Tác giả: Don Schwager
Nguồn: 
www.dailyscripture.net
Lm. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD. chuyển ngữ

Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên 

Mt 23, 1-12

1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Suy niệm: Ai lại không ao ước lời khen ngợi và sự kính trọng của người khác? Chúng ta muốn người khác nhìn mình lúc tốt nhất với tất cả những năng lực và thành tựu của mình – hơn là lúc chúng ta tệ nhất với tất cả những lầm lỗi và thiếu sót của mình. Thiên Chúa nhìn thấy chúng ta như chúng ta thật sự là – những tội nhân và những người luôn cần đến lòng thương xót, sự trợ giúp, và sự hướng dẫn của Người.

Ngôn sứ Isaia  đã cảnh báo cho cả những nhà lãnh đạo và dân chúng thành Sôđôm và Gômôra hãy lắng nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa để họ có thể học cách làm điều tốt và xa tránh điều dữ (Is 1,16-17). Ðức Giêsu đã cảnh báo các luật sĩ và Pharisêu, các thầy dạy và các nhà lãnh đạo của Israel phải dạy dỗ và phục vụ dân mình với sự khiêm tốn và chân thành hơn là với sự kiêu căng và sự tự cao tự đại. Họ còn đi xa hơn nữa bằng cách lôi kéo sự chú ý vào địa vị tôn giáo và những thực hành đạo đức của họ. Bằng cách này, họ muốn làm những mẫu mực tốt về sự tuân giữ luật lệ Dothái. “Hãy xem chúng tôi tuân giữ tất cả mọi luật lệ nghi thức và tôn giáo chu đáo biết chừng nào!” Trong sự nhiệt thành sai lạc của mình về tôn giáo, họ tìm kiếm sự kính trọng và vinh dự cho riêng mình hơn là cho Thiên Chúa. Họ khiến cho sự thực hành đức tin của mình thành gánh nặng hơn là niềm vui cho dân chúng mà lẽ ra họ phải phục vụ.

Lòng kính trọng đích thật dành cho Thiên Chúa giúp chúng ta tự hạ và suy phục giáo huấn của Người. Chúng ta không thể được Thiên Chúa dạy dỗ trừ khi trước hết chúng ta học cách lắng nghe lời Người sau đó mới vâng phục sự chỉ dẫn của Người.

Một Cha và một Thầy

Ðức Giêsu có cấm người ta gọi ai đó là thầy, danh xưng của người Dothái cho vị thầy giảng dạy lời Chúa (Mt 23,7-8), hoặc là chakhông? – Luật Môisen trong Kinh Thánh đã truyền lệnh cho những người cha phải dạy con cái mình vâng theo những chỉ dẫn của Thiên Chúa (Ðnl 6,7)? Tại sao Đức Giêsu khiển trách những người luật sĩ và Pharisêu, những nhà lãnh đạo tôn giáo của dân Dothái trước mặt các môn đệ? Ðức Giêsu muốn cảnh cáo cho cả hai: các môn đệ của Người và những người lãnh đạo tôn giáo về sự cám dỗ tìm kiếm danh hiệu và sự kính trọng để lôi kéo sự chú ý về mình thay vì cho Thiên Chúa và lời Chúa. Kiêu ngạo cám dỗ chúng ta đặt mình trên người khác.

Kinh thánh đưa ra lời cảnh cáo mạnh mẽ về mối nguy hiểm của lòng kiêu ngạo tự tìm kiếm tư lợi: Kiêu căng đưa tới sụp đỗ, ngạo mạn dẫn đến té nhào (Cn 16,18). Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, và ban ơn cho những kẻ khiêm nhường (Gc 4,6; Cn  3,24).

Origen (185-254 AD), một vị tôn sư và một nhà giải thích Kinh thánh, nhắc nhở những ai dạy dỗ và hướng dẫn phải nhớ rằng họ là các “môn đệ” và “tôi tớ” trước hết và trên hết, người ngồi dưới chân Chủ và Thầy mình là Chúa Giêsu Kitô:

“Anh em có một thầy, và các người đều là anh em với nhau… Ai phục vụ lời Chúa không mong đợi mình được gọi là thầy, vì họ biết rằng khi họ thực hiện tốt, đó chính là Đức Kitô ở trong họ. Họ chỉ nhận mình là tôi tớ, chiếu theo lệnh truyền của Đức Kitô, Đấng đã nói, ai là người lớn nhất giữa anh em, hãy là người phục vụ mọi người.”

Khiêm nhường đích thật

Tôn kính Thiên Chúa và những đường lối của Người hướng chúng ta tới sự khiêm nhường và đơn sơ trong lòng – sẵn sàng tìm kiếm Đấng tốt lành đích thật là Thiên Chúa. Bản tính khiêm nhường đích thật là gì và tại sao chúng ta phải đưa nó vào cuộc sống của mình? Chúng ta có thể dễ dàng lầm lẫn khiêm nhường như điều gì đó làm giảm giá trị hay gây hại cho cảm giác hạnh phúc của mình và cảm thấy tốt về mình. Khiêm nhường đích thật không nghĩ xấu về chính mình, hay có quan điểm thấp kém về mình, hay hạ thấp mình hay nghĩ mình thấp kém hơn mọi người khác. Khiêm nhường đích thật giải thoát chúng ta khỏi mối ưu tư về mình bởi vì sự cố chấp thấp hèn hướng tới sự quy hướng về mình. Khiêm nhường là chân thật trong sự tự biết chính mình và chân thật trong hành động. Việc nhìn mình một cách chân thật với sự phán đoán khiêm tốn hơn, tức là nhìn mình theo cách Thiên Chúa nhìn chúng ta (Tv 139,1-4).

Người khiêm nhường đánh giá thành thật về chính mình chứ không có ảo tưởng hay giả bộ là người nào đó mà mình không phải. Người khiêm nhường thật sự nhìn mình không nhỏ hơn cũng không lớn hơn con người thật của mình là. Khiêm nhường đích thật giúp chúng ta là chính mình như Thiên Chúa nhìn chúng ta và tránh được nỗi tuyệt vọng và kiêu ngạo. Người khiêm nhường không muốn mang cái mặt nạ hay cái mã bên ngoài để người khác thấy mình tốt. Người như vậy sẽ không bị dao động đột ngột như thanh danh, tiếng đồn, thành công, hay thất bại. Bạn có biết niềm vui của đức tính khiêm nhường và đơn sơ trong lòng như Đức Kitô không?

Khiêm nhường là nữ hoàng hay nền tảng của tất cả các nhân đức khác bởi vì nó giúp chúng ta nhìn và phán đoán đúng đắn theo cách thức Thiên Chúa nhìn. Khiêm nhường giúp chúng ta dễ bảo nhờ đó chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết, khôn ngoan đích thật, và cách nhìn trung thực về thực tại. Nó điều khiển năng lực, sự nhiệt thành, và khát vọng của chúng ta để hiến mình cho điều gì lớn lao hơn bản thân mình. Khiêm nhường mở lòng chúng ta để yêu thương và phục vụ người khác vô vị lợi, vì lợi ích của họ hơn là của chính mình. Thánh Phaolô tông đồ cho chúng ta gương mẫu và mẫu mực của đức khiêm nhường lớn nhất nơi con người của Ðức Giêsu Kitô, Đấng đã hoá mình ra không, mặc lấy thân phận tôi đòi, và… hạ mình và vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập giá (Pl 2,7-8). Bạn có muốn là người tôi tớ như Ðức Giêsu để phục vụ và yêu thương người khác không? Chúa ban ơn sủng cho những ai khiêm tốn tìm kiếm Người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trở nên tôi tớ vì con để giải thoát con khỏi ách nô lệ của tính kiêu ngạo ích kỷ và quá quan tâm đến mình. Xin dạy con biết khiêm nhường như Chúa và yêu thương tha nhân cách quảng đại với sự phục vụ và lòng khoan dung vô vị lợi.

Nguồn: daminhtamhiep.net

* Daily Readings:

https://bible.usccb.org/bible/readings/031825.cfm