
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (12,1-11)
1Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: 5“Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?”. 6Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”. 9Một đám đông người Do Thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Ngườicho sống lại từ cõi chết. 10Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, 11vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.
SUY NIỆM
“Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu”.
Ladarô, sau khi được Chúa Giêsu cho sống lại, thì được “đồng bàn” với Chúa để ăn uống, nghĩa là ông được Chúa thương mến. Thế nhưng, ông lại bị các thượng tế căm ghét mặc dù ông đâu có làm điều gì đắc tội đến họ, họ tìm cách hãm hại ông vì ông là nguyên nhân làm mất đi lợi ích của họ, nguyên nhân làm cho dân chúng tin vào Chúa Giêsu.
Qua hình ảnh của Ladarô cho thấy ngày hôm nay nhiều người cũng có thể sẽ bị người khác không ưa khi sống đạo ngay lành. Cũng như người ta vẫn từng kể cho nhau nghe có những tập thể tham nhũng, ăn hối lộ, đòi hỏi tất cả những thành viên trong tập thể ấy đều phải tham gia vào “đường dây” đó. Nếu ai sống ngay lành, không tuân theo thì sẽ bị ghét, bị thù và sớm muộn gì cũng sẽ bị loại trừ. Thậm chí, có những người chỉ cần biết ai đó trong tập thể của mình có người Công giáo thì họ cũng tỏ ra không thích người ấy, có thể do họ có thành kiến với người Công giáo trong một số vấn đề lịch sử, hoặc có khi chính sự tốt lành của người Công giáo lại khiến họ khó đạt được những tư lợi không trong sạch.
Thánh Phaolô đã từng nói rằng: “được lời lãi cả thế gian mà mất phần linh hồn thì nào có ích gì” (Lc 9,25). Điều quan trọng không phải là mình sống theo những đòi hỏi của thế gian, tất nhiên, có thể điều mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích, nhưng khi chúng ta sống theo thánh ý Chúa, thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được phần phúc không bao giờ hư mất.
“Đồng bàn” còn được hiểu là chấp nhận chịu thua thiệt, hy sinh những thứ thuộc về thế gian này để có thể đồng tâm tình với Chúa. Khi có Chúa ở bên cuộc đời, chúng ta có thêm thật nhiều sức mạnh và nghị lực để vượt qua những thách đố, những hiểm nguy trong đời sống đức tin. Mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ, được rước Mình thánh Chúa là chúng ta đang được đồng bàn với Chúa.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết sốt mến đến với bí tích Thánh thể để không ngừng cảm nghiệm những ân ban, cảm nghiệm tình thương của Người qua việc được “đồng bàn” với Người trong thánh lễ. Đồng thời, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những người đang gây ra những đau khổ cho Giáo hội, và cho nhiều người khác trên thế giới.
Nguồn: giaophanphucuong.org
* Daily Readings: