1. Ý thức tầm mức quan trọng của việc chia sẻ.

Một trong những lý do đưa đến sự nghèo nàn của chia sẻ là không đặt đúng tầm mức quan trọng của việc chia sẻ. Ta có thể mắc lỗi lầm, cho rằng việc chia sẻ là một việc làm có tính cách máy móc và vì vậy ta không thấy lòng mình hứng khởi khi chia sẻ trong phiên họp.

Chúng ta, Cursillistas, cần ý thức việc chia sẻ trong các buổi hội nhóm hàng tuần trong Ngày Thứ Tư là một hồng ân Chúa ban cho ta qua Phong Trào. Nếu ta ý thức được chia sẻ trong phiên họp là cơ hội để ta tái tuyên xưng niềm tin, và là dịp để ta có thể nâng đỡ anh chị em của ta trong tình bác ái thì tâm hồn ta sẽ sốt sắng hơn và lời chia sẻ của ta sẽ mang một sắc thái mới, đầy chân thành, hứng khởi và đem lại lợi ích cho người nghe.

  • Chia sẻ trong phiên họp là cơ hội để ta tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Kitô, Thầy Chí Thánh.

Ta có thể mang một nỗi buồn là thấy mình vì hoàn cảnh, vì thiếu khả năng hay vì không có cơ hội nên ít khi có dịp nói cho người khác nghe về Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh mà ta yêu mến và trông cậy. Việc chia sẻ trong phiên họp là cơ hội tốt nhất và luôn sẵn có để ta lớn tiếng tuyên xưng tình Chúa yêu thương ta đến chừng nào. Chia sẻ hay nói cho người khác nghe về Thiên Chúa chính là một hành vi tuyên xưng đức tin. Cơ hội này, chúng ta, những Cursillistas có may mắn được gặp mỗi tuần. Có nhiều tín hữu không biết một đời có được bao nhiêu cơ hội để tuyên xưng niềm tin nơi Thiên Chúa. Hãy tưởng tượng nếu không có hội nhóm Cursillo, ta sẽ có mấy khi nói với người khác về Thiên Chúa? Lúc đó dù lòng ta có mong muốn nhưng có lẽ vì ngại ngùng hay nhút nhát ta cũng ít khi dám lớn tiếng cất lên lời ca tụng danh Ngài. Thế nhưng giờ đây Phong Trào đã cho ta cơ hội và còn khuyến khích ta chia sẻ trong mỗi phiên họp. Mỗi lần chia sẻ phải là một lần tuyên xưng đức tin vì theo Thủ Bản Phong Trào, Chúa Giêsu phải là trung tâm điểm của mọi lời chia sẻ trong hội nhóm Cursillo.

Chính khi tuyên xưng niềm tin nơi Thiên Chúa, khi nói cho mọi người trong nhóm về tình Chúa thương ta và tâm tình ta trông cậy nơi Ngài mà niềm tin của ta trưởng thành hơn và lòng Tin, Cậy, Mến trong ta được củng cố.

  • Việc chia sẻ trong phiên họp là một hành vi bác ái.

Chia sẻ là phương thế chính Phong Trào Cursillo dùng để nâng đỡ các Cursillistas trong cuộc hành trình Ngày Thứ Tư, cuộc hành trình đầy gian nan nguy hiểm với bao thăng trầm của cuộc sống. Trong cuộc sống thường ngày của ta cũng như trong cuộc sống niềm tin, ta sẽ không tránh khỏi những bước thăng trầm. Có những ngày vui đầy nắng ấm, có tiếng chim ca, có ngàn hoa nở chào trong gió nhẹ, có tình yêu Chúa rất êm ngọt dịu dàng. Có những lúc ta cảm thấy Thiên Chúa ở rất gần và sự hiện diện của Ngài thật quá rõ ràng đến nỗi không thể nghi ngờ. Chính là vì ta đang cảm nếm sự êm ngọt của tình thương Chúa như lời Kinh Thánh: Hãy nếm thử và hãy nhìn xem cho thấy Chúa dịu ngọt dường bao (Tv 34:9). Nhưng cũng có những ngày mây mù giông bão, vắng bóng mặt trời của tình yêu Chúa. Lúc đó niềm tin là một niềm tin trong đêm tối! Lúc đó, tình mến như phai mờ, niềm hi vọng cũng lung lay và đức tin như mịt mù trong sương khói. Lúc đó ta chỉ còn cố giữ một lòng cậy trông giữa đêm tối của tâm hồn, bám víu vào Thiên Chúa như người đắm tàu đang cố bám ghì lấy chiếc phao cứu mạng giữa chập chùng sóng gió biển khơi. Lúc đó ta cảm thấy Thiên Chúa dường như đã ẩn mặt. Ta thấy Ngài thật ngàn trùng xa cách và có khi còn nghi ngờ sự hiện hữu của Ngài. Lúc đó, ta cần sự trợ lực của các anh chị em Cursillistas. Ta phải đến với phiên họp để được nâng đỡ qua ơn Chúa, qua lời cầu nguyện và những chia sẻ của các anh chị em. Lúc đó, với ơn Chúa trợ giúp, lời chia sẻ của anh chị em thật sự mang một sức mạnh có thể nâng đỡ cho niềm tin của ta.

