hay với một cá nhân lãnh đạo nào đó? Nếu chúng ta được gọi để làm công việc của Thiên Chúa thì đừng nên phân biệt ai là người có tư thế. Việc tông đồ vẫn là việc tông đồ, bất luận người nào là Chủ Tịch VPĐH, người nào là Linh Hướng, người nào làm ở Văn Phòng Điều Hành hay bất cứ ai khác. Trong những Khóa Cuối Tuần, chúng ta muốn đưa “bạn bè” cùng vào trong Toán Trợ Tá mà không cần biết họ có một chứng từ đích thực hay không. Chúng ta hãy xét kỹ xem mục tiêu của chúng ta là gì. Chúng ta được mời gọi để phụng sự Chúa. Đó mới là vấn đề đặt ra. Còn bất cứ ai trong vai trò điều hành cũng đều không thay đổi lời mời gọi này. Ơn gọi của ta là do Chúa Kitô ban cho khi ta chịu phép Rửa Tội chứ không do một cá nhân lãnh đạo nào cả. Tất cả chúng ta đều được gọi để phụng sự Chúa Kitô, còn địa vị quyền bính chúng ta có hay không đều không thành vấn đề.
Cuối cùng, và có lẽ điều này chúng ta nghe như chói tai đấy chính chúng ta là thứ yếu. Xin đừng hiểu lầm. Chúng ta hết thảy đều là duy nhất và đều là quan trọng trước mặt Chúa và hết thảy chúng ta đều có cái gì đặc biệt nào đó để dâng cho Nước Chúa. Nhưng chẳng có ai là rất cần thiết đến độ không thể thiếu vắng. Công việc chúng ta đang làm là công việc của Chúa Kitô chứ không phải việc riêng của chúng ta. Không một người nào là thiết yếu đến nỗi cộng đồng không thể tồn tại nếu không có người đó. Đây là một chứng bệnh phổ biến mà chúng ta đều biết qua kinh nghiệm giáo xứ. Có một số người đi theo một vị linh mục nào đó, và sau khi vị linh mục ấy thuyên chuyển nơi khác, thì lại có một “phe cánh” mới với vị linh mục mới. Chính vì vậy mà các cộng đồng không vững mạnh. Chẳng có người nào là vô giá đến nỗi bất cứ điều gì chúng ta làm đều phải làm trước sự chứng kiến của người ấy. Tất cả chúng ta đều có một trách nhiệm tinh thần với Thiên Chúa trong việc thực thi tiếng gọi khi chúng ta chịu phép Rứa Tội. Phục vụ thì không có đẳng cấp. Không có người tông đồ nào quan trọng hơn hay kém quan trọng hơn người nào. Nếu chúng ta có nhiệm vụ biến cải thế giới, chúng ta phải làm việc này như một cộng đồng hiệp nhất và trung thành với Chúa Kitô. “Phe cánh“, bè nhóm và “phía này phía nọ” không có chỗ đứng trong một cộng đồng Kitô hữu bởi vì tất các những thứ đó đều là phản tác dụng. Các hạn hãy nhớ phương châm của Cursillo là “hãy giữ cho đơn giản“; và chúng ta có thể giữ cho đơn giản nếu chúng ta tập chú vào cái gì là chính yếu chứ đừng để mọi sự bị bao trùm bởi những điều thứ yếu. Kinh nghiệm cho thấy: nếu tất cả chúng ta đi theo điều gì là chính yếu, thì mọi sự khác sẽ tự vận hành. Chúng ta không cần đem đạo Chúa ra mà “buôn bán” hay tìm cách làm cho nó hấp dẫn quần chúng hơn. Đạo Chúa Kitô và mục đích của Phong Trào Cursillo tự đứng vững được. Chúng ta không cần trang trí làm đẹp sứ điệp Phúc âm hay tâm thức Cursillo bằng những thứ hành lý cồng kềnh chỉ đè nặng chúng ta thêm mà thôi. Sứ điệp tự nó có thể đứng vững. Phúc âm tồn tại suốt hai mươi thế kỷ qua bởi vì sứ điệp của Phúc âm không hề thay đổi trong yếu tính của nó. Do đó mà Hội Thánh có thể tuyên xưng rằng,
“Chúa Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi“.
Câu Hỏi Để Suy Niệm/ Thảo Luận:
- Tại sao lắm lúc những điều thứ yếu lại trở thành chính yếu?
- Bạn hãy lượng giá hay thẩm định ý hướng cá nhân bạn, ý hướng của Trường Lãnh Đạo và của Phong Trào nói chung.
- Sức mạnh hay ưu điểm của chúng ta là ở chỗ nào? Chúng ta cần trở về ý hướng/chủ đích của chúng ta ở đâu ?
- Chúng ta phải làm gì để gia tăng những điều chính yếu và giảm thiểu những điều thứ yếu?