Vậy ai có thể vào được nước Trời?

Mt 19, 23-30

(23) Bấy giờ Ðức Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. (24) Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. (25) Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” (26) Ðức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: “Ðối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được”. (27) Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (28) Ðức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ítraen. (29) Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.(30) “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”.

Suy niệm:

 Có phải Đức Giêsu thực sự chống lại sự giàu có chăng (Mt 19,23)? Tại sao Người đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ với người giàu có (cũng như hầu hết chúng ta là những người ước muốn được giàu có)? Chúng ta biết rằng tự bản chất Đức Giêsu không hề chống đối sự giàu có hoặc những người giàu có. Người có nhiều bạn hữu giàu có, kể cả một số người thu thuế có tiếng xấu xa! Thậm chí một người trong số họ trở nên tông đồ của Chúa! Lời cảnh cáo của Đức Giêsu lặp lại lời khôn ngoan trong sách Cựu ước: “Thà nghèo mà ăn ở vẹn toàn, còn hơn giàu mà ăn ở quanh co” (Cn 28,6; và Tv 37,16). “Chớ nhọc công thu tích của cải, và cũng đừng bận tâm tới nó” (Cn 23,4).

Tất cả chúng ta đều là ăn xin trước TC

Xem ra Đức Giêsu muốn nói rằng những người giàu có dường như khó trở thành công dân nước Trời. Con lạc đà được xem là con vật lớn nhất ở nước Palestine. “Lỗ kim” có thể được giải thích hoàn toàn theo nghĩa đen hay một cách ẩn dụ, nó có thể mô tả cái cổng thành chật hẹp và thấp mà những người lữ khách sử dụng khi cổng lớn đã đóng lúc trời tối. Một người có kích thước bình thường cũng phải “cúi mình” xuống khi đi qua cổng đó. Theo nghĩa đen, con lạc đà phải quỳ xuống và bò qua nó. Nếu như chúng ta không khiêm tốn quỳ trước mặt Chúa và nhận biết mình cần và lệ thuộc vào Người, chúng ta sẽ không tìm được sự bình an, an toàn, và hạnh phúc đích thật có thể gìn giữ chúng ta bây giờ và mãi mãi. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm thỏa mãn nhu cầu và khát vọng sâu xa nhất của chúng ta.

Thánh Augustin thành Hippo nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là kẻ ăn xin cần đến Chúa.

“Cho dù bạn có nhiều tài sản, bạn vẫn nghèo. Bạn có những của cải tạm bợ, nhưng bạn thiếu những của cải vĩnh cửu. Bạn lắng nghe tiếng kêu cầu của người ăn xin, nhưng chính bạn lại là kẻ ăn mày cần đến Chúa. Những gì bạn làm cho kẻ cầu xin bạn chính là những gì Thiên Chúa sẽ làm cho kẻ kêu xin Người. Bạn giàu có nhưng bạn vẫn nghèo khó. Hãy chia sẻ sự giàu có của mình cho tha nhân, để sự nghèo khó của bạn sẽ được Chúa đong đầy” (Bài giảng 56,9).

Của cải có thể tạo ra sự bảo đảm và độc lập giả tạo

Tại sao Đức Giêsu quá thận trọng về sự giàu có? Sự giàu có có thể làm cho chúng ta độc lập một cách giả dối. Giáo hội ở Laodicea bị cảnh cáo về thái độ của họ đối với sự giàu có và ý nghĩa giả tạo của sự bảo đảm: “Ngươi nói, tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Kh 3,17). Sự giàu có cũng có thể dẫn chúng ta tới những ước muốn và sự ích kỷ tai hại (1Tm 6,9-10). Hãy xem bài học Đức Giêsu đưa ra về người giàu có và con cái ông đã từ chối giúp đỡ người nghèo Lagiarô thế nào (Lc 16,19). Họ cũng quên lãng việc phụng sự Chúa. Chỉ có những ai đặt niềm tin cậy nơi Thiên Chúa và phụ thuộc vào Người, chia sẻ những gì họ có với người túng thiếu, mới tìm được bình an, bảo đảm, và hạnh phúc dẫn tới sự sống và niềm vui vĩnh cửu trên Thiên đàng.

Kho báu của bạn ở đâu?

Kinh thánh cho chúng ta một sự nghịch lý: chúng ta mất những gì chúng ta giữ, và chúng ta có những gì chúng ta cho đi. Lòng quảng đại sẽ được đáp trả thật bội hậu, cả đời này lẫn đời sau (Cn 3,9-10; Lc 6,38). Đức Giêsu ban tặng cho chúng ta một kho báu khôn sánh mà không tiền bạc châu báu nào có thể mua được, hay không có người trộm nào có thể lấy được. Điều chúng ta quan tâm nhất, đó chính là kho báu quý nhất của chúng ta. Sự giàu có về của cải vật chất sẽ trói buộc chúng ta vào thế giới này, trừ khi chúng ta cảnh giác và lấy Chúa và nước Trời làm kho báu của mình. Kho báu của bạn ở đâu?

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy chiếm hữu lòng con và tỏ cho con thấy kho báu nước Trời. Ước gì Chúa luôn luôn là kho báu và niềm vui của con và không có gì ngăn cản con dâng cho Chúa tất cả mọi sự.

Tác giả: Don Schwager
Nguồn: 
www.dailyscripture.net
Lm. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD. chuyển ngữ
Nguồn: daminhtamhiep.net

* Daily Readings (Bài đọc Anh ngữ):

https://bible.usccb.org/bible/readings/082024.cfm