Tác giả: Don Schwager
Nguồn: 
www.dailyscripture.net
Lm. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD. chuyển ngữ

Con Người sẽ đến trong vinh quang

Lc 21,20-28        

20 “Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành.21 Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành.22Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm.23 Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó!”Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này.24 Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.25 “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

Suy niệm:  Bạn có tin rằng thế gian như chúng ta biết sẽ đi đến chỗ tận cùng như lời Đức Giêsu tiên báo không? Lời tiên báo của Đức Giêsu mô tả sự hủy diệt thành thánh Giêrusalem, sự hủy diệt của thế giới, và ngày phán xét cuối cùng, thì chẳng có gì mới lạ đối với người dân Israel. Các ngôn sứ đã tiên báo những sự kiện này nhiều thế kỷ trước. “Kìa, ngày Chúa đến, ngày khắc nghiệt, ngày của phẩn nộ và lôi đình, ngày làm cho đất tan hoang và tiêu diệt phường tội lỗi, không một tên nào ở đó.” (Is 13,9-13; Joel 2,1-2; Am 5,18-20; Zephaniah 1,14-18).

Sự lãnh đạm và chống đối Tin mừng dẫn tới sự hủy diệt

Đức Giêsu cảnh báo sự hủy diệt sắp xảy ra của thành Giêrusalem là hệ quả của sự từ chối Tin mừng. Theo sử gia Josephus, hơn một triệu người đã chết khi quân Rôma phá hủy thành Giêrusalem và đền thờ năm 70 A.D. Sự hủy diệt của Giêrusalem là kết quả từ sự thờ ơ của nó trước sự viếng thăm của Thiên Chúa nơi con người Chúa Giêsu Kitô (Lc 19,44).

Đức Giêsu cũng nói về sự phán xét ở ngày tận thế. Chỉ có sự mù quáng thiêng liêng mới có thể ngăn cản chúng ta không nhận ra những dấu chỉ rõ ràng của tai họa sắp xảy đến, sẽ dành sự phán xét cho những ai từ chối lắng nghe Lời ơn sủng và cứu độ của Chúa. Đức Giêsu hoàn toàn thành thật. Người nói với các môn đệ những gì phải trả giá để đi theo Người. Người hứa rằng Người không bao giờ bỏ họ một mình, thậm chí trong lúc họ đau khổ. Các thánh và các thánh tử đạo, những người chịu đau khổ và chịu chết, biến nhà tù của mình thành ngôi đền thờ ca tụng và biến những giàn giáo của mình thành ngai tòa vinh quang của Chúa. Các ngài biết sự hiện diện cứu độ của Đức Kitô với họ trong mọi tình huống. Đức Giêsu ban cho chúng ta sự bình an trong lúc đối mặt với những sự đe dọa của trần thế. Không một sợi tóc trên đầu anh em sẽ bị mất (Lc 21,18). Người môn đệ bước theo Đức Kitô có thể mất mát phần thân xác nhưng sẽ không mất phần linh hồn của mình.

Chúng ta hy vọng những gì sẽ đến – sự cứu độ trọn vẹn thân xác và trời mới đất mới

Ân huệ lớn nhất không ai có thể lấy mất khỏi chúng ta, và chúng ta có thể biết ơn nhất là ơn cứu độ của chúng ta ngang qua giá máu châu báu của Chúa Giêsu, đã đỗ ra trên thánh giá vì tội lỗi chúng ta, và ơn được làm nghĩa tử làm con cái Cha trên trời nhờ Đức Kitô. Đức Giêsu Kitô đã cứu chuộc chúng ta khỏi sự nô lệ tội lỗi, khỏi sự sợ hãi cái chết, và khỏi sự hủy diệt trong ngày sau hết. Chúng ta có thể tạ ơn đến muôn đời bởi vì niềm hy vọng vững chắc của chúng ta ở trên Thiên đàng, và nơi lời hứa rằng Đức Giêsu sẽ cho thân xác yếu hèn chúng ta trổi dậy nên giống thân xác vinh hiển của Người, thân xác không còn lệ thuộc vào bệnh tật, sự chết và hủy hoại nữa.

Đức Giêsu nói về việc đến lần thứ hai của Người như một sự kiện được biết trước, một sự kiện chắc chắn, mà chúng ta có thể trông đợi một cách tin tưởng sẽ xảy ra trong thời giờ Chúa định. Việc Chúa đến này sẽ được đánh dấu bởi những dấu chỉ mà mọi người sẽ nhận ra – những dấu chỉ sẽ gây sợ hãi và đau khổ cho những ai không chuẩn bị, nhưng đem lại sự ngạc nhiên và vui mừng cho những ai sẵn sàng ra đón tiếp Người. Khi Đức Giêsu trở lại, Người sẽ thiết lập nền công lý và sự công chính, và Người sẽ minh oan cho tất cả những ai trung tín với Người. Sự phán xét của Người là dấu chỉ hy vọng cho những ai đặt niềm tin tưởng nơi Người. Bạn có hy vọng vào Chúa và vào lời hứa của Đức Kitô sẽ trở lại để tạo dựng trời mới đất mới không (Is 65,17 và Kh 21,1)?

Lạy Chúa Giêsu, xin lấp đầy lòng con sự biết ơn về ơn huệ cứu chuộc và xin Chúa gia tăng niềm hy vọng và lòng khao khát của con về sự trở lại của Chúa trong vinh quang. Chớ gì ngày đó đem lại cho con niềm vui hơn là nỗi buồn. Xin Chúa giúp con trung thành phụng sự Chúa, và tận dụng thời giờ của mình hiện giờ trong sự ý thức về việc Chúa sẽ trở lại.

Nguồn: daminhtamhiep.net

* Daily Readings:

https://bible.usccb.org/bible/readings/112824.cfm

https://bible.usccb.org/bible/readings/112824-thanksgiving.cfm