
Tác giả: Don Schwager
Nguồn: www.dailyscripture.net
Lm. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD. chuyển ngữ
Dù một sợi tóc trên đầu anh em sẽ không mất đâu
Lc 21,12-19
12 “Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy.13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào.15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em.17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.19Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
Suy niệm:
Nếu như sứ điệp Tin mừng là tin vui, thế thì tại sao có nhiều người đối xử với các tín hữu với sự coi thường và thù hận đối với niềm tin và sự hành đạo của họ? Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ rằng họ sẽ đối diện với sự sự dữ, giáo thuyết sai lạc, sự ngược đãi, và sự cám dỗ từ bỏ niềm tin khi bị thử thách.
Satan phá hủy và giết chết – TC phục hồi và ban sự sống
Kẻ thù thật sự của Tin mừng – Tin mừng của Đức Giêsu Kitô – là Satan (còn gọi là Luxiphe), kẻ lãnh đạo quyền lực của các thần sa ngã chống lại Thiên Chúa và những kẻ bị đuổi ra khỏi Thiên đàng. Satan chống lại Thiên Chúa và tất cả những ai đi theo quy luật bình an và công chính của Người (tốt lành luân lý) trên thế gian. Đức Giêsu gọi Satan là “kẻ sát nhân”, xúi giục anh em chống đối nhau và là “cha của những kẻ lừa dối” (Ga 8,44). Satan không chỉ chống lại sự cai trị của Thiên Chúa, hắn còn kiếm cách để tiêu diệt tất cả những ai vâng phục Thiên Chúa. Satan sẽ sử dụng mọi cách thức có thể để lôi kéo người ta xa cách Thiên Chúa. Hắn cám dỗ người ta qua sự ghen tị, lừa dối, thù ghét, sợ hãi để khơi dậy sự hận thù hướng về những ai đi theo C.Giêsu Kitô.
Sự đáp trả của Đức Giêsu với sự hận thù và ngược đãi này là gì? Yêu thương, kiên nhẫn, và tha thứ. Chỉ có tình yêu – tình yêu ăn rễ nơi lòng trắc ẩn và trung tín của Thiên Chúa – mới có thể đánh bại thành kiến, cố chấp, hận thù, và ghen tị. Tình yêu Thiên Chúa thanh tẩy tâm trí chúng ta khỏi tất cả những gì gây chia rẽ mọi người. Hiểu biết Thiên Chúa là Cha trắc ẩn và yêu mến lời chân thật và công chính (tốt lành luân lý) của Chúa là điều cần thiết để chế ngự sự xấu. Đức Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta không cần phải sợ hãi những kẻ chống đối hay cư xử cay nghiệt với chúng ta vì đi theo Chúa Giêsu. Người hứa ban cho chúng ta sức mạnh thiêng liêng, sự khôn ngoan, và lòng can đảm khi chúng ta bảo vệ niềm tin và làm chứng cho sự thật và tình yêu của Đức Kitô.
Tin mừng là tin vui cho toàn thế giới vì đó là lời chân lý, yêu thương, tha thứ, và cứu độ (giải thoát khỏi tội lỗi và sự dữ) vĩnh cửu của Thiên Chúa ngang qua Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đã chiến thắng cho chúng ta ngang qua cái chết đền tội trên thập giá và sự phục sinh của Người – sức mạnh phục sinh của Người đem lại sự sống sung mãn và sự phục hồi cho chúng ta. Đó là lý do tại sao Tin mừng có sức mạnh giải thoát con người khỏi tội lỗi, sợ hãi, và sự chết, và đem tới sự bình an, tha thứ, và sự sống mới.
Bền đỗ không bao giờ mất hy vọng vào TChúa
Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng nếu họ bền đỗ đến cùng họ sẽ cứu được mạng sống của mình – họ sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa, và thừa hưởng sự sống và hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Tính bền đỗ là sức mạnh cần thiết mà Thiên Chúa ban cho những ai đặt niềm tin cậy nơi Người. Bền đỗ thuộc về những ai kiên nhẫn, không bao giờ mất hy vọng, không bao giờ đầu hàng trước tuyệt vọng và thù hận. Kiên nhẫn là chịu khó luôn bởi vì nó vượt trên những khó khăn và thử thách, nhìn thấy phần thưởng sẽ đến cho những ai bền đỗ với niềm hy vọng và tin tưởng nơi Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao đức bền đỗ còn hơn cả sự cố gắng của con người. Trước hết và trên hết, nó là một ân huệ siêu nhiên của Chúa Thánh Thần, để giúp chúng ta chịu đựng những thử thách và cám dỗ.
