
Một trái tim giống như trái tim của Thiên Chúa
Có thể tan nát nhưng không thất vọng
Bạn có bao giờ nghĩ, qua rồi; xong rồi; tôi có thể làm gì với điều này?
Tôi có thể đi đâu từ đây? Trong một thế giới chưa hoàn thành, chúng ta có thể quá quen với sự tan nát làm thất vọng là bình thường. Ngay cả cái chết trở thành bình thường.
Một Thiên Chúa Biết Khóc Thương và Chờ Đợi.
Tôi nghĩ sự chết là điều có thể làm tan nát tâm hồn chúng ta hơn bất cứ thứ gì khác. Cái chết đánh bại chúng ta. Thậm chí cái chết đã đánh bại Chúa Giêsu. Khi lựa chọn trở nên một người trong chúng ta, Thiên Chúa bất biến, toàn năng đã cho phép cái chết đè bẹp Người. Và không chỉ cái chết của chính Người.
Trong câu chuyện của Ladarô, Chúa Giêsu đã cho phép cái chết của một người bạn làm tan nát trái tim mình. Đó là một trong những đoạn ngắn nhất trong Kinh Thánh, chỉ có hai từ sau khi Chúa Giêsu đến mộ và nhìn thấy sự đau đớn:“Chúa Giêsu đã khóc” (Ga 11,35). Cho dù Người biết rằng trong hai phút nữa, Người sẽ làm cho người thanh niên này sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã để cho trái tim Người tan vỡ trước sự hiện diện của những trái tim tan vỡ khác.
Mỗi lần chúng ta cầu nguyện với Chúa Giêsu, mỗi lần chúng ta tham dự Thánh Lễ, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa có trái tim bị tan vỡ. Tại sao? Bởi vì Người để cho những gì làm tan vỡ trái tim chúng ta làm tan vỡ trái tim Người.
Chúa Giêsu đã khóc, nhưng Người cũng đã chờ đợi. “Đã chờ đợi” là từ khó đối với chúng ta. Tường thuật của Gioan nói rõ ràng rằng khi Chúa Giêsu nghe Ladarô đã bị bệnh, Người đã chờ đợi. Làm sao chúng ta có thể hài hoà điều đó? Nếu Thiên Chúa khóc về cái chết và để cho trái tim Người bị tan vỡ với trái tim chúng ta, chúng ta sẽ làm gì với sự thật là Người đã chờ đợi để hành động? Lạy Chúa Giêsu, tại sao Chúa đã không hành động? Tại sao Chúa đã không xuất hiện? Tại sao Chúa chờ đợi? Đây là lời kêu gào của chị Mátta và Maria cũng như rất nhiều người trong chúng ta.
Nếu, Thì?
Tôi nghĩ rằng Gioan, tác giả của sách Tin Mừng, đang cố gắng dạy chúng ta một điều quan trọng về sự chờ đợi này của Thiên Chúa, điều mà tác giả biết sẽ khó đối với chúng ta. Vì thế, ngài nói rất rõ rằng mọi sự Chúa Giêsu làm trong câu chuyện này đều được làm vì tình yêu lớn lao. Ba lần ngài lôi kéo sự chú ý tới tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Ladarô, Mátta và Maria (Ga 11,3.5.36).
Mục đích của Gioan là thách đố chúng ta bỏ lại phía sau mối tương quan có điều kiện với Thiên Chúa. Các mối tương quan có điều kiện được dựa trên “nếu, thì”. “Lạy Chúa, nếu Chúa có ở đây, thì em con đã không chết” (Ga 11,21.32).
Chúng ta quen với các mối tương quan có điều kiện. Với lựa chọn thứ nhất đã làm thế giới bị đổ vỡ, Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo nói: lòng tin tưởng đã chết trong trái tim con người (GLHTCG, số 397). Trong một thế giới nơi mà sự chết là có thực, đau khổ và bệnh tật tràn lan, và các mối tương quan trở nên không trọn vẹn, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là khi lòng tin bị xói mòn. Chúng ta nản lòng, thất vọng. Vì thế chúng ta xác lập các mối tương quan có điều kiện với nhau. Chúng ta cũng làm như thế đối với Chúa. Nếu Chúa yêu con, thì Chúa sẽ làm điều này cho con.
Bên dưới sự phàn nàn của Maria và Mátta, chúng ta có thể nghe một tiếng kêu sâu sắc hơn: “Lạy Chúa, nếu Chúa đã yêu chúng con, thì em trai của chúng con đã không chết”. Bạn có bao giờ nhận ra chính mình đã từng suy nghĩ hay đã cầu nguyện như thế này không? “Lạy Chúa, nếu Chúa thực sự yêu con, thì Chúa đã thực hiện điều này”. “Nếu Chúa yêu họ, thì Chúa đã làm điều đó”. Nếu, thì.
Sau khi sự tin tưởng đã chết trong lòng Adam và Evà, phần còn lại của Kinh Thánh bàn về việc Thiên Chúa nói với chúng ta: “Con có thể thực sự tin tưởng Ta. Ngay cả khi mọi thứ không còn, ngay cả khi lòng con tan nát, đừng nản lòng. Ngay cả khi Ta đang chờ đợi, ngay cả khi Ta không thể hiện, ngay cả khi Ta không ban cho con điều con cầu xin, đừng nản lòng, đừng thất vọng”.
Các Phép Lạ và Các Vị Tử Đạo.
Một trong những câu truyện yêu thích của tôi trong Kinh Thánh về việc không nản lòng, không thất vọng là từ Cuốn Sách Đanien. Cuốn sách được viết trong thời kỳ Babylon cai trị dân Chúa. Vua Nabucôđônôsô đã xâm chiếm hai bộ tộc miền nam và phá hủy thành phố thủ đô Giêrusalem. Ông đã dựng lên một tượng bằng vàng, rồi ra sắc chỉ là bất cứ khi nào có hiệu lệnh, mọi người phải dừng lại và quỳ gối thờ lạy bức tượng.
Ngay sau khi sắc chỉ này được ban hành, Nabucôđônôsô đã nhận được tin từ các viên chức của mình rằng có ba thanh niên người Do Thái tên Sátrác, Mêsác và Avết Nơgô, từ chối tuân lệnh này. Ông nổi cơn thịnh nộ và truyền đưa ba người đó tới, cho họ thêm một cơ hội nữa để tuân theo: “Bây giờ, nếu các ngươi sẵn sàng sấp mình thờ lạy pho tượng ta đã làm, thì mọi sự sẽ ổn; nếu không, thì tức khắc các ngươi sẽ bị ném vào lò lửa đang cháy phừng phực; và liệu có Thiên Chúa nào cứu được các ngươi khỏi tay ta chăng?” (Đn 3,15).Sátrác, Mêsác và Avết Nơgô đứng dậy và cho câu trả lời hay nhất tôi chưa từng nghe. Đó là một câu trả lời âm vang khắp lịch sử đối với bất cứ ai từng gặp nguy hiểm vì có một lòng tin tưởng có điều kiện, một mối tương quan có điều kiện, một trái tim có điều kiện. Họ đã nói với nhà vua rằng:“Chúng tôi không cần trả lời ngài về chuyện này. Nếu Thiên Chúa chúng tôi thờ có sức cứu chúng tôi thì tâu đức vua, Người sẽ cứu chúng tôi khỏi lò lửa đang cháy phừng phực và khỏi tay ngài. Còn nếu Người không cứu, thì xin đức vua biết cho rằng chúng tôi cũng không phụng sự các thần của ngài, và cũng không thờ lạy pho tượng vàng mà ngài đã dựng đâu!” (Đn 3,16-18).Đó chính là lời tuyên bố về lòng tin tưởng vô điều kiện. Đó không phải là “nếu Người cứu chúng tôi, thì chúng tôi thuộc về Người”. Tuyệt đối không có nếu, thì. Đúng hơn là “Nếu Người cứu chúng tôi, thì chúng tôi thuộc về Người; nếu Người không cứu chúng tôi, thì chúng tôi vẫn thuộc về Người”.Nhà vua đã ném ba người đó vào lò lửa mà họ vẫn sống. Thực vậy, bốn người được nhìn thấy trong lò lửa và người thứ tư trông giống “như con của Thiên Chúa” (Đn 3,92). Chúng ta giải thích rằng Chúa Kitô đã ở cùng với những người đó trong lò lửa. Chúa Kitô đã giải thoát họ khỏi sự chết.Sátrác, Mêsác và Avết Nơgô đã không có một đức tin có điều kiện. Tại sao? Họ đã có trái tim giống trái tim của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy trái tim của Chúa Giêsu trong Vườn Giêtsimani, khi Người cầu nguyện cùng một điều: “Lạy Cha, xin cất chén này xa con; đó là điều con muốn. Xin ban cho con điều này. Nhưng, nếu Cha không muốn, thì xin cho ý Cha được thể hiện”(x. Mt 26,39). Sátrác, Mêsác và Avết Nơgô đã được giải thoát; họ đã nhận được phép lạ. Nhưng vấn đề không phải là phép lạ. Vấn đề là có một trái tim giống trái tim của Chúa Giêsu.Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được phép lạ. Stêphanô, một trong các vị phó tế đầu tiên, đã là vị tử đạo đầu tiên cho Chúa Kitô (x. Cv 7). Stêphanô đã được Thiên Chúa xức dầu như là một vị giảng thuyết quyền năng. Khi ngài giảng dạy cho những người giết Chúa Giêsu, họ đã không muốn nghe, vì thế họ “đã bịt tai lại” (Cv 7,57), xông vào Stêphanô, kéo ông ra khỏi thành và ném đá ông cho đến chết. Stêphanô, giống như Sátrác, Mêsác và Avết Nơgô, có một trái tim giống như trái tim của Chúa Giêsu. Tất cả bốn người, đều đơn giản không có điều kiện gì. “Nếu Ngài cứu con, tuyệt vời. Nếu Ngài không cứu con, con vẫn yêu Ngài”. Trong gia đình Kitô hữu của chúng ta, trong câu chuyện của chúng ta, chúng ta vẫn có những phép lạ – nhưng chúng ta cũng có những vị tử đạo. Đôi khi chúng ta nhận được phép lạ; đôi khi chúng ta bị tử đạo. Đôi khi chúng ta được giải thoát; đôi khi chúng ta nhận được án tử. Điểm chung xuyên suốt là gì?Hiển nhiên, chúng ta muốn phép lạ. Chúng ta có thể ghen với những người như Ladarô, Maria và Mátta. “Cái kiểu gì thế? Làm thế nào họ đã nhận được phép lạ?” Có lẽ bạn biết những người nhận được phép lạ; họ đã được cứu độ và họ đã được chữa lành. Giả định của chúng ta có thể là tình yêu luôn luôn có nghĩa là được đòi hỏi cho sự tan vỡ, rằng tình yêu luôn luôn được đòi hỏi cho một trái tim tan vỡ. Nhưng có lẽ quan điểm của Thiên Chúa thì có điều gì đó tệ hơn cả sự chết và tệ hơn cả một trái tim tan vỡ. Có lẽ nản lòng, thất vọng còn tệ hơn cả một trái tim tan vỡ. Tôi nghĩ rằng đôi khi Chúa Giêsu cho phép chúng ta có một trái tim bị tan vỡ, đau khổ để bảo vệ chúng ta khỏi mất lòng tin, khỏi thất vọng.Khi Stêphanô sắp chết, anh đã kêu lên cùng những lời mà Chúa Giêsu đã kêu lên từ thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ” (x. Cv 7,60). Tại sao? Bởi vì trong khi anh đang bị giết, trái tim anh – giống như trái tim của Chúa Giêsu – đang bị tan vỡ. Trái tim ấy bị tan vỡ không phải vì cái chết của anh nhưng bởi vì sự cứng lòng của những kẻ giết anh.
Đó là điều điên rồ về việc trở thành một Kitô hữu: giống như trái tim của Chúa Giêsu, trái tim của chúng ta có thể bị tan vỡ mà không thất vọng. Chúng ta có thể thuộc về Chúa mà không có một mối tương quan có điều kiện. Với ân sủng của Chúa đang hoạt động nơi chúng ta, chúng ta có thể thưa với Chúa: “Bất cứ điều gì mạc khải Chúa nhất trong thế giới này, hãy để nó được thực hiện. Dù đó là phép lạ hay sự tử đạo, sự giải thoát hay sự chết, điều đó không quan trọng. Không có điều kiện. Con muốn có một trái tim giống như trái tim của Chúa – tan vỡ nhưng không thất vọng”.
_______________Đây là đoạn trích từ cuốn sách có tựa đề “Một thế giới chưa hoàn thành”, tác giả là Cha Mike Schmitz (The Word Among Us Press 2020), có sẵn tại www.wau.org/books.
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo Word Among Us
Nguồn: daminhtamhiep.net