Thoáng Nhìn Lịch Sử PT Cursillo

Loyola Gagné, Lm Dòng Thánh Thể
Tủ sách PT Cursillo Gia Nã Đại ngành Pháp ngữ

Dịch giả: Mác-cô Huỳnh Lương

CHƯƠNG 2.7

KHÚC QUANH NGÀY 7 THÁNG GIÊNG NĂM 1949

7. CON ĐƯỜNG LÊN NÚI SỌ

Năm 1955 – sáu năm sau Khoá Cursillo được tổ chức tại Tu Viện Thánh Honoré, không rõ vì lý do gì Đức Cha Hervás bị đổi khỏi giáo phận và đến nhận giáo phận Ciudad Real, ở trung tâm Tây Ban Nha. Chuyện gì đã xảy ra? Đó là một câu chuyện thật đau thương như chúng ta vừa đọc thấy ở trên. Thế mới thấy đã từng có những lúc PT phải trải qua nhiều sóng gió, đây chính là biến cố trầm trọng nhất mà PT phải đối mặt. Và câu chuyện bắt đầu như sau: một trong những người chỉ trích PT cách ác liệt nhất là cha bề trên chủng viện Palma, dưới quyền trực tiếp của Đức cha Hervás; vì thấy không thể làm cho cha im lặng được, Đức Cha đã tước quyền của cha bể trên. Thế nhưng vị linh mục này vốn xuất thân từ một gia đình rất giàu
có và có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Tây Ban Nha, ông thề sẽ quyết làm cho Đức Giám Mục Hervás mất chức. Và cha đã thành công, vì sau đó không bao lâu Đức Cha Hervás bị đày đi Ciudad Real. Một Giám mục mới – Đức Cha Enciso – bạn của cha bề trên chủng viện đã được bổ nhiệm về thành Palma. Việc làm đầu tiên mà ngài thực hiện khi về nhận chức tại đây là ngày 25 tháng 8 nắm 1956, Đức Cha cho đăng ngay một thư mục vụ để khuyến cáo các giáo dân trong giáo phận chống lại PT Cursillo. Trên thực tế, ngài đặt PT Cursillo ra ngoài vòng pháp luật và cấm hết mọi hình thức hội họp. Kể từ lúc đó PT Cursillo bắt đầu những năm thinh lặng và đau khổ.

Lòng như chết đi vì sầu muộn, anh Eduardo đã xin yết kiến Đức Giám Mục và cung kính hỏi ngài như sau: “Con đang ở tại một giáo xứ, một ngày nào đó nếu có một vị giám mục quả quyết rằng điều đó là sai, thì có phải vì là Kitô hữu, nên con có bổn phận phải trả lời là đúng hay sao?” Dĩ nhiên lúc ấy vị giám mục phải thú thật là không thể như thế. Lúc bấy giờ anh Eduardo tiếp lời: “Kính thưa Đức Cha, những gì Đức Cha viết về Cursillo là không đúng”. Để trả lời, vị Giám mục nói: “Tôi giữ nguyên những gì tôi đã viết”. Chuyện này giống hệt như phản ứng của Philatô khi ông nói: “Những gì ta đã viết, là viết” (“Quod scripsi, scripsi”),… và ngài đã mời anh ra.

Sau sự kiện đó, nạn nhân đầu tiên của Đức Giám mục Enciso là Sư huynh Miguel – giám đốc trường trung học Lasan – sư huynh nghĩ rằng mình có bổn phận viết thư cho Đức Giám Mục để trình bày về những thành quả rất tốt đẹp của những Khóa Cursillo đã được tổ chức trong trường của mình. Câu trả lời không cần chờ đợi: sư huynh bị tống ra khỏi giáo phận! Trước khi ra bến tàu, một nhóm Cursillista tiễn đưa sư huynh đã đi ngang qua toà giám mục để đọc một đoạn Thánh Kinh trong đó Chúa Kitô dạy các tông đồ rằng: “nếu một làng nào không đón tiếp các con, thì hãy phủi bụi gót giày các con rồi tiếp tục lên đường”. Nói rồi sư huynh liền cởi giày ra, đập vào hòn đá, cố phủi bụi đi mà nước mắt rưng rưng.