Vì chia sẻ trong phiên họp là một động tác tuyên xưng niềm tin và là một hành vi bác ái nên cần phải được chuẩn bị kỹ càng với một tâm tình đầy sốt mến hứng khởi. Những gì ta làm vì tình yêu phải được làm với tất cả tâm hồn. Khi dâng lên Thiên Chúa lễ vật tình yêu, ta phải dâng lên những gì cao quý nhất. Một chia sẻ cho qua lần, không được chuẩn bị trước trong tâm tình cầu nguyện sẽ không xứng đáng là một tặng phẩm của tình yêu.

2. Chuẩn bị cho việc chia sẻ.

Có thể nói một trong những nguyên nhân chính của những chia sẻ thiếu phần phong phú là do không được chuẩn bị trước. Không chuẩn bị vì ta chưa đặt đúng tầm quan trọng của sự chia sẻ trong phiên họp. Nếu ta quan niệm rằng chia sẻ của ta là cơ hội để tuyên xưng niềm tin và là một hành vi bác ái để nâng đỡ các anh chị em thành viên của nhóm, ta sẽ chuẩn bị trước kỹ càng hơn.

Không chuẩn bị và suy nghĩ trước ta sẽ quên đi những hồng ân của Chúa trong cuộc sống, những điều ta đã nhận được qua việc Học Đạo, những tâm tình cảm mến trong Sùng Đạo và những cơ hội ta đã gặp được trong cuộc sống mỗi ngày để loan báo Tin Mừng qua Hành Đạo.

Không chuẩn bị trước, ta sẽ ngại ngùng chia sẻ vì không biết sẽ nói gì. Khi đến lúc phải chia sẻ, ta sẽ bắt đầu nói nhưng chẳng biết rõ mình định chia sẻ những gì. Ta như một con tầu ra khơi không định hướng, cũng chẳng có la bàn! Ta sẽ chia sẻ tùy hứng và nói ra những tư tưởng vừa chợt nẩy ra trong trí óc. Khi đó, có thể ta sẽ bắt đầu nói rằng tuần này cuộc sống ta vẫn bình thường, không có gì đáng chia sẻ, rồi sau đó bắt đầu chia sẻ rất dài, kể ra nhiều chi tiết trong cuộc sống. Không được chuẩn bị, những chia sẻ dễ đi lạc đề, không liên quan gì đến sự vụ lệnh và không cụ thể đi vào những khía cạnh cốt lõi của cuộc sống ngày thứ từ là Sùng Đạo, Học Đạo, và Hành Đạo.

Nên dành cho việc chuẩn bị một thời điểm nhất định tùy theo chương trình của cuộc sống của ta: trong thời gian hồi tâm buổi tối ngày trước phiên họp, lúc dâng lời tạ ơn buổi sáng khi mới thức giấc trong ngày họp, hay trong thời gian trên đường tới phiên họp.

