Tác giả: Don Schwager
Nguồn: 
www.dailyscripture.net
Lm. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD. chuyển ngữ

Chúng tôi đã tìm được Đấng Mêsia

Ga 1,35-42

35 Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông.36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.”37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế? ” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? “39Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.40 Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su.41 Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô).42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).

Suy niệm:

Đức Giêsu là ai đối với bạn? Gioan tẩy giả gọi Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa và do đó tuyên bố sứ mệnh của Đức Giêsu là Đấng sẽ cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Máu của Con Chiên Vượt qua (Xh 12) giải thoát dân tộc Israel khỏi sự áp bức trong nước Ai cập và tai họa của cái chết. Chúa Giêsu tự nguyện dâng hiến mạng sống mình cho chúng ta trên thập giá làm của lễ đền tội cho tội lỗi chúng ta (1Cor 5,7). Máu mà Người đỗ ra cho chúng ta trên thập giá thanh tẩy, chữa lành, và giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ cho tội lỗi và khỏi “những hậu quả của tội lỗi là sự chết” (Rm 6,23) và “sự hủy diệt cả thân xác và linh hồn trong Hỏa ngục” (Mt 10,28).

Thật là ý nghĩa rằng Gioan là con của Giacaria, vị tư tế của Israel đã tham dự vào lễ tế hằng ngày của con chiên trong đền thờ cho tội lỗi dân tộc (Xh 29). Nơi Ðức Giêsu, Gioan đã nhìn thấy lễ tế đích thật và duy nhất có thể giải thoát chúng ta khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi, sự chết, và những quyền lực của Hỏa ngục. Làm thế nào Gioan biết được căn tính đích thật của Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu thế (Ga 1,29)? Chúa Thánh Thần đã mặc khải cho Gioan bản tính đích thật của Đức Giêsu để Gioan làm chứng rằng đây là Con Thiên Chúa. Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giêsu thật sự là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa hằng sống? Chúa Thánh Thần giúp cho chúng ta biết được Đức Giêsu Kitô qua hồng ân đức tin. Thiên Chúa ban Thần Khí của Người cho chúng ta cách nhưng không để chúng ta có thể hiểu được – với tâm trí được soi sáng và cặp mắt đức tin – mầu nhiệm và kế hoạch cao cả của Thiên Chúa để quy tụ mọi sự trong Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

“Các anh tìm gì?”

Gioan trong sự khiêm tốn đặc biệt của mình đã cố gắng vượt ra chính mình để chỉ cho người khác biết về Đức Kitô. Ông đã không do dự giới thiệu các môn đệ của mình tới Ðức Giêsu. Khi hai môn đệ của Gioan bắt đầu đi tìm Ðức Giêsu, Ðức Giêsu đã chủ động mời họ làm bạn cộng sự của mình. Người đã không chờ họ để tạo sự chú ý về mình. Trái lại, Người đón họ giữa đường. Người đã hỏi họ một trong những câu hỏi căn bản nhất của cuộc đời: “Các anh tìm kiếm điều gì?” Ðức Giêsu cũng hỏi mỗi một người chúng ta cũng cùng một câu hỏi: “Bạn đang tìm kiếm điều gì? Bạn có biết ý nghĩa và mục đích cho đời mình không?” Chỉ Thiên Chúa, là Cha và là Tác Giả của sự sống, mới có thể trả lời câu hỏi đó và cho chúng ta hiểu biết trọn vẹn về mục đích của mình. Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta đến gần Người. Người muốn chúng ta hiểu biết về Người một cách cá biệt – biết Người đến để làm gì cho chúng ta và điều gì Người muốn ban cho chúng ta.