Tiếp theo, nạn nhân thứ hai là cha Francisco Suárez – một linh mục của giáo phận Majorca bị đày đi Ciudad Real với Đức Cha Hervás nhưng trở về nghỉ trên đảo. Ngay trong bài giảng đầu tiên, cha đã dám nói – và thật đúng vậy – quyền hạn mục vụ của Giám mục không vượt ra ngoài giáo phận… Vị Giám Mục đã ngay lập tức phản ứng và “reo chén“ cha Suárez, tức là cha không còn quyền thừa hành tác vụ linh mục trong Palma, ngay cả không có quyền cử hành Thánh Lễ. Biết cách tránh vòng luật cấm, vì là chuyên gia giáo luật, Cha Suárez đã tới cử hành Thánh Lễ trong một doanh trại quân đội – không trực thuộc quyền hạn của ĐC Enciso.

Và bức thư mục vụ kia đã làm cho một loạt các linh mục bố đi, trong số đó có cha Sebastián Gayá và cha Juan Capó, hai vị này đã theo Đức Giám Mục Hervás vào trong lục địa, những vị khác đến tận Nam Mỹ, nhất là xứ Pêru. Xét về mặt lãnh thổ thì chính nhóm các linh mục tản mác đó cuối cùng đã giúp gia tăng tốc độ và sự bành trướng của PT. Tuy nhiên, trước cảnh rất nhiều các Cursillista linh mục bỏ đảo mà đi đã làm cho tinh thân của các giáo dân trở nên hoang mang. Mặc dù vậy, không lâu sau đó họ đã tụ họp lại chung quanh anh Eduardo và đưa ra một chiến lược mới. Cũng cần nhớ rằng trong chế độ độc tài của Franco, nếu không có phép của giáo hội địa phương thì không một buổi họp nhóm nào có thể được tiến hành. Vì Đức Giám Mục Enciso đã ra lệnh cấm PT Cursillo, đồng thời luật cấm tụ tập nhau quá 6 người ngay cả tại nhà riêng cũng được ban hành; nên tất cả các hoạt động khác như Ultreya, trường huấn luyện, các buổi hội họp ban thư ký, các Khóa Cursillo đương nhiên là không thể được tổ chức.

Nhưng anh Eduardo lại nhận ra con số “6“ này quả là một ơn phúc, vì nó cho anh nảy sinh ý tưởng có thể tổ chức những cuộc họp nhóm gồm 6 người. Từ đó, anh nghĩ ra một phương thức mới để tổ chức một cuộc Ultreya mà không có hội họp! Và đây là cách thức được anh Eduardo thực hiện: quảng trường lớn của Palmna được cấu tạo theo hình chữ nhật với những hàng cột; giữa các hàng cột có bày nhiều bàn bán cà phê, mỗi đơn vị họp nhóm đến quảng trường cùng một giờ và ngồi vào bàn để họp, thì chỉ cần đi từ bàn này đến bàn khác là có thể truyền thông tin từ nhóm này đến nhóm kia. Thật là một cảnh tượng kỳ lạ – anh Forteza kể lại – khi thấy nhịp độ chính xác trong cách di chuyển của các nhóm viên: hai người của một bàn sáu người đứng dậy sang chào một bàn khác và từ bàn ấy tự động hai người trong nhóm lại đi chào một bàn khác xa hơn và cứ như thế cho hết vòng. Trong lúc ấy có hai người điều hợp đi giữa các hàng cột để xem nhóm nào có thể cần trợ giúp, hoặc một người nào đó cần xưng tội, nếu có thì
đưa người ấy đến một chỗ đã định, ở đó đã có linh mục chờ sẵn. Các Ultreya “thôn đã” – như người ta thường gọi – đã rất thành công đến độ khó tìm ra được một chiếc ghế trống nào. Điều này làm cho các chủ quán rất hài lòng, nhưng các nhân viên phục vụ thì điên đầu vì khách hàng đổi bàn liên tục.