Thời gian chuẩn bị cho việc chia sẻ chính là phút dừng chân trong cuộc sống. Ta cần những phút dừng chân trong cuộc sống để định hướng lại cuộc đời, để một lần nữa đặt Chúa Giêsu – Thầy Chí Thánh – làm trung tâm điểm cuộc đời ta. Trong cuộc sống hàng ngày với tràn ngập những vấn đề trước mắt, ta dễ bị cuốn theo cơn gió lốc, bụi mù của lo âu, mê hoặc và quên đi điều quan trọng nhất. Ta mất đi niềm vui, mất an bình và ngày đêm lo lắng vì những điều không quan trọng, chẳng liên quan gì đến vận mệnh đời đời của ta. Ta quên rằng căn bản của mọi niềm vui và an bình là tình thương của Thiên Chúa và Ơn Cứu Độ của Ngài.

Ta sống trong bao nhiêu lo âu, dường như quên rằng Chúa đã Phục Sinh, và cũng quên mất rằng sứ điệp cao đẹp nhất của cuộc đời ta phải là chứng từ reo vui Tin Mừng Chúa Phục Sinh. Ta thiếu vắng niềm vui vì đã tự đặt mình làm trung tâm điểm của cuộc sống. Khi đã đặt mình làm trung tâm vũ trụ, ta dễ biến mình thành kẻ kiêu căng, không thể có được tâm tình tạ ơn và thái độ khiêm tốn. Mà tâm tình tạ ơn và thái độ khiêm tốn lại chính là chìa khóa của bình an và hạnh phúc.

Phút hồi tâm đặt ta trực diện với cuộc sống để định hướng lại địa bàn, điều chỉnh lại cuộc sống trong cuộc hành trình Ngày Thứ Tư. Đây là cơ hội để ta nhìn lại cuộc sống mình qua lăng kính của tình yêu. Ta sẽ tự hỏi: cuộc sống tôi trong thời gian qua, trong tuần lễ vừa qua có gì để chia sẻ với các anh chị em trong phiên họp. Tôi đã làm được gì cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Chúa Giêsu sẽ nhìn cuộc sống của tôi ra sao. Ngài có sẽ hỏi tôi như ông chủ vườn nho trong dụ ngôn, hỏi những người còn đang đứng lang thang bên lề đường, không vào làm việc trong vườn nho của Ngài: Sao các ông đứng đây cả ngày mà không làm gì cả? (Mt 20:6). Tôi đang làm gì với cuộc đời mình? Bây giờ đã là giờ thứ mấy trong cuộc đời tôi?… Qua phút hồi tâm, ta mới chợt nhận ra cuộc sống của mình còn nhiều xao lãng, còn quá biếng lười, còn thờ ơ với tình yêu tha nhân và chưa tha thiết yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa.

Ta có thể dùng thời gian chuẩn bị cho việc chia sẻ trong phiên họp như những giây phút hồi tâm quý giá trong cuộc sống. Để chuẩn bị cho phiên họp Cursillo, ta nên xét lại cuộc đời mình qua ba khía cạnh của Học Đạo, Sùng Đạo và Hành Đạo. Cẩm Nang Lãnh Đạo đã nói rõ là hội nhóm được thể hiện khi các nhóm viên chia sẻ trong phiên họp về ba khía cạnh này. Nói cách khác, nếu trong một phiên họp nhóm mà các nhóm viên chỉ nói về những chuyện thời sự, gia đình hay hàn huyên tâm sự mà không chia sẻ về đời sống tâm linh qua ba khía cạnh Sùng Đạo, Học Đạo, Hành Đạo thì phiên họp đó chỉ là một cuộc họp bạn mà chưa phải là hội nhóm Cursillo.

Trước khi nói về nội dung của lời chia sẻ theo từng khía cạnh, ta hãy tìm hiểu về tinh thần của lời chia sẻ trong buổi hội nhóm Cursillo.

3. Tinh thần của lời chia sẻ.

Tinh thần của lời chia sẻ là tinh thần bác ái, chân thành và cẩn trọng. Chia sẻ là món quà quý nhất các thành viên trao cho nhau trong phiên họp. Vì ta đang bày tỏ cuộc sống nội tâm và tình trạng tâm hồn của ta, những điều mà nhiều khi ta không chia sẻ với những người thân yêu nhất, ngay cả trong gia đình. Điều cần nhấn mạnh là những lời chia sẻ phải được lắng nghe bởi các thành viên trong nhóm với tâm tình bác ái, trân trọng và bảo mật.

