
Chúng ta đều phải chấp nhận sự thật rằng “Đời là bể khổ.” Quả thực, khi được sinh ra trên đời này chúng ta đã bước chân vào cuộc chiến đấu từng ngày với mọi thứ xung quanh. Thế giới tự nhiên theo đúng bản chất của nó không thân thiện cũng không hung ác, nó chỉ vận hành theo đúng quy luật của nó mà thôi. Chỉ có con người mới có khả năng lý trí để sống một cuộc sống khác biệt. Đó là một cuộc sống chứa đựng nhiều ý nghĩa. Thế nhưng không phải ai cũng có đủ khả năng và sự kiên trì để đạt được điều đó. Có quá nhiều trở ngại từ thế giới bên ngoài cũng như thế giới nội tâm đã cản bước con người sống một cuộc đời thật hạnh phúc và ý nghĩa. Mặc dù khoảng thời gian sống trên đời của từng người không phải quá dài nhưng nó vẫn đủ để làm nên điều gì đó tuyệt vời.
Hiện nay, chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc trong khoa học kỹ thuật. Chất lượng cuộc sống được nâng cao với những tiện nghi vật chất đầy đủ. Con người cũng có nhu cầu ngày càng cao để phát triển đời sống tinh thần của mình. Con người mở ra cho thế giới, tiếp xúc với mọi người trên thế giới cách dễ dàng và nhanh chóng. Có thể nói cấu trúc của xã hội hiện nay đã trở nên phức tạp hơn bao giờ với những mạng lưới các mối quan hệ chằng chịt. Không thể phủ nhận được rằng điều này vô cùng có lợi cho việc phát triển bản thân và công việc.
Đi đôi với những lợi thế trên đó là việc con người trở nên dễ dàng bị áp lực và căng thẳng. Dường như nhiều người bị cuốn theo guồng quay của cuộc sống mà đánh mất không gian cho bản thân mình. Chúng ta phải chạy theo những đòi hỏi của xã hội, nào là thăng tiến trong công việc, việc học của con cái, chi tiêu hàng ngày cùng nhiều biến động của đời sống xã hội. Mặc dù có nhiều người vô cùng thành công trong công việc, có địa vị cao và được nhiều người trọng vọng thế nhưng họ thú nhận rằng mình không thực sự hạnh phúc mặc dù họ không chịu áp lực cơm áo gạo tiền như người khác. Trong khi đó, lại có những người bình tthường khác cũng sống cuộc sống của mình một cách đơn điệu, không tìm được niềm hứng thú thực sự. Qua đó có thể thấy điều kiện vật chất không phải là yếu tố quyết định mức độ hài lòng với cuộc sống của con người.
Trong tác phẩm Dòng chảy của mình, tác giả Mihaly Csikszentmihalyi nhấn mạnh gốc rễ của những bất mãn, những khó chịu và không hài lòng đến từ bên trong, tức là thế giới nội tâm của từng người. Những điều kiện bề ngoài cũng có ảnh hưởng nhưng không mang tính quyết định. Đối với cùng một vấn đề, sẽ có nhiều cách tiếp cận và đối diện khác nhau giữa nhiều người. Quan trọng chính là cách đón nhận và thái độ trước hoàn cảnh, đặc biệt là nghịch cảnh. Cuộc sống không phải lúc nào cũng đưa cho chúng ta những điều dễ chịu hay những điều chúng ta ưa thích. Có lẽ phần lớn những gì xảy đến với mỗi người đều không như ý muốn của chúng ta. Nếu chỉ đứng đó và than thở thì chúng ta cũng chẳng thể giải quyết được vấn đề.
Điều này gợi nhắc cho tôi về câu nói đã thay đổi phần lớn thái độ của tôi trong cuộc sống. Trong một kỳ thi quan trọng, khi nhận được đề thi môn Việt văn, tôi bắt gặp câu nói “Hãy yêu việc mình làm.” Đây là một câu nói vô cùng đơn giản và đối với nhiều người nó chẳng có gì đặc biệt. Thế nhưng, với tôi nó thực sự ý nghĩa. Nó đã trở thành châm ngôn sống cho tôi. Khi làm điều gì tôi cũng quy hướng về nó để xem mình đã sống điều mình quyết tâm chưa. “Hãy yêu việc mình làm” nói lên một thái độ đón nhận cuộc sống với trọn vẹn những gì nó gửi đến. Chúng ta không thể lúc nào cũng được làm điều mình thích. Đôi lúc sẽ có những trái ý nhưng nếu biết đón nhận và làm với một tình yêu thực sự chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những giá trị tuyệt vời. “Hãy yêu việc mình làm” nói đến một “trải nghiệm tối ưu” như cách nói của Mihaly Csikszentmihalyi.
Để có được trải nghiệm này, chúng ta cần ý thức những gì mình làm và thưởng thức thực sự những gì đang diễn ra. Điều đó có nghĩa chúng ta không nghĩ đến điều gì khác, chúng ta hoàn toàn bị cuốn vào những gì chúng ta đang làm. Chúng ta có thể thấy rõ điều này nơi những vận động viên. Họ tập trung mọi khả năng và sự chú ý của mình cho những gì diễn ra trên sân tập và sân thi đấu. Và niềm vui khi hoàn thành nhiệm vụ có lẽ là niềm vui lớn lao nhất.