“Ðến mà xem” 

“Ðến mà xem” là lời mời gọi của Ðức Chúa dành cho mỗi một người chúng ta để khám phá ra niềm vui của tình bằng hữu và kết hiệp với Ðấng đã tạo dựng nên chúng ta trong tình yêu và cho tình yêu. Thánh Augustine thành Hippo nhắc nhở chúng ta rằng chính Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Chuộc chúng ta tìm kiếm chúng ta trước, thậm chí khi chúng ta không tìm kiếm Người: “Nếu bạn không được Thiên Chúa mời gọi, thì bạn có thể làm gì để đáp lại? Chẳng phải chính Đấng đã kêu gọi bạn khi bạn chống đối Người, giúp bạn có thể quay trở lại đó sao?” Chính Thiên Chúa là Đấng khởi xướng và lôi kéo chúng ta đến với Người. Không có lòng thương xót và sự giúp đỡ của Người chúng ta không thể nào tìm thấy Người với sức mình.

Khi chúng ta khám phá điều gì có giá trị lớn lao, tự nhiên chúng ta muốn chia sẻ tin vui khám phá của mình với gia đình, bạn bè, và những người thân cận của mình. Khi Anrê đến gặp Ðức Giêsu và khám phá ra rằng Người đích thật là Ðấng Mêsia, ông lập tức đến gặp anh mình là Simon và nói với ông tin vui đó. Anrê đem anh mình tới gặp Ðức Giêsu để chính ông có thể “đến mà xem”. Khi Ðức Giêsu nhìn thấy Simon đến gần, Người lập tức đến với Simon với cùng cách thức Người đã làm với Anrê trước đó. Ðức Giêsu nhìn Simon và mặc khải rằng Người biết Simon là ai và thậm chí ông từ đâu đến trước khi Simon nhìn thấy Ðức Giêsu. Ðức Giêsu ban cho Simon một tên mới có ý nghĩa rằng Thiên Chúa đã có lời mời gọi và sứ mệnh cá biệt dành cho ông. Ðức Giêsu ban cho Simon cái tên “Cephas”, tiếng Aramaic nghĩa là “đá”. Cephas được dịch là Phêrô (Petros theo tiếng Hylạp và Petrustheo tiếng Latin) theo nghĩa đen cũng có nghĩa là “đá”.

Gọi ai đó là “đá” là một trong những lời khen tặng vinh dự nhất trong thế giới xưa. Các thầy Rabbi có câu nói rằng khi Thiên Chúa nhìn thấy Abraham, Người đã thốt lên: “Ta đã tìm được một tảng đá để đặt nền tảng cho thế giới”. Ngang qua Abraham, Thiên Chúa đã thiết lập một dân tộc cho chính mình. Ngang qua đức tin, Phêrô đã biết được Ðức Giêsu thật sự là ai – là Đấng được tấn phong (Đấng Mêsia và Kitô) và là Con một yêu dấu của Thiên Chúa. Tân ước mô tả Giáo hội như một tòa nhà hay đền thờ thiêng liêng với mỗi thành viên liên kết với nhau như những viên đá sống động (1Pr 2,5). Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô làm cho chúng ta thành những tảng đá hay những viên đá thiêng liêng. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta hồng ân đức tin để nhận biết chính Chúa Giêsu, sức mạnh để sống Tin mừng cách trung thành, và can đảm để làm chứng cho người khác về chân lý và niềm vui của Tin mừng. Chúa Giêsu luôn sẵn sàng lôi kéo chúng ta đến gần Người. Bạn có tìm cách để được lớn lên trong sự hiểu biết và tình yêu của Chúa Giêsu Kitô không?

Lạy Đức Giêsu Kitô, xin lấp đầy lòng con sức mạnh của Thánh Thần Chúa để con được lớn lên trong sự hiểu biết về tình yêu và chân lý của Chúa. Xin cho Thần Khí Chúa bừng cháy trong lòng con để con có thể hân hoan tìm kiếm ý Chúa trong tất cả mọi sự.

Nguồn: daminhtamhiep.net

* Daily Readings:

https://bible.usccb.org/bible/readings/010425.cfm