Sau kinh nghiệm thành công ấy họ tự hỏi làm thế nào để có thể tổ chức khoá vì có nhiều ứng viên đang chờ. Vì thế, anh Eduardo đành phải tổ chức khoá cho “từng người một”, và dĩ nhiên là các khóa như thế chỉ có thể hữu ích trong những lúc khủng hoảng như thời gian anh đang sống qua lúc đó. Từ rất sớm, một thánh lễ khai khóa đã được tổ chức tại nhà nguyện của các cha dòng Phanxicô, với sự có mặt của cả ê kíp, của khoá sinh cùng vài Cursillista; tất cả tham dự thánh lễ như những giáo dân bình thường. Điều quý giá hơn nữa là có được sự cộng tác của cha Francois de Barcelone dòng Phanxicô. Sau buổi ăn sáng, trong một quán cà phê cạnh bên, đã diễn ra cuộc trao đổi giữa hai người: Rollista đầu tiên sẽ trình bày Rollo của mình cho khoá sinh và anh Eduardo. Sau đó người Rollista đầu tiên đó được dẫn đi gặp người Rollista kế tiếp tại văn phòng hoặc ở tư gia của họ. Họ dùng cơm chung với các thành viên trong êkíp, cố gắng tạo bầu khí vui tươi như trong một khoá Cursillo thật sự. Khi tới Clausura họ rủ nhau ra quảng trường để làm «Ultreya thôn dã». Đã có rất nhiều khóa như thế được tổ chức, nhưng người ta lại không biết con số chính xác là bao nhiêu, vì lẽ các khoá đã không được đánh số. Cũng lúc đó luật cấm của Đức Giám Mục Enciso đã kéo dài trong sáu năm: từ 1956 tới 1962. Khi lâm bệnh, Đức Cha được chuyển đi chữa trị trong một bệnh viện tư tại Madrid; và một ngày nọ, ngài gọi cha Gayá đến cạnh giường bệnh, giữa họ đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi rất thân tình. Cha kể lại cho tôi nghe về cuộc gặp gỡ đó, dù ngài vẫn còn rất thận trọng, nhưng điều đó cũng dễ hiếu thôi. Lúc đó – cha kể rằng – Đức Giám Mục đã đề cập ngay đến những lý do mà trước kia đã khiến ngài lưu tâm đến các vấn đề của PT Cursillo, và ngài nói, sau khi hiểu rõ vấn đề hơn, ngài muốn chính mình sẽ phải trao lại cho PT một sự tín nhiệm hoàn toàn. Ngài nhìn nhận trong quá khứ đã hành động một cách bất công. Sau đó, ngài đã không còn có thể trở về cai quản Giáo phận Palma được nữa, bởi nắm 1965 Đức Giám Mục Enciso đã qua đời.

Bức thư mục vụ của vị Giám Mục ấy đã không đem lại lợi ích gì hơn ngoài những hậu quả chẳng mấy tốt đẹp. Do vậy, người đầu tiên phản ứng với bức thư mục vụ đó là Đức Giám Mục Hervás; cùng với các cộng sự, ngài đã mau chóng soạn thảo ra một tài liệu với đầy đủ các dữ liệu để trả lời cho từng điểm trong bức thư mục vụ của Đức Cha Enciso. Trước khi cho in, ngài thấy nên trình bày sự việc này với sứ thần Toà Thánh. Đây quả thực là một ý tưởng rất hay, vì sợ gây ra tranh tụng, sứ thần không để Đức Cha in tập tài liệu ấy thành sách. Điều đó khiến Đức Cha Hervás lập tức quyết định cho xuất bản nó như là một bức thư mục vụ mà không cần có sự chấp thuận của sứ thần Toà Thánh. Bức thư lấy tựa để là «Cursillo – khí cụ đổi mới đời sống Kitô hữu» (xuất bản năm 1957). Có lẽ đây là bức thư mục vụ dài nhất từ trước tới nay do một Giám Mục xuất bản với các nội dung dài gần 500 trang! Gồm các chương sau đây:

  1. Tiến trình hình thành, bản chất và cấu trúc của PT Cursillo.
  2. Cái cũ và cái mới trong Giáo Hội.
  3. Học thuyết của PT Cursillo.
  4. Phương tiện và kỹ thuật của PT Cursillo.
  5. Các linh mục và các giáo dân trong PT Cursillo.

Kết luận: Quy phạm mục vụ. Conclusion: Normes pastorales.

Lúc bấy giờ, bức thư mục vụ này thực sự được xem là một tài liệu đầy đủ nhất về PT Cursillo đã được xuất bản. Đó là một văn bản sáng lập PT mà mọi Cursillista đều cần phải biết đến.

[Đọc tiếp] Chương 3.1
Trang Mục Lục