Tác giả: Don Schwager
Nguồn: 
www.dailyscripture.net
Lm. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD. chuyển ngữ

Bà Rakhen khóc thương con cái mình

Mt 2,13-18         Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! “14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

Suy niệm: Ai có thể giải thích được sự đau khổ, đặc biệt sự đau khổ của những trẻ em vô tội? Cuộc tàn sát các trẻ em của vua Hêrôđê, những trẻ em dâng hiến mạng sống của mình cho một người và cho sự thật mà chúng không biết, dường như quá vô dụng bất công. Thật là một chướng ngại và tai tiếng cho những ai không thể nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Tại sao Thiên Chúa không thể ngăn cản cuộc tàn sát này? Đau khổ quả thật là một mầu nhiệm. Không một giải thích nào xem ra có thể làm thỏa mãn được lòng khao khát hiểu biết của con người.

Các vị tử đạo đầu tiên vì Đức Kitô 

Những trẻ em vô tội này đã chết thay cho Đức Kitô là những vị tử đạo đầu tiên vì Đức Kitô. Đau khổ, ngược đãi, và tử đạo là số phận của tất cả những ai chọn lựa bước theo Đức Giêsu Kitô. Không có triều thiên nếu không có thánh giá. Chính ngang qua sự đau khổ, nhục nhã, và cái chết trên thập giá của ĐG, mà chúng ta được ơn cứu rỗi. Cái chết của Người đem lại sự sống, sự sống vĩnh cửu cho chúng ta. Và máu của Người đã đỗ ra cho chúng ta đã đem lại ơn tha thứ và hòa giải với Cha trên trời.

Đau khổ có nhiều hình thức: đau yếu, bệnh tật, tật nguyền, đau đớn thể xác và tổn thương về cảm xúc, vu khống, ngược đãi, nghèo nàn, và bất công. Thánh Phaolô tông đồ có ý gì khi ngài nói: Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định (Rm 8,28)? Đức Giêsu tuyên bố rằng những ai khóc lóc, những người bị chửi rủa và ngược đãi vì sự công chính là người có phúc (Mt 5,10-12). Hạn từ có phúc (makariostrong tiếng Hylạp) theo nghĩa đen là hạnh phúc hay có phúc. Nó mô tả một niềm vui thanh thản và bất khả xâm phạm, độc lập và không lệ thuộc vào cơ hội và những biến cố thay đổi của cuộc đời.

Niềm vui siêu nhiên trong sự đối diện với đau khổ

Có một sự nghịch lý nào đó về những chúc lành kia của Thiên Chúa. Maria được “chúc phúc” vì được làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Sự diễm phúc đó cũng trở nên lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn bà khi Con của bà chết trên thập giá. Maria đón nhận cả hai, triều thiên của vui mừng và thập giá của đau khổ. Nhưng niềm vui của Mẹ không bị tan biến bởi nỗi thống khổ của mình, bởi vì nó được đốt cháy bởi đức tin, đức cậy, và đức mến nơi Thiên Chúa và những lời hứa của Người. Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ rằng “không ai có thể lấy mất niềm vui của anh em” (Ga 16,22).

Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm vui siêu nhiên để giúp chúng ta mang lấy đau khổ hay buồn phiền, và cho dù sự sống hay sự chết cũng không thể nào cướp mất được. Bạn có biết niềm vui của cuộc đời hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa với niềm tin tưởng và trông cậy không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiến mạng sống mình vì phần rỗi của con để cứu con thoát khỏi sự nô lệ tội lỗi và sự chết. Xin giúp con mang lấy thánh giá của mình với niềm vui, để con có thể sẵn sàng thực thi ý Chúa, và không lùi bước vì sợ  hãi hay nhát đãm khi khó khăn bao vây con.

Nguồn: daminhtamhiep.net

* Daily Readings:

https://bible.usccb.org/bible/readings/122824.cfm