Chia sẻ càng sâu xa và chân thành, vấn đề bảo mật càng trở nên vô cùng quan trọng. Tiết lộ những điều được chia sẻ trong phiên họp ra ngoài là một hành vi thiếu công bằng và bác ái. Hành vi này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và có thể làm tổn thương đến tình liên kết giữa các thành viên trong nhóm. 

Thủ Bản Legio Mariae khi nói về vấn đề báo cáo công tác trong phiên họp đã đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo mật, và nghiêm cấm việc tiết lộ những báo cáo ra ngoài phiên họp. Thủ Bản gọi hành vi này là một hành vi phản bội. Và Thủ Bản Legio Mariae cũng nói là cách giải quyết khi những chia sẻ trong buổi họp bị tiết lộ ra ngoài không phải là ngưng không dám chia sẻ nữa mà là “trục xuất tên phản bội”. Chi tiết này được trích dẫn từ Thủ Bản của Hội Legio Mariae trong phần nói về phiên họp hàng tuần của các tiểu đội Legio Mariae. Sự trích dẫn này chỉ nhằm mục đích làm nổi bật tầm quan trọng của vấn đề bảo mật cho những lời chia sẻ, và không có mục đích gợi ý về cách ứng xử khi có sự vi phạm về vấn đề bảo mật trong hội nhóm Cursillo.

  • Tự do, đơn sơ và chân thành.

Lời chia sẻ cần đơn sơ và chân thành, tránh không nên gây cảm tưởng bị gò bó và máy móc. Khi chia sẻ không nên cảm thấy như mình đang xưng tội vì đã không giữ được những cam kết trong sự vụ lệnh. Dĩ nhiên tạ có thể bày tỏ tâm tình thống hối trong lời chia sẻ những khi ta thấy mình xa Chúa, không trung thành trong tình yêu Chúa và không yêu thương tha nhân. Nhưng lòng thống hối cũng bắt nguồn từ tình yêu mến Thiên Chúa chứ không do sự sợ hãi.

Tất cả những tác động của đời sống nội tâm phải hoàn toàn tự do, mới là tác động của tình yêu. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Thiên Chúa hoàn toàn tự do vì Ngài là Tình Yêu. Chúa cũng tạo dựng nên con người có tự do, để ta có thể yêu mến Ngài hoặc cũng có thể phản bội Ngài. Nếu ta chỉ làm vì đã lỡ hứa hay bị kẹt thì có thể Chúa Kitô – Thầy Chí Thánh – một lần nữa lại cảm thấy “Dân này chỉ thờ Ta bằng môi miệng nhưng lòng họ xa Ta!” (Mt 15:8). Tình yêu cao quý dường bao vì tình yêu chính là lễ vật quý nhất, đẹp lòng Chúa nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa. Chính vì muốn cho con người khả năng để yêu mà Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do. Với ý chí tự do, ta có thể phản bội Thiên Chúa, gây bao đau khổ cho tha nhân. Và cũng với sự tự do, ta có thể tha thiết mến yêu Ngài và dâng hiến cả một đời để phục vụ tha nhân như gương của Mẹ Têrêsa Calcutta. Thiên Chúa ban cho con người tự do chính là vì Ngài tha thiết mong đợi chúng ta yêu mến Ngài. Đấng đã tạo thành vũ trụ vô biên và muôn vàn cơ binh các thiên thần, Đấng từ thuở đời đời đã luôn có hạnh phúc hoàn toàn và trọn vẹn trong nội tâm lại khát khao tình yêu của con người. Ôi mầu nhiệm quá cao siêu làm sao ta hiểu được.

Không có tự do, con người không thể phạm tội làm buồn lòng Thiên Chúa, nhưng con người lúc đó cũng chẳng có khả năng để yêu mến Ngài mà chỉ là những người máy không hồn. Thiên Chúa không muốn như vậy. Chúa muốn con người có tự do để họ có thể yêu mến Ngài mặc dầu Thiên Chúa biết rằng cũng với sự tự do đó, họ sẽ đóng đinh Ngài vào thập giá!

Sự vụ lệnh có thể giúp ta khỏi quên lãng trong những bận rộn của cuộc sống và nâng đỡ ta trong sự yếu đuối của con người. Nhưng sự vụ lệnh chỉ có tác dụng như một lời nhắc nhở chứ không phải một khế ước bị áp đặt. Ta cứ đơn sơ như trẻ thơ, rất tự do trong nhà của Cha chúng ta, và ca tụng Ngài qua những chia sẻ chân thành.