Bên cạnh đó, đối với những sự việc bình thường của cuộc sống, chúng ta cũng cần tìm cách để thưởng thức nó thay vì chỉ thấy sự tẻ nhạt và đơn điệu. Đơn cử là trường hợp làm việc nhà. Đối với nhiều người chúng là niềm vui, nhưng đối với nhiều người chúng lại là gánh nặng, nhàm chán và chẳng thú vị gì. Nếu chúng ta thấy được niềm vui của những người thân của mình khi thưởng thức thành quả của những công việc mình làm thì làm sao chúng ta không thể vui được. Còn gì bằng khoảnh khắc gia đình cùng nhau ăn những bữa cơm ấm cúng, những lúc cùng nhau chuyện trò và giúp nhau làm việc nhà. Do đó, trong sự bình dị của đời thường, chính chúng ta phải là người thêm vào cho nó chút gia vị. Càng ý thức được những việc mình làm và càng thưởng thức trọn vẹn mọi khoảnh khắc thì cuộc sống của chúng ta không thể nào buồn tẻ được.
Tuy nhiên, sẽ có người nghĩ rằng đối với những đau khổ thì chúng ta sẽ thưởng thức thế nào được. Đau khổ và thử thách là điều không thể tránh khỏi. Những kinh nghiệm đau thương luôn là điều gì đó mà nhiều người tránh đối diện. Thế nhưng, tránh đau khổ này sẽ gặp đau khổ khác thôi. Điều quan trọng là chúng ta cần mở lòng để đón nhận nó, chấp nhận sự thật về nó và học được từ nó những bài học quý giá. Đối với những ai thực sự tận hưởng cuộc sống thì bất kể niềm vui hay nỗi buồn đều có ý nghĩ và giá trị. Họ luôn có sáng kiến để biến những điều tưởng như bất lợi thành bàn đạp để họ tiến lên trong hành trình cuộc đời. Chính tình yêu cho việc mình làm, chính thái độ lạc quan ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đừng để suy nghĩ bi quan lấy đi nguồn năng lượng tích cực của chúng ta.
Nếu một người giàu có và thành đạt thấy được ý nghĩa rằng việc kinh doanh của mình đã đem lại việc làm cho nhiều người, đã giúp cho nhiều người thăng tiến trong cuộc sống và giúp ích được cho xã hội, đặc biệt mang lại sự giúp đỡ cho nhiều người nghèo thì chắc hẳn họ sẽ không chỉ tìm việc gia tăng giá trị vật chất mà còn gia tăng sự đóng góp cho xã hội. Nếu những người làm công đặt được mục tiêu thăng tiến trong công việc và thấy được ích lợi của nghề nghiệp mình thì họ sẽ luôn có được niềm vui và sự sáng tạo trong công việc. Họ sẽ luôn có động lực để nỗ lực và ngày càng phát triển bản thân.
Có một lần, khi nghe câu chuyện về những nữ tu chuyên chăm lo cho các em bị HIV/AIDS tôi không khỏi xúc động trước sự hy sinh vô cùng cao cả của các sơ. Các em đã có một cuộc sống vô cùng đau khổ. Những ngày tháng cuối đời các em phải chịu những đau đớn vô cùng của căn bệnh. Khi các em hấp hối, chính các sơ là người ở bên và ôm các em vào lòng. Khi trút hơi thở cuối cùng, các em cảm nhận được sự ấm áp của tình thương. Sự thật là trong hơi thở đó tồn tại vô vàng những con vi rút nguy hiểm cho sức khỏe của các sơ. Dù biết là vậy nhưng các sơ vẫn muốn ôm để trao cho các em một thông điệp. Đó là các em được chết với tư cách của một con người. Quả là một sự hy sinh tuyệt vời mà nếu không có tình yêu chắc các sơ không có đủ can đảm và sức mạnh để làm được. Cho nên, dù chúng ta ở trong địa vị nào, công việc và chức vụ ra sao, nếu chúng ta khám phá ra ý nghĩa và động lực thực sự thì thái độ và hành vi của chúng ta sẽ thay đổi đáng kể. Mỗi người được đặt để vào một vị trí bất khả thay thế để cùng nhau vẽ nên một bức tranh rực rỡ của cuộc sống.
Chính vì lẽ đó, “hãy yêu việc mình làm” chính là cách chúng ta đáp trả lại lời mời gọi của cuộc sống. Hãy can đảm dấn thân cho lý tưởng. Hãy nhìn vào giá trị ẩn đằng sau mọi việc chúng ta làm để cố gắng. Cuộc sống không chỉ có việc thỏa mãn vật chất, nó còn có giá trị tinh thần và tình người. Hãy biến từng khoảnh khắc trong cuộc sống của chúng ta thành những “trải nghiệm tối ưu.” Hãy thưởng thức thay vì chạy đua với nó. Có những khoảnh khắc vô cùng bình dị mà đôi lúc vì lo toan cho cuộc sống mà chúng ta bỏ lỡ. Bất chợt một lúc nào đó chúng ta nhận ra xung quang nhà mình có những tiếng chim hót líu lo sao mà hay quá, ánh nắng buổi sáng sao mà ấm áp và yên bình quá hay một cái hít thở thật sâu trong bầu khí buổi tối sau một ngày làm việc mệt mỏi sao mà sảng khoái quá. Cuộc sống chỉ cần đơn giản và bình dị thế thôi! Mẹ Têrêsa Calcutta từng nói: “Nếu không làm được việc lớn thì hãy làm việc nhỏ với tình yêu với, làm việc tầm thường với tấm lòng phi thường.” Cuộc đời Mẹ là chuỗi ngày của những dấn thân và hy sinh cho những người bần cùng nhất trong những người bần cùng. Mẹ không giàu có về vật chất nhưng Mẹ giàu về tình yêu và Mẹ mang chính tình yêu đó cho thế giới. Vì vậy, mỗi người cũng được mời gọi trở nên tình yêu và mang hơi thở của tình yêu vào mọi ngóc ngách của kiếp nhân sinh.
Tác giả: Philip
(Bài viết được CTV gởi về BBT Website GPVL)
Nguồn: giaophanvinhlong.net