Trên con đường Ngày Thứ Tư, tôi đã có những cuộc gặp gỡ thật tình cờ với những người chỉ xuất hiện thoáng qua trong đời, nhưng ấn tượng họ để lại trong tôi sẽ không bao giờ nhạt phai. Đôi lúc, sự gặp gỡ đó giúp cho tôi tỉnh thức để nhìn lại đời sống chung quanh, thay vì cứ mãi miết cơm áo gạo tiền khiến tôi trở thành người khô khan nguội lạnh với dòng đời.

Bắc Cali trời vào đông nắng chiều yếu ớt, trên xa lộ về nhà, gặp cảnh đụng xe, tôi tạt vào Home Depot bên đường tìm gì mua để tránh nạn kẹt xe. Vừa mở cửa chui đầu ra, thì gặp một bé gái người Mễ mời:

“Chú ơi, mua giùm cháu bó hoa!”

Tôi chẳng lạ gì với tình cảnh rao bán kiểu này thường bắt gặp ở các bãi đậu xe nên đã lạnh lùng trả lời nhanh lẹ cho xong chuyện:

“Cám ơn, không mua đâu.”

Có lẽ do cô bé chưa hài lòng với sự trả lời của tôi nên nài nỉ thêm:

“Trời sắp tối rồi, chú mua giùm cháu, mua một tặng một; một cho vợ chú và một cho con gái chú, à mà chú có con gái không?”

Câu mời gọi ngây ngô vô tình đã tạo sự tò mò để tôi phải quan sát cô bé… Cùng độ tuổi với con gái tôi, cái tuổi đãng lẽ đang phải bận rộn làm bài tập ở nhà sau khi tan trường. Cách ăn mặc của bé trông không lố lăng, xu thời. Giọng nói phát âm chậm rãi, nhỏ nhẹ, và hiền hòa. Khuân mặt tròn, nước da ngăm do buông trải cuộc sống. Đặc biệt nhất là đôi mắt to đen với hàng mi cong, đôi mắt sâu thẳm và buồn. Cái buồn đó cũng bàng bạc trên một nụ cười không trọn, khi miệng vừa nhoẻn một nụ cười thì cái buồn đã vội che lại, và nụ cười bẽ bàng héo úa.

Bất chợt trời đổ cơn mưa, cả hai chúng tôi vội chạy vào trú dưới mái hiên dành cho người khuyết tật, vì xe tôi đậu khá xa với cổng ra vào của tiệm. Thỉnh thoảng, bé rụt rè lên tiếng. Bằng với tất cả vốn liếng tiếng Anh ít ỏi, lâu lâu thêm vào vài câu tiếng Mễ, bé kể cho tôi nghe câu chuyện đời mình. Quê hương bé ở Chiapas (Mexico), nơi đó rất nghèo, thường xuyên mưa lụt, bố chết do tai nạn tại công trường, bé theo người cậu về Cali mong có cuộc sống tốt hơn. Thấy bé còn quá trẻ, tôi hỏi bé bao nhiêu tuổi, bé trả lời 14. Tự nhiên tôi cảm thấy thương cho bé, bởi năm xưa khi tôi 14 tuổi cũng phải xa cha mẹ vượt biển sang bên này đoàn tụ với anh chị lớn. Tôi cảm thấy mắt mình cay xè khi nhìn vào gương mặt của bé, một gương mặt bình thản đầy nét chịu đựng, trong khi nói chuyện thỉnh thoảng bé hay lắc nhẹ đầu như muốn xua đi những ưu tư trĩu nặng.

Bé giơ tay ra hứng những hạt mưa và thở dài:

“Trời xấu quá, mưa vầy sao bán hoa…”

Tôi tưởng tượng xa thẳm bên kia bức tường ngăn cách giữa 2 quốc gia, biết đâu mẹ của bé cũng đang giơ tay ra vớt những hạt mưa mà nhìn bầu trời xám xịt lo âu cho cảnh đời khốn khổ, và nhất là đang nhớ đứa con lưu lạc ở phương Bắc. Trong hai cơn mưa, cơn mưa nào xé nát lòng người hơn?

Cuối cùng mưa cũng tạnh, cả hai chúng tôi phải trở lại công việc của mỗi người. Trước khi nói lời tạm biệt, tôi dúi vào tay bé một tờ giấy bạc. Bé mở tròn mắt nhìn tôi, lùi lại một bước, lắc đầu nguầy nguậy:

“Không, cháu không đủ tiền thối trả, cả buổi vẫn chưa bán được hoa…”

Tôi sợ bé hiểu lầm, liền vội vàng phân bua:

“Chú không mua hoa, vì chú có vài chậu hoa bonsai khá ưng ý rồi. Chú không có gì tặng cháu làm quà vì cảnh ngộ chúng ta khá giống nhau, cháu giữ lấy số tiền này để mua gì ăn tối, hay là thứ gì cháu thích, hoặc cứ xem nó là một món quà bất ngờ, như chú năm xưa thầm ao ước được vậy. Nhưng nếu cháu không muốn, thì chú không ép.”

Cô bé không trả lời mà chỉ đứng lặng thinh nhìn tôi hồi lâu. Và thiệt ngỡ ngàng, bé bước tới giơ tay lên vuốt má tôi, và gọi nhỏ trong hơi thở “Papa!”. Tiếng gọi thảnh thốt, như một luồng gió thoảng, như bàn tay quờ quạng chụp lấy một hình ảnh thân thương sắp biến mất trong giấc mơ. Cũng như tôi những đêm dài tuổi thơ bị sốt bệnh, hay trong cơn ác mộng nhớ lại cảnh lênh đênh trên biển cả một mình cô đơn sợ hãi đã gọi “Thầy ơi…. Mẹ ơi….” Tiếng gọi nài nỉ, khẩn khoản, níu kéo, cô đơn và oán hờn.

Tôi đã hiểu ra vì sao bé đã bắt chuyện với tôi khi trú mưa. Ở tôi, có lẽ bé đã tìm thấy lại hình ảnh người cha quá cố, và cũng có thể muốn có được người lắng nghe bé tâm sự. Tôi nhét vội tờ giấy bạc vào túi áo của bé, vẫy tay chào, chúc bé sớm bán hết hoa. Bé nhìn tôi thật lâu lần nữa, ôm choàng lấy tôi, rồi quay lưng chạy nhanh sang xe bên cạnh mời khách mua hoa…

Tôi tiếp tục đi vào Home Depot, vừa đi vừa gạt những giọt nước mắt tràn ứa từ lúc nào không biết. Tôi đã từng nghe bao nhiêu là tin tức, đọc bao nhiêu là sách báo về những người di dân không giấy tờ, không tương lai ở đất nước này. Đối với tôi lúc đó, họ không phải là loại người mà tôi sẽ tiếp xúc, thậm chí cũng không thể là người để tôi lắng nghe họ tâm sự. Những phận đời bé nhỏ ấy, tôi chỉ tiếp nhận họ trên lý thuyết, với một cái tắc lưỡi “Thiệt tội nghiệp!”, để lương tâm tôi vẫn luôn thấy bình an.

Bất chợt tôi ngậm ngùi nghĩ đến lời than van của Đức Kitô năm xưa:

“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than.” (Mátthêu 11, 16- 17)

Lời kinh thánh ấy đã tác động vào lòng tôi, và tôi biết rằng từ nay, cho đến rất lâu sau này, tôi sẽ luôn bị theo đuổi bởi một đôi mắt đen sâu thẳm, một nụ cười buồn, trong đó chứa đựng tất cả đau thương trăn trở của những phận đời lưu lạc nơi xứ người. Bởi 32 năm về trước, chính tôi cũng đã có một cái nhìn xa xăm ngơ ngác, và một nụ cười không trọn khi vừa đặt chân đến mảnh đất này…

Nhưng có lẽ vào dịp cuối năm, những sự rực rỡ của đường phố choáng ngợp ánh đèn, cái rộn ràng của những ngày lễ sẽ làm cho tôi lãng quên, thậm chí lẩn tránh, bao nhiêu ánh mắt lạc lõng, bao nhiêu nụ cười buồn như thế.

Bắc California, 12/2022 – UHa