Chia sẻ qua ba khía cạnh Sùng Đạo, Học Đạo và Hành Đạo là phương thức dễ dàng nhất để ta không bị đi lạc đề trong khi chia sẻ. Tuy nhiên nên tránh đừng để những chia sẻ trở thành hình thức và máy móc.

  • Tinh thần khiêm tốn trong chia sẻ.

Nên tránh cho người nghe có cảm tưởng là ta đang khoe khoang về cuộc sống nội tâm hay sự thánh thiện của mình. Nhất là cần phải thận trọng khi ta chia sẻ về những hồng ân của Chúa mà ta nhận được, dù là về phương diện vật chất hay tinh thần. Khi người nghe có cảm tưởng là ta đang khoe khoang, thì những chia sẻ của ta sẽ mất đi hiệu quả và không còn mang sức mạnh nâng đỡ.

Đây là điểm tế nhị và đòi hỏi sự khôn ngoan để ta tránh mắc phải hai thái cực là nói quá nhiều hay quá ít về đời sống nội tâm của mình. Cũng cần có sự khôn ngoan, khiêm tốn và luôn trong tâm tình cầu nguyện để nhận ra những hồng ân nào ta cần giữ kín trong nội tâm như Mẹ Maria đã luôn giữ lại và suy niệm trong lòng; và hồng ân nào ta nên chia sẻ để anh chị em cùng ta muốn đời cảm tạ tình thương yêu nhân hậu của Thiên Chúa.

Sự khiêm tốn là nhân đức nền tảng của người môn đệ Chúa Giêsu. Trong Phúc Âm, Chúa đã mời gọi ta học nơi Ngài vì Ngài hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng. Khiêm nhường chiếm vị ưu việt vì khiêm nhường là nền tảng và là điều kiện tiên quyết của yêu thương. Không thể yêu mến Thiên Chúa và thương yêu tha nhân nếu ta muốn đặt mình làm trung tâm điểm của vũ trụ. Mức độ và khả năng để ta có thể yêu thương tùy thuộc vào mức độ ta biết quên mình. Chúa Giêsu nói rất rõ: Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mỗi ngày…. (Mc 8:34). Từ bỏ mình là điều kiện đầu tiên và không thể thiếu trên đường ta bước theo Chúa Giê su và làm môn đệ Ngài. Vì Ngài đã đến để làm theo thánh ý của Đức Chúa Cha, để vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá.

Tâm tình thật sự khiêm tốn và quên mình sẽ hướng dẫn ta khi ta chia sẻ trong buổi họp. Ngay việc vâng lời Phong Trào đề chuẩn bị kỹ càng và chia sẻ với anh chị em trong phiên họp cũng đã là một biểu lộ của đức khiêm nhường. Khiêm nhường sẽ nhận ra thân phận tội lỗi của mình và qui hướng về Thiên Chúa mọi chúc tụng và vinh danh.

Cứ ngồi im lặng không chia sẻ vì sợ mất lòng khiêm nhường chưa chắc đã là biểu hiện của một tâm tình khiêm nhường đích thực. Khiêm nhường luôn đi song đôi với sự vâng lời và yêu thương. Cần phải chia sẻ trong phiên họp vì chia sẻ của ta là do sự thúc đẩy của tình mến.

Cần phải cẩn trọng khi chia sẻ nhưng không nên để sự cẩn trọng khiến ta trở thành rụt rè và thiếu tự nhiên. Ta đừng quên căn bản của nhóm Cursillo là nhóm của những người bạn thân được liên hết trong tình yêu Thiên Chúa. Ta đang nói với những bạn thân của ta. Tốt nhất là đơn sơ, chân thành, khiêm tốn và ta cứ tự do như mây trời để tâm tình với anh chị em của ta.

  • Lắng nghe trong tình bác ái.

Trong phiên họp, ngoài việc chia sẻ, ta còn phải lắng nghe trong tình bác ái. Nghệ thuật lắng nghe là một nghệ thuật quan trọng trong tình bạn. Chăm chú lắng nghe mặc dầu những chia sẻ của người đối diện không mấy làm ta thích thú, là một biểu hiện của tình bác ái. Nhất là khi người chia sẻ đang gặp những khó khăn, dù là trong nội tâm, trong cuộc sống gia đình hay xã hội. Khi đó sự lắng nghe của ta thật sự là một nâng đỡ, ủi an vì là sự thể hiện của tâm tình cảm thông chia sẻ.