Bền đỗ được liên kết với đức hy vọng – sự bảo đảm siêu nhiên, chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, và thừa hưởng tất cả những lời hứa của Người. Đức Giêsu là gương mẫu và là vị anh hùng siêu đẳng của chúng ta, Đấng đã gánh lấy thập giá vì lợi ích của chúng ta (Hr 12,2). “Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người cho chúng ta, trong khi chúng ta còn là tội nhân, thì Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,8). Đức Giêsu sẵn sàng đỗ máu mình ra cho chúng ta để đem lại cho chúng ta ơn tha thứ và bình an với Thiên Chúa. Niềm vui và đặc ân của chúng ta là vác thánh giá mình hằng ngày đi theo Chúa Giêsu.
Các tử đạo đích thật sống và chết như những chứng nhân của Đức Kitô và Tin mừng bình an
Hạn từ “tử đạo” trong tiếng Hylạp có nghĩa là “làm chứng”. Sách Khải Huyền nói rằng “Đức Giêsu là nhân chứng trung thành Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi nhờ máu của Người” (Kh 1,5). Tertullian, một nhà hộ giáo ở thế kỷ thứ hai, đã trở lại Công giáo khi nhìn thấy các tín hữu ca hát khi chịu chết bởi tay những kẻ hành hình, đã thốt lên rằng: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống.” Máu của các ngài là hạt giống nảy sinh các tín hữu, hạt giống của Giáo hội.
Giáo phụ Cyprian, Giám mục ở thế kỷ thứ ba nói rằng: “Khi sự ngược đãi xảy đến, những chiến sĩ của Chúa bị thử thách, và Thiên đàng mở ra cho các thánh tử đạo. Chúng ta không tham gia quân đội để tìm kiếm hòa bình và từ chối đánh trận, bởi vì chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa đã đi bước trước trong cuộc chiến. Các thánh tử đạo thật sự sống và chết như những chứng nhân của Tin mừng. Các ngài chế ngự các kẻ thù qua niềm hy vọng và lòng can đảm kiên trung, tình yêu hy tế, sự bỏ mình, lòng khoan dung, và lòng trắc ẩn.
Thiên Chúa có thể kêu gọi một số trong chúng ta trở người tử đạo cho niềm tin. Nhưng hầu hết ơn gọi của chúng ta là tử đạo không đổ máu, làm chứng cho niềm vui và sức mạnh của Tin mừng trong những thách đố, trái ý, cám dỗ, và nghịch cảnh hằng ngày, trên con đường bước đi theo Chúa Giêsu.
Chúng ta không cần sợ hãi những thù địch
Điều lôi kéo hầu hết người khác đến với sự thật và sức mạnh của Tin mừng là gì? Khi người ta thấy các tín hữu yêu thương kẻ thù, vui mừng trong đau khổ, kiên nhẫn trong nghịch cảnh, tha thứ những người gây thương tổn, và bày tỏ sự cảm thông và trắc ẩn đối với những người thất vọng và cần sự giúp đỡ. Đức Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta không cần phải sợ những nghịch cảnh của mình. Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta đầy đủ ơn sủng, sức mạnh, và khôn ngoan để đối diện với bất cứ thử thách nào, và trả lời cho mọi thách đố về niềm tin của chúng ta. Bạn có sẵn sàng thí mạng mình vì Đức Kitô và làm chứng cho niềm vui và sự tự do của Tin mừng không?
Lạy Đức Giêsu Kitô, bằng cái chết đền tội trên thập giá, Chúa đã cứu chuộc thế giới. Xin lấp đầy lòng con với niềm hy vọng vui mừng, lòng can đảm, và dũng cảm làm chứng cho chân lý tình yêu của Chúa cho người tội lỗi và cho vinh quang của Chúa trên quyền lực của tội lỗi, Satan, và sự chết.
Nguồn: daminhtamhiep.net
* Daily Readings: