Tác giả: Don Schwager
Nguồn: 
www.dailyscripture.net
Lm. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD. chuyển ngữ
Con phải ở trong nhà Cha của con 

Lc 2, 41-52         

41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! “49 Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? “50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

Suy niệm

Làm thế nào các gia đình lớn lên cùng nhau trong tình yêu thắm thiết, hòa thuận, và quan tâm cho nhau? Khi Thiên Chúa lập giao ước với dân Người, Người đã dạy họ đường lối yêu thương của Người:

“Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng. Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Đnl 6, 5-7).

Tình yêu của Chúa Cha là tình yêu giao ước ràng buộc mọi người lại với nhau như những đứa con yêu dấu của Người. Tình yêu của Người là nền tảng ràng buộc người nam và người nữ thành một thịt trong hôn nhân, và trong tình yêu thương lẫn nhau của họ dành cho con cái họ, và cho con cháu của con cháu họ trong nhiều thế hệ mai sau. Thiên Chúa muốn tình yêu của Người là trung tâm của mọi mối tương quan và mọi việc chúng ta làm. Đó là lý do tại sao Chúa ban cho chúng ta Thánh Linh của Người để chúng ta có thể yêu như Người yêu chúng ta. “Tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chúng ta yêu vì Người đã yêu chúng ta trước (1Ga 4,19).

Đức Giêsu được sinh ra trong một gia đình yêu mến lời Chúa 

Khi Thiên Chúa sai người Con một yêu dấu vào thế gian, Đức Giêsu được sinh ra trong một gia đình người Do thái, được dưỡng dục theo giáo huấn của Kinh thánh và các phong tục của dân tộc Do thái. Đức Giêsu được sinh ra dưới lề luật của Moisen (Gl 4,4) và được cắt bì (dấu chỉ trở nên thành viên giao ước của dân Israel) vào ngày thứ tám và được đặt tên, Yeshua tiếng Do thái (Giêsu tiếng Anh) nghĩa là “Thiên Chúa cứu”.

Chúng ta biết rất ít về cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu trong gia đình ở Nagiaret. Luca trong Tin mừng của mình đã cho chúng ta một ý niệm lờ mờ về sự trưởng thành của Đức Giêsu từ một cậu bé tới người thanh niên. Luca nói với chúng ta rằng Đức Giêsu vâng phục cha mẹ mình – Maria, Mẹ Người và Giuse, dưỡng phụ của Người. Như những người đạo đức và kính sợ Thiên Chúa, Giuse và Maria dưỡng dục trẻ Giêsu theo Kinh thánh và các phong tục của Do thái. Đó là bổn phận của tất cả các cha mẹ Do thái để nuôi nấng con cái theo sự hướng dẫn và khôn ngoan của lời Chúa trong Kinh thánh.

“Này con, giáo huấn của cha, con hãy nghe, lời dạy của mẹ, con đừng gạt bỏ” (Cn 1,8). “Hãy dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi, để đến tuổi già, nó vẫn không lìa bỏ” (Cn 22,6).

Đời sống gia đình chú trọng vào cầu nguyện và việc đọc Kinh thánh

Đời sống gia đình Do thái chú trọng vào sự cầu nguyện hằng ngày của gia đình, bao gồm hát Thánh vịnh và đọc Kinh thánh. Mỗi tối thứ Sáu, gia đình tụ họp cho bữa tiệc có thắp nến ngày Sabbat và cầu nguyện chúc lành trên bánh và rượu để bắt đầu mừng ngày thánh Sabbat. Mỗi sáng thứ Bảy, gia đình tham dự nghi lễ ngày Sabbat trong đó có việc đọc sách thánh từ sách Torah (Ngũ Kinh của Moisen) và hát Thánh vịnh ở hội đường chung ở địa phương. Các trẻ trai lớn hơn được gởi tới trường vào các buổi sáng ngày thường, gọi là “lớp học Kinh thánh” (có thể là ở hội đường hay nhà của 1 thầy Rabbi), nơi đó họ được chỉ dẫn sâu xa hơn về cách đọc và học hỏi Kinh thánh Do thái. Mỗi bé trai Do thái buộc phải thuộc lòng 5 cuốn sách đầu của Kinh thánh Do thái (sách Torah hay sách của Moisen) ở tuổi 13. Chúng cũng phải học thuộc và thực hành những lời khuyên khôn ngoan trong sách Châm ngôn (Sự khôn ngoan của Solomon) và sách Sirach (sách Giảng viên) là sách phổ biến khác về sự hướng dẫn cho người Do thái sống trong thời đang nói tiếng Hy lạp.  

Hành trình của Đức Giêsu về nhà Cha

Người Do thái mong đợi ngày hành hương lên Gierusalem cho các ngày lễ lớn mỗi năm (Vượt qua, Ngũ tuần, Lễ Lều). Rõ ràng Đức Giêsu đã đi hành hương với cha mẹ mỗi năm từ Nagiaret đến Gierusalem vào lễ Vượt qua. Cuộc hành trình 8 dặm này bình thường mất hết ba ngày. Nên các gia đình thường đi theo từng nhóm lớn để được an toàn và vui vẻ.

Luca ghi lại biến cố đặc biệt đã xảy ra khi Đức Giêsu lên tới đền thờ Gierusalem vào dịp lễ Vượt qua đầu tiên của Người vào lúc tuổi trưởng thành (thông thường là tuổi 12 cho thanh niên Do thái). Đây chính là điểm then chốt trong cuộc đời thơ ấu của Người cho thấy Đức Giêsu đã lấy khỏi danh hiệu “Cha” của Giuse và quy nó về Thiên Chúa, Cha trên trời của Người. Câu trả lời của Người trước câu hỏi lo lắng của Mẹ mặc khải quyết tâm kiên vững của Người để theo đuổi ý Cha trên trời. Cha mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà Cha con sao? (Lc 2,49)

Đức Giêsu vâng phục và phục vụ gia đình mình ở Nagiaret

Trong khi Đức Giêsu xác định chính mình là Con của Cha hằng hữu trên trời, thì Người cũng đã phục tùng với tình yêu và sự vâng phục đối với Giuse và Maria. Giống như các cha mẹ đạo đức khác, Maria và Giuse nuôi nấng con trong sự kính sợ (kính sợ Chúa) và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Luca nói với chúng ta rằng Đức Giêsu lớn lên trong sự khôn ngoan, mạnh mẽ, và ơn sủng trước Thiên Chúa và người làng Nagiaret, quê quán của Người. Người ở Nagiaret cho tới tuổi 30 khi Người chịu phép rửa của Gioan ở sông Giodan và được Thần Khí xức dầu cho sứ mạng Messia và Đấng Cứu thế. (Ba mươi tuổi là độ tuổi truyền thống mà một người đàn ông Do Thái có thể trở thành một giáo sĩ Do Thái, người giảng dạy và đào tạo các môn đệ theo kiến ​​thức và sự khôn ngoan của lời Chúa.) Bạn có muốn yêu thương và phục vụ gia đình mình cũng như theo đuổi hòa bình và hòa hợp trong gia đình, khu phố và cộng đồng của mình không?

Chúa Giêsu đã đến để chỉ cho chúng ta con đường về nhà Cha và gia đình của chúng ta trên thiên đàng. Hãy lắng nghe lời Người và vâng lời Người, bạn sẽ tìm thấy sự bình an, niềm vui và ân sủng lớn lao khi phục vụ Người bây giờ và mãi mãi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến để phục hồi cho chúng con sự bình an và tình bằng hữu với Cha trên trời. Nơi nào có sự chia rẽ, hãy đem lại sự chữa lành và phục hồi. Nơi nào có chiến tranh, hãy đem lại bình an và tha thứ. Xin cho mọi gia đình và quốc gia trên thế giới tìm thấy sự bình an, hòa thuận, và hiệp nhất trong Chúa, là Vua Hòa Bình và là Đấng Cứu thế.

Nguồn: daminhtamhiep.net

* Daily Readings:

https://bible.usccb.org/bible/readings/122924.cfm