Sự lắng nghe được thể hiện bằng cả con người ta. Qua nét mặt, ánh nhìn, qua thế ngồi, cử chỉ. Không thể vừa nghe, vừa coi đồng hồ, vừa lật sách hay nhìn tranh ảnh trên tường…. Điều quan trọng nhất là phải lắng nghe trong tâm tình tin tưởng, tôn trọng và bác ái.

Tất cả chúng ta không ít thì nhiều đều mang trên vai những thập giá của đời người. Bao lâu ta còn hơi thở, bấy lâu ta còn phải khổ đau. Con người, do nguyên tội đã mất đi tình trạng diễm phúc của địa đàng. Tâm hồn ta luôn chất chứa những lo âu. Mới giải quyết xong vấn đề này, lại đã thấy có vấn đề khác. Mới vác xong thập giá này, đã có thập giá khác đang chờ!

Chúa Giêsu đã vào đời để cùng thông cảm, chia sẻ và đỡ nâng những gánh nặng của ta. Chính Ngài đã kêu gọi tất cả những ai vất vả, kiệt sức và gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ngài để tìm được sự nghỉ ngơi, để được tình yêu Ngài bổ sức và nâng đỡ. Chúng ta, những Cursillistas, cũng được Chúa mời gọi để trở thành một cánh tay nâng đỡ anh chị em mình. Một trong những sự nâng đỡ ta có thể trao ban mỗi tuần chính là lắng nghe tâm tình chia sẻ của anh chị em trong phiên họp. Lắng nghe trong tình bác ái, lắng nghe trong sự khiêm tốn, thông cảm, nhất là khi anh chị em ta đang gặp thử thách.

Cần phải tránh thái độ nghi ngờ và phán đoán trong khi nghe những lời chia sẻ. Nguy cơ này có lẽ thường xẩy ra nhiều hơn trong những lúc gặp gỡ đông người như tại những buổi Ultreya, nhưng nguy cơ này cũng có thể có ngay trong các cuộc họp nhóm nhỏ. Ta có thể thầm nghĩ là người chia sẻ đang cường điệu hóa vấn đề hay đang có ý khoe khoang những hồng ân mà họ nhận được. 

Dù cho chia sẻ của người khác đối với ta có vẻ dường như khoe khoang, ta cũng không nên nghe với tâm tình phán đoán. Vì một khi ta đã có định kiến là người chia sẻ đang khoe khoang, thì những chia sẻ của họ sẽ không giúp được ta nữa. Khi đó, ta không còn mở rộng tâm hồn để đón nhận những lời chia sẻ và không còn nhận ra được những hồng ân Chúa đã ban trong cuộc đời của họ.

Ta hãy lắng nghe như người bạn ta đang chia sẻ tâm tình của họ với tất cả thiện ý. Thiện ý của người chia sẻ cũng như của người đang nghe. Lắng nghe để cùng cảm thông, cầu nguyện khi bạn ta đang gặp khó khăn; hay để cùng vui mừng dâng lời tạ ơn Chúa khi họ được may mắn.

Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu: Hãy vui cùng người vui và khóc cùng kẻ khóc. (Rm 12:15). Đây là hai khía cạnh tuyệt vời của đức bái ái. Cần phải có một trái tim nhậy cảm mới có thể cảm thông được nỗi buồn của tha nhân. Như trái tim đầy tình bác ái của Mẹ Maria tại tiệc cưới Cana đã nhìn thấy ngay sự bối rối lo âu của đôi tân hôn khi nửa chừng hết rượu. Mẹ đã xin Chúa Giêsu ra tay cứu giúp mà không chờ chủ nhà lên tiếng van xin. Hay như trái tim yêu thương nhân hậu của Chúa Giêsu, đã chạnh lòng thương đoàn lũ dân chúng vì thấy họ bơ vơ lạc lõng như đàn chiên không có người chăm lo săn sóc. Trái Tim Chúa Giêsu đã bị lưỡi giáo đâm thâu trên thập giá để chia sẻ và cứu độ mọi nỗi thống khổ của cuộc đời mỗi người chúng ta, và của cả nhân loại.

