
Ý NGHĨA SÂU XA HƠN CỦA ĐỨC TIN “GIỐNG NHƯ HẠT CẢI”
Một trong những câu được yêu thích nhất về đức tin là Chúa Giêsu ví von đức tin như hạt cải.
Hầu hết mọi người tìm được sự nâng đỡ từ cách nhìn của Chúa Giêsu về sức mạnh của một đức tin nhỏ như hạt cải. Nhưng có một chân lý lớn hơn đằng sau điều này: hạt cải có khả năng tăng trưởng. Vì vậy, Chúa Giêsu không chỉ yêu cầu những người lắng nghe Ngài cần chú ý đến kích thước nhỏ bé của những hạt giống này.
Để hiểu được ý nghĩa đầy đủ của cụm từ, trước tiên chúng ta hãy xem xét đúng như cụm từ đó xuất hiện trong Tin Mừng Thánh Mátthêu và Thánh Luca. Trong Mátthêu, lối nói này xuất hiện sau khi các môn đệ không thể xua trừ ma quỷ. Họ hỏi Chúa Giêsu tại sao và Chúa Giêsu trả lời:
“Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia! ” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mátthêu 17:20).
Phiên bản trong Tin Mừng Thánh Luca xuất hiện sau khi Chúa Giêsu nói về việc tha thứ cho người đã lỗi phạm bảy lần trong một ngày và cứ mỗi lần như vậy lại xin được tha thứ, và các môn đệ đáp lại Chúa Giêsu bằng cách xin gia tăng đức tin cho họ:
“Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Luca 17: 6).
Cả hai bản dịch đều dịch “đức tin kích thước bằng hạt cải” nhưng từ kích thước hoặc từ tương đương không xuất hiện dưới dạng nguyên văn tiếng Hy Lạp trong cả hai sách Tin Mừng ấy. Trong cả hai, Chúa Giêsu nói một cách đơn giản “đức tin như hạt cải”. Không nghi ngờ gì nữa, sự nhỏ bé của những hạt giống này có một vai trò chủ chốt, nhưng Chúa Giêsu còn nghĩ đến nhiều điều khác hơn là kích thước. Rốt cuộc, nếu đó là điểm quan trọng thì Ngài đã có thể sử dụng cách nói ẩn dụ về một hạt cát hay hạt bụi, nhưng Ngài lại đã không làm thế.
Có hai điểm khác biệt với hạt cải.
Đầu tiên, đó là sức sống. Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh tương tự trong sách Tin Mừng của Thánh Gioan để mô tả cái chết và sự phục sinh của Ngài:
“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Gioan 12:24).
Vì vậy, có ba điều cần lưu ý: 1. hạt giống đang sống; 2. nó đem lại sự sống mặc dù bề ngoài nó có vẻ đã chết; 3. nó là sự sống dẫn đến việc sinh hoa kết trái. (Vâng, cây cải vùng đất Do Thái cho trái.)
Vì vậy, đức tin có hiệu quả là đức tin đang sống, đó là đức tin có tác động, vì Kinh Thánh định nghĩa đức tin đã chết là đức tin không có tác động: “Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” (Giacôbê 2:17 ). Chúng ta cũng có thể mô tả một đức tin như thế là một đức tin sinh hoa kết trái: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ?” (Mátthêu 7:16 ). Đức tin như vậy thường khiến chúng ta phải chết về phần xác để được sống trong Thánh Thần: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Luca 9:23), “Những ai thuộc về Chúa Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.” (Galát 5:24) và: “Chính Chúa Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.” (1 Phêrô 3:18).
Thứ hai, hạt giống nhỏ đó phát triển thành một cây rất lớn. Chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh khía cạnh này của hạt giống trước đó trong Mátthêu: “Chúa Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Ngài nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được” (Mátthêu 13: 31-32).
Việc sử dụng phép ẩn dụ không thể là ngẫu nhiên. Vì cuối cùng, chính nhờ đức tin, chứ không phải gươm giáo, mà Nước Trời được lớn lên.
Vì vậy, sứ điệp được nhấn mạnh không phải là nói đến sức mạnh của đức tin nhằm biến đổi thế giới chung quanh chúng ta, nhưng nó có tiềm năng biến đổi chúng ta, trong chính tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta lớn lên thành một cái cây tuyệt đẹp từ một hạt giống nhỏ bé. Một nhà bình luận thế kỷ 19 đã tóm tắt điều đó rất hay như sau:
Một số người cho là Chúa muốn nói rằng: Dù bạn có một đức tin nhỏ nhất hoặc yếu ớt nhất, nhưng nếu đức tin ấy là đích thực, thì bạn có thể làm được tất cả mọi thứ. Hạt cải sản sinh ra loại cây lớn nhất trong tất cả các loại cây. Một số người khác lại cho rằng, nếu bạn có đức tin ngày càng tăng trưởng, mở rộng, phát triển và được củng cố từ những bước nho nhỏ ban đầu, bạn có thể làm được công việc khó khăn nhất. Trong hạt giống vốn đang vươn tới những kết quả tuyệt vời luôn có một nguyên lý sự sống, giống như bản chất của đức tin có một nguồn mạch sự sống. Đức tin của bạn nên là như vậy. Đây hẳn là ý nghĩa thực sự.
Bối cảnh của cả Tin Mừng Mátthêu và Luca cũng cho chúng ta rút ra hai kết luận nữa về tác động của đức tin. Đầu tiên, chúng ta có thể thấy đức tin dời non chuyển núi. Hàm ý rất rõ ràng: đức tin cho phép chúng ta làm được những điều không thể làm được, bởi vì đối với Thiên Chúa thì không gì là không thể.
Nhưng bối cảnh thứ hai ít được chú ý hơn – đó là việc di dời cây dâu và đem trồng nó dưới biển. Chắc chắn việc ‘trồng’ một cái cây trong sóng biển là một việc khó thực hiện hơn. Đây dường như là một điều bất khả thi về mặt vật lý vì không có gì để rễ cây bám vào. Cái cây sẽ bị cuốn phăng đi ngay lập tức. Giống như xây một ngôi nhà trên cát lún, thậm chí việc ‘trồng’ một cái cây trong sóng biển còn tệ hơn thế. Nhưng Chúa Giêsu lại nói rằng điều đó có thể xảy ra. Nói cách khác, đức tin cho phép chúng ta bám chắc và đứng vững ngay cả trong những tình huống dường như bất ổn nhất.
Những hạt giống có sức mạnh nhằm xây dựng lại thế giới chung quanh chúng. Và đó là điều mà đức tin mang lại cho chúng ta – bắt đầu bằng cách xây dựng lại thế giới nội tâm của chúng ta.
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ,
theo Stephen Beale, catholicexchange.com