Thật tình vui cùng người vui là dấu hiệu của một tâm hồn khiêm tốn và đầy tình bác ái cao cả. Chia sẻ niềm vui của anh chị em khi họ được chúc phúc và may mắn hơn ta là biểu lộ của tình yêu thương rất tuyệt vời. Khi đó, tâm hồn ta đã tiến bước trên đỉnh cao thánh thiện, theo gương thánh Gioan Tiền Hô khi ngài nói về Chúa Giêsu là em họ của thánh nhân: “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi”. (Ga 3:30).

  • Bác ái trong khi chia sẻ

Thi Đức ái phải luôn rạng ngời trong những lời chia sẻ tại các buổi hội nhóm. Khi tình yêu hiện diện, lời chia sẻ của ta sẽ chất chứa niềm vui, sẽ mang lại sự hứng khởi và trở thành lương thực nâng đỡ cho các anh chị em. Không có đức ái, chia sẻ của ta trở nên lạnh lùng, gây ra không khi nặng nề, thiếu thoải mái trong phiên họp. Khi đó chia sẻ của ta sẽ không đem lại lợi ích thiêng liêng gì cho các thành viên.

Sự thiếu bác ái khi chia sẻ trong phiên họp dễ xẩy ra hơn là ta nghĩ, vì nó có thể xẩy ra ngay cả khi ta không cố tình lỗi đức ái.

Nếu ta không đặt Chúa Giêsu làm trung tâm điểm cho lời chia sẻ của ta, ta sẽ có thể lỗi đức ái khi chia sẻ về những sự việc xẩy ra trong mối tương quan với những người chúng ta gặp trong cuộc sống. Lúc đó, có thể ta không cố tình, nhưng lời chia sẻ của ta đã phần nào ngầm chứa sự phê phán, trách cứ… Sự thiếu bác ái này có thể xẩy ra ngay cả khi ta đang chia sẻ về những người thân yêu nhất trong gia đình hay về những người bạn của ta trong các hội đoàn, đoàn thể …Thiếu đức ái, lời chia sẻ có nguy cơ biến thành những lời nói xấu hay chỉ trích!

Dĩ nhiên, ta không vì sợ lỗi bác ái mà trở nên rụt rè hay thiếu thành thật trong khi chia sẻ. Tiêu chuẩn tốt nhất là ta hãy tự hỏi: Chúa Giêsu sẽ nghĩ gì khi Ngài đang ngồi trong phiên họp và nghe những lời chia sẻ của ta. Ở đây ta cũng có thể áp dụng tiêu chuẩn mà Thánh Augustinô đã đề ra: hãy yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm.

Ta còn phải chú ý, giữ tình bác ái trong khi chia sẻ bằng cách để ý đến thái độ của người nghe, đừng để chia sẻ của ta kéo quá dài. Thời gian chia sẻ tùy thuộc hoàn cảnh đặc thù của mỗi nhóm, nhưng ta phải lưu tâm dành thời giờ chia sẻ cho những thành viên khác để mỗi người đều có cơ hội chia sẻ. Có thể nhận ra chia sẻ của ta đã quá dài khi thấy người nghe từ sự chú tâm lắng nghe lúc đầu đã bắt đầu có thái độ mệt mỏi Sự mệt mỏi lắng nghe sẽ được biểu lộ khi ta thấy người nghe bắt đầu nhìn đi chỗ khác, coi đồng hồ, mở sách Phương thế hữu hiệu nhất để tránh những chia sẻ dài dòng và đi lạc đề là chuẩn bị trước như đã đề cập. Nếu ta không chuẩn bị và không biết trước mình sẽ chia sẻ những gì thì những lời chia sẻ của ta sẽ lâm vào tình trạng tùy hứng và không biết sẽ nổi trôi đi về đâu!

Một nguyên tắc thật tuyệt vời cho những lời chia sẻ trong phiên họp đã được nêu lên trong Cẩm Nang Lãnh Đạo: Đặt Chúa Giêsu làm trung tâm điểm cho mọi lời chia sẻ.

Đọc tiếp: Sùng Đạo
[mục lục] Cuộc Hành Trình Ngày Thứ Tư